Trước đó, báo chí đã phản ánh: Nhiều đề án tuyển sinh của các trường đại học năm 2019 công bố trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT có nhiều nội dung khai báo không trung thực về các điều kiện xác định chỉ tiêu giảng viên cơ hữu, diện tích sàn xây dựng, quy mô.
Tình trạng khai gian giảng viên cơ hữu là vấn đề lớn nhất, mượn danh giảng viên ở trường khác làm giảng viên cơ hữu ở nhiều trường tư rất phổ biến.
Vì thế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ GD&ĐT báo cáo về vấn đề trên.
Được biết, Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT đã quy định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ có quy định về giảng viên cơ hữu trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh rất rõ ràng.
Cụ thể, tại Điều 4 quy định: “Giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục tư thục là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo Luật Lao động, không là công chức hoặc viên chức nhà nước, không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác; do cơ sở giáo dục trả lương và chi trả các khoản khác thuộc chế độ, chính sách đối với người lao động theo các quy định hiện hành”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của báo chí, nhiều trường tự ý đưa tên người khác không có hợp đồng lao động, đang là cơ hữu, công chức viên chức tại một trường khác thành người cơ hữu của trường mình là hoàn toàn sai so với quy định của pháp luật. Thậm chí có trường còn dùng "chiêu" đăng thông tin tuyển dụng giảng viên tiến sĩ, thạc sĩ, nhưng không tuyển dụng mà âm thầm lấy hồ sơ của người khác để khai gian thành giảng viên cơ hữu.