|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ sau khi ban này dừng hoạt động, sẽ do các Bộ, ngành, địa phương tiếp nhận tiếp tục thực hiện.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ - qua 15 năm hoạt động, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã cùng với các địa phương trong vùng bảo đảm an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị và đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của toàn vùng.
Một trong số các thành công trong xử lý các vấn đề lớn của vùng Tây Nam Bộ của Ban Chỉ đạo là nghiên cứu, tổng kết, định hướng về phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu và liên kết kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trên cơ sở nghiên cứu này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 120/NQ-CP ban hành ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quyết định thực hiện thí điểm cơ chế điều phối liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng Tổ điều phối; khuyến khích các địa phương thực hiện liên kết tiểu vùng như tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau...
Về công tác cán bộ sau khi kết thúc nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương sắp xếp lại các cán bộ thuộc các Vụ chuyên môn, Văn phòng của Ban chỉ đạo trong thời gian ngắn tới.
Ban Chỉ đạo được thành lập ngày 24/8/2004 theo quyết định của Bộ Chính trị nhằm giúp Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ là một trong 3 Ban Chỉ đạo thuộc quyền quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hai Ban còn lại là Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.