Chia sẻ với phóng viên VietTImes, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sự việc bắt đầu khi bệnh viện trả kết quả xét nghiệm cho 2 trẻ đang theo học tại trường Mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh). Cả 2 em bé này đều dương tính với sán lợn (hay còn gọi là sán dây)..
Hàng trăm trẻ được gia đình đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám sáng 15/3
|
Khi biết tin, nhiều phụ huynh có con đang học tại trường này trở nên hoang mang, đồng loạt đưa con từ Bắc Ninh đến Hà Nội khám xét nghiệm.
"Có tổng cộng 230 cháu đến bệnh viện, chúng tôi đã lấy mẫu xét nghiệm của 173 cháu, còn lại khoảng hơn 50 cháu ngày mai sẽ tiếp tục xét nghiệm" - GS. Nguyễn Văn Kính cho biết.
Khi đến bệnh viện, các học sinh này hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy số lượng trẻ mắc sán lợn cao bất thường, song GS. Nguyễn Văn Kính khẳng định đây không phải là một vụ dịch, trẻ có thể mắc sán lợn từ rất lâu trước đó.
Theo GS. Kính, trẻ có thể bị nhiễm sán lợn từ nhiều nguồn khác nhau, khó xác định thời điểm nhiễm. "Khi ở ngoài cơ thể, sán tồn tại dưới dạng trứng, đốt sán, theo bụi, theo đất xuống nước, bám vào rau, động vật. Nếu ăn phải trứng này, trứng sẽ theo đường tiêu hóa vào trong cơ thể, phát triển thành sán trưởng thành và ăn thức ăn trong dạ dày" - GS Nguyễn Văn Kính nói.
GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
|
Tuy nhiên, GS Nguyễn Văn Kính khẳng định đây không phải là bệnh nguy hiểm, vì vậy phụ huynh không nên hoang mang. Bệnh viện sẽ tư vấn cụ thể cho các gia đình để điều trị khỏi bệnh cho trẻ. "Thông thường, việc diệt sán trưởng thành chỉ cần một ngày, nhưng để tiêu diệt toàn bộ trứng thì phải mất 2 tuần. Bệnh nhân chỉ cần uống đủ thuốc trong vòng 2 tuần là có thể yên tâm".
Trước thông tin do trẻ ăn phải thịt lợn bẩn tại trường học mới nhiễm sán dây, GS. Nguyễn Văn Kính cho biết chưa thể khẳng định giả thiết này. "Do các cháu có thể mắc sán rất lâu trước khi được phát hiện, nên chúng tôi cần có kết quả thực địa từ các nhà dịch tễ học, xem xét các học sinh này sử dụng nguồn nước, nguồn thực phẩm như thế nào, vệ sinh tay ra sao, mới có thể kết luận nguyên nhân mắc sán".
Trước đó, ngày 14/2, nhiều phụ huynh có con theo học tại trường Mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) phát hiện thịt lợn dùng trong bữa ăn của trẻ có nhiều hạt nhỏ như gạo. Nghi là sán, phụ huynh yêu cầu nhà trường làm rõ sự việc, tuy nhiên không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Đến trưa ngày 5/3, một số phụ huynh phát hiện nhà trường dùng thịt gà đông lạnh bị mủn, có mùi, khác với cam kết cung cấp thịt tươi sống của nhà cung cấp. Cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện khoảng 10kg thịt gà đông lạnh trong tủ lạnh của bếp ăn nhà trường. Sự việc khiến nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của con mình. Hiện, chính quyền xã đã tạm đình chỉ công tác đối với bà Cao Thị Hòe, Hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Khương để phục vụ công tác điều tra. |