Hội nghị Tiêu chuẩn hoá Viễn thông thế giới 2016 diễn ra trong bối cảnh có nhiều biến động về xu hướng công nghệ như làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển của IoT, đô thị thông minh bền vững, IMT-2020, dịch vụ tài chính điện tử, 5G, thách thức về an ninh mạng, v.v…
Trải qua 2 tuần làm việc liên tục, Hội nghị đã thảo luận và quyết định nhiều nội dung mang tính chiến lược, định hướng trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa viễn thông thế giới của giai đoạn tới, xác định nhiệm vụ nghiên cứu các nội dung tiêu chuẩn viễn thông/CNTT&TT then chốt giai đoạn 2017-2020, xây dựng phương pháp làm việc, cơ cấu tổ chức của lĩnh vực tiêu chuẩn hóa của ITU. Mặc dù trong quá trình nhóm họp đã có nhiều tranh luận gay gắt giữa các nước, các khu vực có xung đột về quyền lợi, nhưng với sự phối hợp tích cực của Chủ toạ phiên họp, các nước thành viên, Hội nghị cũng đã kết luận được các nội dung quan trọng.
Kết quả chính của Hội nghị WTSA-16:
Hội nghị WTSA-16 đã được tiến hành thông qua 5 Ủy ban (COM - Committee) trong đó COM 3 về Phương pháp làm việc và COM 4 về Chương trình công tác và tổ chức công việc của ITU-T là hai ủy ban quan trọng nhất tiến hành thảo luận và thông qua các nội dung của hội nghị. Hội nghị WTSA-16 đã thông qua 61 Nghị quyết, bao gồm sửa đổi các nghị quyết của Hội nghị 2012 (WTSA-12) và ban hành mới 16 Nghị quyết. Một số nội dung nổi bật được Hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận bao gồm:
- Bảo vệ quyền lợi người sử dụng liên quan đến mức chất lượng dịch vụ thích đáng, mức độ tin cậy và an toàn, thúc đẩy cạnh tranh với giá cả phù hợp và công bằng;
- Chuyển vùng quốc tế cho thuê bao di động (IMR), tăng cường phối hợp áp dụng các khuyến nghị D.98, D.97 (http://www.itu.int/itu-t/recommendations/index.aspx?ser=D) của ITU-T nhằm giảm mức giá chuyển vùng quốc tế cho người dùng dịch vụ;
- Tăng cường triển khai kết nối trong mạng 4G/5G, IMT-2020 và mạng thế hệ kế tiếp;
- Tăng cường tiêu chuẩn hoá đối với IoT và Đô thị thông minh bền vững vì sự phát triển toàn cầu;
- Tìm giải pháp kỹ thuật chống thiết bị viễn thông/CNTT giả/nhái;
- Tìm giải pháp kỹ thuật chống trộm cắp thiết bị viễn thông/CNTT;
- Tăng cường triển khai dịch vụ tài chính điện tử (DFS);
- Công nghệ liên quan sự kiện trên nền điện toán đám mây;
- Vấn đề Mã nguồn mở trong ITU-T, v.v…
- Tăng cường và đa dạng hoá nguồn lực của ITU-T;
- WTSA-16 đã cơ cấu lại các vấn đề nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu hiện tại và quyết định các nội dung nghiên cứu cho giai đoạn bốn năm tiếp theo của 11 nhóm nghiên cứu. Đồng thời, trên cơ sở đề cử của các nước thành viên, đề cử từ các khu vực, thông qua tham vấn, trao đổi tại cuộc họp cấp trưởng đoàn, Hội nghị đã nhất trí thông qua danh sách chủ tịch và phó chủ tịch các nhóm nghiên cứu, trong đó có đại diện của Việt Nam là phó chủ tịch của Nhóm nghiên cứu số 11 (SG 11 – Các giao thức báo hiệu và đặc tả kĩ thuật đo kiểm);
- Hội nghị đã dành thời gian để thảo luận, thống nhất các vấn đề làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động tiêu chuẩn hóa viễn thông của ITU-T và của các thành viên ITU, bao gồm tăng cường công tác nghiên cứu công nghệ, biện pháp quản lý, vận hành của ITU-T như: công nhận đóng góp của người tham gia xây dựng khuyến nghị của ITU-T; Mạng định nghĩa bằng phần mềm (SDN); Đánh giá sự phù hợp và kết nối liên thông; Đo kiểm mức phơi nhiễm trường điện từ; CNTT và biến đổi khí hậu; Ấn định địa chỉ IPv6; Tăng cường bình đẳng giới trong các hoạt động về tiêu chuẩn hóa ICT; Các vấn đề liên quan đến An ninh mạng và bảo mật cá nhân; Các vấn đề liên quan đến sử dụng tài nguyên kho số, địa chỉ, tên miền, v.v…
- Các nội dung được bàn thảo tại Hội nghị không chỉ là những vấn đề kỹ thuật đơn thuần mà còn có nhiều nội dung gắn liền với quan điểm và chính sách của nhiều bên. Tranh luận tại WTSA-16 đã diễn ra cho đến phút cuối của phiên toàn thể hội nghị xung quanh việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật liên quan đến Kiến trúc Đối tượng Điện tử (DoA - Digital Object Architecture), Hệ thống xử lý định danh (Handle System) và việc đề cập thông tin liên quan đến tổ chức quản lý hệ thống nêu trên là DONA Foundation vào trong các Nghị quyết liên quan đến An ninh mạng, Chống các thiết bị viễn thông/ICT giả/nhái, Chống việc trộm cắp thiết bị viễn thông/ICT, E-health. Sử dụng các biện pháp kỹ thuật DoA/Handle System đồng nghĩa với việc hướng đến thúc đẩy kiểm soát mạng Internet và IoT chặt chẽ hơn trong đó mọi thông tin đều được định danh và có thể truy tìm nguồn gốc xuất phát.
Tranh luận đã diễn ra căng thẳng và kéo dài 2 ngày làm việc của phiên toàn thể giữa một bên phản đối DoA/Handle System gồm các nước như Mỹ, Anh, Thuỵ Điển, Pháp, Đức và khối các nước châu Âu và một bên ủng hộ gồm Nga, Trung Quốc, các nước Ả-rập và châu Phi. Dù đã có sự tham gia tích cực đề xuất trung gian hoà giải nhiều lần, của nhiều bên, thậm chí là sự tham gia đề xuất giải pháp trung lập của ITU nhưng việc thoả hiệp và thống nhất chỉ đạt được vào phút cuối cùng của phiên toàn thể. Các Nghị quyết có liên quan được thông qua mà không đề cập đến DoA, Handle System hoặc DONA Foundation.
- Một số chủ đề khác cũng thu hút nhiều tranh luận giữa các khu vực bao gồm: Đề xuất về việc nghiên cứu ảnh hưởng mang tính kinh tế của OTT (Ả-rập ủng hộ trong khi Mỹ, Âu phản đối), Mã nguồn mở, Việc thành lập và tham gia họp tại các nhóm khu vực trong các SG, Việc biểu quyết khi thông qua các khuyến nghị (Ả-rập ủng hộ trong khi Mỹ, Âu phản đối vì sẽ tước đi quyền lợi của các thành viên lĩnh vực – Sector Member).
Kết quả tham gia của đoàn Việt Nam tại Hội nghị WTSA-16
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng dẫn đầu tham dự hội nghị gồm cán bộ của Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Viễn thông, Vụ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Internet Việt Nam và một số cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Để tham gia Hội nghị, các cán bộ của đoàn Việt Nam đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, nghiên cứu, xây dựng nội dung, đề xuất tại 04 cuộc họp chuẩn bị của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2015-2016. Đoàn đã tích cực, chủ động nghiên cứu nội dung đề xuất, trao đổi, tìm kiếm sự đồng thuận với các nước từ cấp khu vực cho đến cấp liên khu vực. Tháng 8/2016 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Liên minh Viễn thông Châu Á Thái Bình Dương (APT) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tổ chức thành công Cuộc họp lần thứ 4 của APT chuẩn bị cho Hội nghị WTSA-16 tại thành phố Đà Nẵng. Trong quá trình này, đại diện của Việt Nam giữ vai trò là phó chủ tịch của Nhóm chuẩn bị số 3 về các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn hóa (bà Nguyễn Thị Khánh Thuận, Vụ Hợp tác quốc tế) và phó chủ tịch của Nhóm chuẩn bị số 1 về Phương pháp làm việc của ITU-T (ông Nguyễn Văn Khoa, Cục Viễn thông) trong số ba nhóm công tác của khu vực.
Đoàn Việt Nam dự họp tại Hội nghị WTSA-16 |
- Về một số nội dung tham gia cụ thể, ngoài việc nghiên cứu, chuẩn bị quan điểm cho các nội dung theo chương trình nghị sự của Hội nghị, đoàn Việt Nam đã tham gia chủ trì xây dựng và phối hợp xây dựng các đề xuất về: Thu hẹp khoảng cách tiêu chuẩn hóa, Đo kiểm mức phơi nhiễm trường điện từ, Chương trình đánh giá sự phù hợp và kết nối liên thông (C&I), Cấp phát địa chỉ IP và chuyển đổi sang IPv6, An ninh mạng. Trong các nội dung này, Thu hẹp khoảng cách tiêu chuẩn hóa và Đo kiểm mức phơi nhiễm trường điện từ là hai đề xuất được Việt Nam chủ trì và đại diện cho khu vực APT chịu trách nhiệm thuyết minh và bảo vệ thành công tại Hội nghị.
- Về công tác điều hành Hội nghị: Trên cơ sở sự tín nhiệm và đề xuất của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đại diện của Việt Nam (Bà Trần Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế) đã được Hội nghị nhất trí bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban số 3 (COM 3) về Phương pháp làm việc của ITU-T và trực tiếp điều hành các phiên họp thảo luận về Nghị quyết số 55 về “Thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động tiêu chuẩn hóa của ITU-T”. Ngoài ra, với cương vị là Phó chủ tịch 2 nhóm chuẩn bị của APT, đại diện của Việt Nam cũng đã tích cực tham gia công tác điều phối trong khu vực APT trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị;
- Được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có thư đề cử ông Nguyễn Văn Khoa (Cục Viễn thông) vào vị trí phó chủ tịch của Nhóm nghiên cứu số 11 (SG 11 – Các giao thức báo hiệu và đặc tả kĩ thuật đo kiểm) và đã được Hội nghị nhất trí thông qua trong danh sách các chủ tịch và phó chủ tịch các nhóm nghiên cứu giai đoạn bốn năm tới của ITU-T. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện được bầu giữ vị trí Phó chủ tịch của nhóm nghiên cứu ITU-T, là một kết quả đáng ghi nhận và bước tiến mới của Việt Nam trong việc tham gia tích cực, chủ động và có trọng tâm hơn vào lĩnh vực tiêu chuẩn hóa của ITU.
Theo MIC