Tại hội thảo “Tăng cường hiệu quả thi hành luật Phòng, chống tham nhũng - kinh nghiệm một số nước và thực tiễn Việt Nam” do Ban Nội chính TƯ, UNDP tổ chức sáng nay ở Hà Nội, ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng luật PCTN được đánh giá “đẹp”, tiến bộ, nhưng thực tế chưa hiệu quả.
"Đơn giản, nó đẹp, hay, nhưng thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện. Chống tham nhũng quan trọng là phải kiểm soát được tài sản, nhưng chúng ta mới kê khai cho đẹp chứ chưa kiểm soát được”, ông Quyền lý giải.
TS Đinh Văn Minh, Phó viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) cũng nêu bất cập: Ngay việc xác định ai thuộc diện kê khai đã không đơn giản, nhất là với những người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước.
Theo ông, quy định về kê khai tài sản của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đang có "lỗ hổng" rất lớn. Chính vì lỗ hổng này, người có tài sản dễ dàng chuyển tài sản cho vợ hoặc chồng hoặc con đã thành niên, nhất là những người này không thuộc diện phải kê khai.
“Như trong vụ biệt phủ sinh thái nghìn tỷ của một quan chức cấp tỉnh, mọi giấy tờ liên quan đến khu biệt thự này đều mang tên con trai. Trong khi con trai vị ấy đang là công chức không thuộc diện kê khai”, ông Minh dẫn chứng.
Phải có luật kiểm soát tài sản
Theo ông Jairo Acuna-Alfoso, cố vấn chính sách của UNDP, cần thu hẹp đối tượng cán bộ, công chức phải kê khai tài sản ở những chức danh từ cục trưởng và tương đương trở lên.
Chẳng hạn như chọn ngẫu nhiên khoảng 10-20% số bản kê khai tài sản hàng năm để kiểm tra mức độ trung thực. Sau đó công khai các bản kê khai đã kiểm tra ngẫu nhiên này và cả những trường hợp bị phát hiện có tài sản, thu nhập bất minh.
Ông Jairo cho rằng, Việt Nam cần phải quy định về tội làm giàu bất chính trong luật PCTN.
Đinh Văn Minh, Phó niện trưởng Viện Khoa học thanh tra
Tuy nhiên, ông Minh lại tỏ ra lo ngại khi hiện nay thu nhập công chức không chỉ từ lương mà từ nhiều nguồn khác nhau như tiền công, tiền bồi dưỡng…
“Những khoản này khó xác định nhưng có thể tích lũy dần thành những khối tài sản có giá trị mà chủ nhân khó giải trình”, ông Minh phân tích.
Trong khi đó pháp luật cũng không cấm công chức tham gia đầu tư (trừ các trường hợp xung đột lợi ích). Thêm vào đó là nguyên tắc “trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan nhà nước” khiến cho việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính chưa được chấp nhận ở Việt Nam. Để hình sự hóa hành vi làm giàu bất minh thì cần kiểm soát được tài sản, thu nhập”.
Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đề nghị phải xây dựng luật Kiểm soát tài sản để thực hiện được mục tiêu “không dám, không thể và không muốn tham nhũng”.
Tuy nhiên ông cũng lưu ý việc kiểm soát tài sản không nên “bó hẹp” vào những người có chức vụ quyền hạn .
Theo VNN