Kế hoạch điều hành kinh tế Mỹ của Joe Biden

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với quan điểm nước Mỹ không được sinh ra bởi các chủ ngân hàng, CEO hay nhà quản lý quỹ phố Wall, Biden muốn "cứu tầng lớp trung lưu để cứu nước Mỹ”.

"Hồi sinh" tầng lớp trung lưu, tầng lớp mà theo Joe Biden là đã sinh ra nước Mỹ và làm họ hòa nhập hơn về mặt chủng tộc là nền tảng trong chiến dịch tranh cử của ông. Mặc dù quan điểm này có vẻ giống thượng nghị sĩ Bernie Sanders - người từng chạy đua để đại diện cho đảng Dân chủ tranh cử tổng thống lần này – nhưng Biden tự coi mình là người ôn hòa với những kế hoạch hợp lý.

"Tôi không nghĩ 500 tỷ phú là lý do khiến chúng ta gặp khó khăn", ông nói trong bài phát biểu tại một sự kiện của Viện Brookings năm 2018. "Những người giàu nhất không phải là kẻ xấu", ông nói.

Nhưng ông tin rằng một tầng lớp trung lưu phát triển và thịnh vượng là điều quan trọng đối với ổn định xã hội và chính trị ở Mỹ. Theo Pew Research, 52% người Mỹ trưởng thành sống trong các hộ gia đình có thu nhập trung bình vào năm 2016. Thu nhập hàng năm của một hộ gia đình trung lưu gồm 3 người vào năm 2016 là 45.200 đến 135.600 USD.

Theo Pew, Mỹ có tầng lớp trung lưu nhỏ hơn so với nhiều nền kinh tế tiên tiến và sự chênh lệch thu nhập giữa các nhóm trong tầng lớp trung lưu đang gia tăng. Hơn nữa, trong khi 20% người giàu nhất xã hội đã hồi phục hoàn toàn sau cuộc Đại suy thoái, tầng lớp trung lưu vẫn chưa đạt đến đỉnh cao trước đó vào năm 2007, theo các chuyên gia của Brookings. "Những người thuộc tầng lớp trung lưu đang gặp rắc rối", Biden nói.

Ông Joe Biden trong một cuộc vận động tranh cử ở Pittsburgh ngày 31/8. Ảnh: Reuters.

Ông Joe Biden trong một cuộc vận động tranh cử ở Pittsburgh ngày 31/8. Ảnh: Reuters.

Phát triển cơ sở hạ tầng

Trong chiến dịch tranh cử, đảng Dân chủ đã đưa ra kế hoạch cơ sở hạ tầng kéo dài 10 năm, trị giá 1.300 tỷ USD. Theo Biden, kế hoạch này sẽ đưa Mỹ đến tương lai không phát thải khí nhà kính và mở rộng việc làm cho tầng lớp trung lưu.

Khoản chi bao gồm 400 tỷ USD cho một chương trình liên bang mới về nghiên cứu và đổi mới năng lượng sạch, 100 tỷ USD để hiện đại hóa trường học, 50 tỷ USD để sửa chữa đường xá, cầu và đường cao tốc trong năm đầu tiên nắm quyền, 20 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng ở nông thôn và 10 tỷ USD cho các dự án phục vụ các khu vực nghèo đói.

"Đó là những chính sách có tác động lớn và tạo ra nhiều hoạt động kinh tế," một chiến lược mà Mark Zandi, Nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, cho là rất cần thiết khi nền kinh tế đang vật lộn để giành lại những công việc đã mất.

Để có tiền thực hiện kế hoạch này, Biden nói sẽ đảo ngược các khoản cắt giảm thuế quá mức của Trump dành cho các công ty; giảm các ưu đãi cho các thiên đường thuế, trốn thuế và thuê ngoài; đảm bảo các công ty đóng thuế một cách công bằng; đóng các lỗ hổng khác trong mã thuế; và chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch.

Chính sách thuế

Biden muốn tăng thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất từ 21% lên 28%. Sự gia tăng này được đánh giá sẽ chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty hơn là cá nhân, nhưng Goldman Sachs từng mô tả ý tưởng tăng thuế là "hậu quả trực tiếp nhất của một cuộc truy quét của đảng Dân chủ".

"Tôi sẽ thực hiện các thay đổi về thuế doanh nghiệp vào ngày đầu tiên làm tổng thống," Biden nói trên CNN vào giữa tháng 9. "Và lý do tôi làm thế vì ngân sách có thể tăng 1.300 tỷ USD nếu họ bắt đầu trả 28%, thay vì 21%. Họ đang làm gì vậy? Họ không chịu thuê thêm người", ông nói.

Ông cũng định tăng thuế thu nhập cá nhân lên mức cao nhất 39,6%, từ mức mức 37%; áp thuế an sinh xã hội với người có thu nhập trên 400.000 USD; thuế thặng dư vốn và đánh thuế tối thiểu 15% với thu nhập sổ sách của các công ty lớn. Thuế suất đối với lợi nhuận thu được từ các công ty con ở nước ngoài của các công ty Mỹ sẽ tăng gấp đôi, lên 21%.

Theo Trung tâm Chính sách Thuế, các đề xuất thuế của Biden sẽ giúp tăng thu ngân sách thêm 4.000 tỷ USD từ năm 2021 đến năm 2030. Ước tính, 93% số tiền tăng thuế sẽ do những người nộp thuế trong 20% hộ gia đình có thu nhập cao nhất gánh chịu. 1% hộ gia đình hàng đầu sẽ trả 3/4 số tiền tăng thuế.

Theo Trung tâm Chính sách Thuế, việc đánh thuế người thu nhập cao sẽ dẫn đến mức tăng thuế trung bình gần 300.000 USD với các hộ gia đình thuộc 1% thu nhập cao nhất và tăng 260 USD mỗi năm đối với những hộ gia đình trung lưu.

"Các đề xuất của Joe Biden về việc tăng thuế đối với các hộ gia đình kiếm được hơn 400.000 USD hàng năm và đối với các tập đoàn, nhìn chung là nhất quán với hệ thống thuế thời các nền kinh tế thành công của Tổng thống Clinton và Obama", Giáo sư Jason Furman của Đại học Harvard, nguyên Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng giai đoạn 2013-2017 nói.

Vậy kế hoạch thuế Biden có thể ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng kinh tế Mỹ, khi được xem xét một cách riêng lẻ? Có 2 mô hình phân tích dự báo tác động, thực hiện bởi Penn-Wharton Budget Model và của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI).

Mô hình Penn cho thấy kế hoạch thuế Biden có thể khiến GDP Mỹ giảm 0,4% vào năm 2030 và tăng 0,8% vào năm 2050. Trong khi, mô hình AEI dự báo kế hoạch này sẽ có tác động không đáng kể đến tăng trưởng, làm giảm GDP trung bình hàng năm 0,06% trong thập kỷ tới, tăng GDP 0,07% trong thập kỷ tiếp theo và giảm 0,2% trong dài hạn.

Thương chiến Mỹ - Trung

Trong bài viết cho Foreign Affairs có tựa đề " Tại sao nước Mỹ phải dẫn đầu trở lại", Biden mô tả kế hoạch giúp đỡ vị thế của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu bằng cách trước tiên là đầu tư vào đổi mới và tầng lớp trung lưu.

Ông hứa sẽ làm như vậy trước khi tham gia bất kỳ hiệp định thương mại mới nào. Theo ông, cách tốt nhất để đối phó với Trung Quốc về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ là thành lập liên minh với các đồng minh và đối tác, chứ không phải thông qua thuế quan đơn phương.

Việc làm và tiền lương

Biden muốn tạo ra "hàng triệu việc làm cho tầng lớp trung lưu" thông qua kế hoạch cơ sở hạ tầng của mình. Điều này liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, các ngành công nghiệp thích ứng với khí hậu. Nó bao gồm việc tăng cường tài trợ cho các chương trình như "Tín dụng Thuế Thị trường Mới", "Tổ chức Tài chính Phát triển Cộng đồng" (CDFI) và Cơ quan Quản lý Phát triển Kinh tế, một cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ.

Để giúp sản xuất, ông có kế hoạch tăng gấp bốn lần tài trợ cho chương trình "Đối tác Mở rộng Sản xuất" và cung cấp các khoản tín dụng thuế để đầu tư vào các cộng đồng từng bị sa thải hàng loạt hoặc đóng cửa một cơ quan chính phủ lớn.

Ông muốn tăng mức lương tối thiểu liên bang lên 15 USD mỗi giờ và tin rằng các nhà lãnh đạo công đoàn nên tham gia vào các cuộc đàm phán mới. Do khủng hoảng Covid-19, ông đã đề xuất 50 tiểu bang áp dụng các chương trình bồi thường ngắn hạn, do chính phủ liên bang tài trợ toàn bộ và lâu dài.

"Mọi người đang kiếm được 6, 7, 8 USD một giờ," Biden từng nói, "Họ xứng đáng với mức lương tối thiểu là 15 USD. Bất kỳ con số nào dưới mức đó đều đẩy bạn xuống mức nghèo khổ. Và không có bằng chứng nào cho thấy khi tăng lương tối thiểu, doanh nghiệp phá sản. Đó chỉ đơn giản là không đúng sự thật".

Một số bang đang dần tăng mức lương cơ bản lên 15 USD, hàng chục thành phố và quận, cùng với các tập đoàn hàng đầu như Amazon, đã làm vậy. Theo Mark Zandi, Nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, việc tăng lương tối thiểu lên 15 USD sẽ có ít tác động tiêu cực nếu diễn ra dần dần và theo xu hướng thị trường.

Ông cũng muốn cải cách các chương trình thị thực tạm thời để đảm bảo chính phủ không từ chối việc tuyển dụng lao động từ chương trình "U.S. Plus". Ông muốn tăng cấp thẻ xanh.

Nợ sinh viên

Ông Joe Biden muốn xóa khoản nợ sinh viên tối thiểu 10.000 USD mỗi người, như lời đề nghị ban đầu của Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, như một cách cứu trợ Covid-19. Ông cũng đề xuất xóa nợ sinh viên cho các cá nhân có thu nhập dưới 125.000 USD mỗi năm, từng theo học các trường cao đẳng và đại học công lập, các trường cao đẳng và đại học tư nhân của người da màu.

Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng lạc quan về hiệu ứng tích cực của tổng hòa chương trình nghị sự kinh tế mà Joe Biden đề ra. Kế hoạch của Joe Biden được đánh giá mang lại tiêu cực, theo một nghiên cứu tập thể của các chuyên gia gồm Casey Mulligan, giáo sư Đại học Chicago, cựu kinh tế trưởng của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng; Kevin Hassett, cựu cố vấn kinh tế của Nhà Trắng hiện làm việc tại Viện Hoover của Đại học Stanford; cùng hai chuyên gia Timothy Fitzgerald và Cody Kallen.

Các nhà kinh tế dự đoán rằng kế hoạch mở rộng trợ cấp cho bảo hiểm y tế theo "Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng" cùng với các động thái như đảo ngược "Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm" năm 2017; tăng thuế với các doanh nghiệp; thiết lập các tiêu chuẩn môi trường mới... sẽ không khuyến khích người Mỹ làm việc và kiếm nhiều tiền hơn. Theo báo cáo của nhóm chuyên gia, kế hoạch này cuối cùng sẽ dẫn đến giảm khoảng 4,9 triệu việc làm toàn thời gian và làm giảm GDP của quốc gia hơn 8% trong thập kỷ tới.

Theo VnExpress