|
Nhiều công trình mọc lên ven sông Sài Gòn |
Sự ra đời của những tấm bản đồ
Xác định bán đảo Thủ Thiêm (huyện Thủ Đức), đối diện bên kia sông của trung tâm Sài Gòn, sẽ trở thành KĐTM hiện đại, ngày 27/5/1996 UBND TP HCM gửi tờ trình đề nghị Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/5.000.
Theo đó, KĐTM Thủ Thiêm có 7 phân khu chức năng: Khu trung tâm giao dịch, thương mại, dịch vụ, tài chính, dịch vụ gồm các cao ốc từ 30-100 tầng, bố trí theo hai trục đại lộ trung tâm Đông Tây; Khu trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế ở phía Nam; Khu nhà ở cao cấp nhiều chủng loại ở phía Bắc; Khu trung tâm văn hóa, du lịch, giải trí ở phía Nam và dọc bờ sông Sài Gòn.
Khu công viên kết hợp trung tâm đi bộ, công viên trung tâm ở phía Đông Nam và theo các trục đại lộ Đông Tây, Bắc Nam; Khu trung tâm hành chính quảng trường khu đô thị mới bố trí đối diện với trung tâm quận 1, quảng trường Mê Linh trên bờ sông Sài Gòn; cuối cùng là Khu chuyển dân tái định cư bố trí ở phía Đông, giáp ranh phạm vi lập quy hoạch.
Sau khi Văn phòng Chính phủ rà soát các mặt chuyên môn, thủ tục và lấy ý kiến Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, ngày 4/6/1996 Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định 367 phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐTM Thủ Thiêm.
Quyết định gồm các nội dung: KĐTM Thủ Thiêm có diện tích 930 ha, trong đó KĐTM rộng 770 ha, khu tái định cư 160 ha; dân số khoảng 200.000 người; khu tái định cư 45.000 người.
Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP HCM, Bộ trưởng Bộ Xây dựng triển khai thực hiện quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm, trong đó có việc: lập các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định; hướng dẫn việc thực hiện đúng theo quy hoạch được duyệt.
Căn cứ theo đồ án quy hoạch tổng mặt bằng 1/5.000 KĐTM Thủ Thiêm đã được Thủ tướng phê duyệt, ngày 16/9/1998 Kiến trúc sư trưởng TP HCM Lê Văn Nam ký quyết định 13585 phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 kèm theo bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất 1/2.000.
Ngày 22/2/2002, theo đề nghị của UBND thành phố, Thủ tướng có công văn cho phép thu hồi 930 ha thuộc các phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm (lúc này đã đổi thành quận 2) để chuẩn bị cho việc xây dựng KĐTM Thủ Thiêm.
Sự điều chỉnh của TP.HCM
Tuy nhiên, ngày 27/12/2005, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Đua ký Quyết định 6565 phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 với các nội dung chính: KĐTM Thủ Thiêm có diện tích quy mô khu trung tâm là 737 ha, trong đó khu đô thị phát triển mới là 657 ha, khu đô thị chỉnh trang là 80 ha. Tổng số dân định cư là 130.000 người...
Từ quyết định này, trung tâm KĐTM Thủ Thiêm được chia làm 5 khu vực chính, gồm: Khu lõi trung tâm hành chính, Khu đa chức năng Đại lộ Đông Tây, Khu dân cư phía Bắc, Khu dân cư phía Đông và Khu lâm viên sinh thái phía Nam.
Trong Điều 2 của quyết định này có nội dung Quyết định này thay thế Quyết định 367 ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng ngày, UBND TP HCM cũng ban hành Quyết định 6566 duyệt quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/.2000 (do Công ty Sasaki Associates kết hợp với Viện Quy hoạch xây dựng thành phố lập). Tại Điều 2 của quyết định này nêu rõ Quyết định này thay thế cho Quyết định 13585 ngày 16/9/1998 của Kiến trúc sư trưởng thành phố.
Hai năm sau, ngày 2/11/2007, UBND TP HCM lại có Quyết định 5945 điều chỉnh hủy bỏ đoạn Quyết định này thay thế quyết định 367 ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ tại Điều 2 Quyết định 6565.
5 ngày sau UBND TP HCM tiếp tục ban hành Quyết định 5016 điều chỉnh hủy bỏ đoạn Căn cứ Quyết định số 367 ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung khu đô thị Thủ Thiêm và Quyết định số 6565 ngày 27/12/2005 của UBND TP HCM về việc phê duyệt quy hoạch chung khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm trong Quyết định 6566.
Khiếu nại kéo dài
Trung tâm KĐTM Thủ Thiêm theo quy hoạch mới (Quyết định 6566 năm 2005) được chia thành 5 phần: khu lõi trung tâm chính, khu đa chức năng đại lộ Đại lộ Đông Tây, khu dân cư phía Bắc, khu dân cư phía Đông và khu lâm viên sinh thái phía Nam. Diện tích khu vực quy hoạch là 657 ha.
Và gần như từ năm 2005 trở về sau, các văn bản liên quan đến quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm không còn căn cứ trên Quyết định 367 của Thủ tướng mà căn cứ trên quy hoạch 1/5.000 do UBND TP HCM phê duyệt năm 2005.
Đến năm 2012, quy hoạch 1/2.000 điều chỉnh KĐTM Thủ Thiêm (do một công ty Nhật Bản tư vấn) đã phân chia Thủ Thiêm trở lại thành 8 khu chức năng nhưng vẫn căn cứ trên quy hoạch năm 2005 của UBND TP HCM.
Tính đến nay, KĐTM Thủ Thiêm đã giải phóng mặt bằng hơn 99%. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 100 hộ dân khiếu nại vì cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch theo quyết định của thủ tướng năm 1996 nhưng vẫn bị giải tỏa.
Tại các buổi đối thoại, người dân đòi UBND TP HCM phải đưa ra bản đồ quy hoạch 1/5.000 được Thủ tướng phê duyệt kèm theo Quyết định 367 năm 1996 để đối chiếu ranh ban đầu của dự án. Tuy nhiên, TP HCM không tìm được tấm bản đồ nên việc khiếu kiện kéo dài suốt hàng chục năm qua.
Ý nghĩa của một số loại bản đồ
Bản đồ quy hoạch chung tỉ lệ 1/5.000 có giá trị xác định các khu vực chức năng, những định hướng tính giao thông, sẽ rõ ràng mốc giới, địa giới của các phần đất dành để phát triển hạ tầng đường, cầu, cống, điện, trường học, khu dân cư, cây xanh, hồ nước...
Có thể nói, bản đồ quy hoạch 1/5.000 là cơ sở gốc để xác định mục tiêu phát triển, kêu gọi đầu tư cũng như vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù, di dân...
Bản đồ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 nhằm phân chia và xác định chức năng sử dụng đất và mạng lưới công trình hạ tầng nhằm cụ thể hóa nội dung của quy hoạch chung đô thị.
Nội dung của quy hoạch phân khu bao gồm: xác định phạm vi ranh giới, diện tích, tính chất khu vực lập quy hoạch, chỉ tiêu dự kiến về dân số, sử dụng đất, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đối với từng ô phố và đấu nối hạ tầng kỹ thuật chung; xác định chức năng sử dụng đất cho từng khu đất; nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan và đánh giá tác môi trường chiến lược.
Mặt khác quy hoạch này có nhiều nội dung xác định vị trí công trình kỹ thuật và ranh giới trên đất. Do đó quy hoạch này liên quan mật thiết với quyền sờ hữu về đất đai (về quyền sử dụng đất), vì vậy nó có giá trị pháp lý cao, nó là căn cứ để giải quyết tranh tụng.
Bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 cụ thể hóa nội dung quy hoạch phân khu và quy hoạch chung.
Bản đồ quy hoạch chi tiết bố trí cụ thể tất cả các công trình trên đất. Về hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chi tiết bố trí đến từng ranh giới lô đất.
Nói cách khác, bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 chính là quy hoạch tổng mặt bằng của các dự án dầu tư xây dựng, là cơ sở để định vị công trình, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật xây dụng công trình và thực hiện xây dựng.