Hải quân Nga sẽ nỗ lực hơn trong việc triển khai vũ khí dẫn đường chính xác tầm xa mới thành một dạng răn đe chiến lược phi hạt nhân, giúp giảm sự phụ thuộc vào lực lượng hạt nhân chiến thuật. Tuy nhiên, quân đội Nga vẫn có thể giữ các lực lượng hạt nhân phi chiến lược quan trọng trong tương lai gần.
“Tư lệnh Hải quân sẽ tập trung xây dựng các nhóm răn đe chiến lược phi hạt nhân, bao gồm các tàu được trang bị vũ khí chính xác tầm xa, cũng như nâng cấp hệ thống các căn cứ hải quân và đảm bảo cân bằng nguồn cung vũ khí và đạn dược,” Tư lệnh, Đô đốc Vladimir Korolyov trả lời hãng thông tấn Nga TASS.
Ông Nikolai Sokov, hiện là thành viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí James Martin tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey cho rằng đây là một sự thay đổi lớn so với chính sách trước đây.
Ông Sokov cho rằng: “Theo một góc nhìn rộng hơn thì sự chuyển dịch này giống như một bước phát triển quan trọng vì lịch sử từ trước đến nay của hải quân Nga là bộ phận lớn nhất trong kho vũ khí hạt nhân phi chiến lược, hải quân Nga không thể đối mặt với Hải quân Mỹ nếu thiếu lực lượng này".
“Giờ đây họ không chỉ có vũ khí mới mà quan trọng hơn là còn đảm nhận nhiệm vụ mới, những vũ khí mới và nhiều khả năng hơn cuối cùng cũng sẽ xuất hiện.”
“Hơn nữa, những vũ khí này toàn hoàn có thể sử dụng được và có thể được triển khai trên một loạt các nền tảng khác nhau bao gồm cả những loại chưa bao giờ dám mang vũ khí hạt nhân” (công cụ này sẽ rất có ích đối với chương trình hải quân của Nga.)
Tuy nhiên, cho dù phát triển mới này của Nga có ý nghĩa rất lớn nhưng Mátxcơva vẫn sẽ phải dựa vào lực lượng hạt nhân của mình ở một mức độ nào đó.
Theo Michael Kofman, một nhà nghiên cứu chuyên về các vấn đề quân sự của Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân: "Đây là một phần trong chiến lược chung của Nga nhằm tăng cường khả năng răn đe thông thường và khả năng trả đũa với các loại vũ khí thông thường tầm xa".
"Tuy nhiên điều này không loại bỏ vai trò của Hải quân Nga trong việc kiểm soát việc leo thang bằng vũ khí hạt nhân phi chiến lược đã được quy định rõ ràng trong học thuyết hải quân năm 2017."
Khả năng răn đe thông thường của Nga sẽ được sử dụng kết hợp với lực lượng hạt nhân. “Hai lĩnh vực này không loại trừ lẫn nhau mà mang tính bổ sung, khả năng răn đe phi hạt nhân được triển khai để ngăn chặn Mỹ thể hiện ưu thế vượt trội về vũ khí thông thường, còn khả năng răn đe hạt nhân với các vũ khí hạt nhân phi chiến lược (NSNW) lại được sử dụng để kiểm soát leo thang.”
Quả thực tất cả các loại vũ khí mới tầm xa dẫn đường chính xác của Nga đều là vũ khí kết hợp khả năng cả hạt nhân lẫn thông thường. “Các tên lửa đều giống nhau, điểm khác là nằm ở tải trọng. Tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân thì sẽ có tầm bắn xa hơn nhiều", Kofman cho hay.
Hơn nữa, còn có sự khác biệt giữa các nhà đàm phán về kiểm soát hạt nhân và quân đội định nghĩa các thuật ngữ như chiến lược và phi chiến lược.
“Khi bàn về thành tố hạt nhân phi chiến lược trong lực lượng hạt nhân Nga, quan trọng là phải nhớ rằng định nghĩa của quân đội không giống với những định nghĩa đã được pháp điển hóa", ông Sokov nhấn mạnh.
“Các thiết bị tầm trung và tầm xa thường được coi là công cụ chiến lược vì nhiệm vụ mà chúng đảm nhận. Còn các thiết bị tầm ngắn thường bị coi là mang tính chiến thuật trong các nhiệm vụ chiến đấu. Nga có thể sẽ tiếp tục coi trọng các thiết bị tầm xa phi chiến lược, cả vũ khí hạt nhân lẫn vũ khí thông thường và không đánh giá cao các vũ khí hạt nhân tầm ngắn, vì những vũ khí này chưa bao giờ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược hạt nhân của Nga",
Tuy nhiên, vũ khí tấn công tầm xa mới của Nga không chỉ nhằm mục đích răn đe. Những tên lửa này có thể được sử dụng để triển khai sức mạnh như ở Syria. “Các nhiệm vụ răn đe không làm lu mờ đi những gì đã diễn ra ở Syria", ông Sokov nhấn mạnh.
“Tên lửa Kalibr đã từng được sử dụng để hỗ trợ chính sách với thành công vang dội. Cho dù Hải quân Nga không bàn về nó nhưng đây sẽ là nhiệm vụ dễ thấy nhất trong tương lai gần. Việc triển khai thật sự sẽ hiếm khi xảy ra trong tương lai gần, nhưng biểu trưng khả năng sẽ được sử dụng tích cực. Đó là một trong những nhiệm vụ chính của hải quân Nga trong việc hỗ trợ cho chính sách đối ngoại của nước này bằng sức mạnh quân sự".
Tuy nhiên, Kofman cho rằng Nga phải đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển một chuỗi các công cụ có khả năng sát thương mạnh cho khả năng răn đe thông thường.
“Để nâng cao độ tín nhiệm của khả năng răn đe thông thường, Nga sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào năng lực và mục tiêu cần thiết đối với vũ khí chính xác tầm xa. Cả hai đều là ưu tiên trong chương trình trang bị vũ khí quốc gia sắp tới của Nga giai đoạn 2018-2027.”