|
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018. (Ảnh: ĐTCK) |
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh xử lý, tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Trong đó, đối với ngân hàng thương mại, Chính phủ khuyến khích mua bán sáp nhập (M&A) các ngân hàng nhỏ, các tổ chức tín dụng nhỏ vào các ngân hàng lớn. Hiện nay, số lượng tổ chức TCTD ở Việt Nam đang còn nhiều. Vì vậy chúng ta cần sắp xếp lại để nâng cao quản trị.
Đặc biệt, Chính phủ sẽ bán và chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã mua lại hay các tổ chức tín dụng đang trong kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật TCTD mới sửa đổi như Ngân hàng Xây dựng, Ocean Bank, GP Bank…, tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém trong diện kiểm soát đặc biệt.
Trong khi đó, tới đây Chính phủ sẽ hết sức hạn chế, có thể nói là không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Nhưng Chính phủ sẽ khuyến khích, cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua lại các ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu, để trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
"Rất nhiều nhà đầu tư, tổ chức tài chính trong và ngoài nước quan tâm đến các tổ chức tín dụng nói trên. Và Chính phủ đang muốn thu hút thêm để lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất", Phó Thủ tướng nói.
Đối với nhóm các NHTM Nhà nước, Chính phủ cũng sẽ tổ chức cổ phẩn hóa và thoái vốn khỏi các ngân hàng này. "Agribank đã có lộ trình IPO vào 2019, BIDV và Vietcombank đang thực hiện chủ trương bán bớt vốn thông qua việc phát hành thêm cổ phần cho các nhà đầu tư”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, theo ông Vương Đình Huệ, Chính phủ cũng đang chủ trương tái cơ cấu lại các công ty tài chính (hiện có khoảng 36 – 38 công ty tài chính của các Tập đoàn, Công ty Nhà nước), bao gồm cả phương án bán vốn. Liên quan đến chủ trương này, hiện Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị liên quan trình phương án cụ thể.
Kết quả tái cấu trúc hệ thống các TCTD đang cho thấy những kết quả khả quan. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành đã giảm từ 10,08% (đầu năm 2016) xuống còn 6,9% (tháng 6/2018). Trong đó, nợ xấu nội bảng giảm chỉ còn hơn 2%.
Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục kiên trì, nhất quán với chủ trương tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thu gọn lại danh mục DNNN mà nhà nước đang nắm giữ vốn.
Đối với các DNNN đã IPO, Chính phủ sẽ tiếp tục thoái vốn, giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà nước. Kế hoạch là từ nay đến 2020 sẽ cơ bản hoàn thành vấn đề này.
Ngoài ra, Chính phủ cũng có chủ trương tái cơ cấu các công ty nông lâm trường, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công, trừ trường học và bệnh viện.
“Tôi nghĩ, đây sẽ là là những lĩnh vực rất trọng tâm đang chờ đón các nhà đầu tư”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Trước đó, chia sẻ về chủ đề của Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 - “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, M&A vô cùng quan trọng vì Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, bán bớt vốn nhà nước nắm giữ tại các DNNN.
Quá trình tái cơ cấu này cũng tạo điều kiện cho các thương vụ M&A phát triển và ở chiều ngược lại các thương vụ M&A cũng giúp quá trình tái cơ cấu của Việt Nam thành công. Cả hai việc này hỗ trợ cho nhau./.
(Tổng hợp)