iPhone ra đời có thực sự làm thay đổi ngành công nghiệp smartphone?

VietTimes -- Năm 2007, chiếc iPhone ra đời, đánh dấu một bước ngoặt cho ngành công nghiệp ĐTDĐ. 10 năm qua, iPhone vẫn giữ được vị thế “ông hoàng” và vẫn chưa bao giờ hết “hot”. Nhưng iPhone có thực sự là một sản phẩm “cách mạng toàn diện” về mặt công nghệ không? Chúng tôi xin trích đăng quan điểm của Kalle Lyytinen Iris S. Walstein, giáo sư thiết kế quản lý, Đại học Case Western Reserve University, Mỹ.
ảnh minh họa (ibTimes)
ảnh minh họa (ibTimes)

Khi lần đầu tiên xuất hiện năm 2007, chiếc điện thoại iPhone đã mang theo tất cả những cam kết và sự hào nhoáng trong lời tuyên bố của Steve Jobs, lấy giao diện người dùng và thiết kế sang trọng là điểm nhấn để thu hút người mua. Hiện nay, chúng ta đều biết rằng iPhone đã làm thay đổi cả ngành kinh doanh điện thoại di động, ngành kinh tế internet, và ở khía cạnh nào đó, nó đã làm thay đổi cả xã hội. Nhưng về mặt kỹ thuật mà nói, thì chiếc iPhone không phải là một sản phẩm có tính đột phá quá mức như người ta vẫn tung hô.

Phần mềm và ý tưởng giao diện của iPhone lúc mới ra đời dựa trên iPod, một sản phẩm đang sử dụng lại công nghệ nghe nhạc kỹ thuật số. Màn hình cảm ứng vốn đã xuất hiện trên các dòng điện thoại và máy tính bảng trước đó, trong đó có cả mẫu Newton của chính Apple. Và các loại điện thoại Nokia hàng đầu thời điểm đó đã có bộ nhớ lớn hơn, chất lượng camera cao hơn và tính kết nối di động nhanh hơn. Tính năng tạo cho chiếc iPhone có tính đột phá đó là sự thay đổi khái niệm đằng sau toàn bộ dự án iPhone: các nhà thiết kế của Apple không sáng tạo ra một chiếc điện thoại với một số tính năng bổ sung thêm, mà hơn thế họ đặt ra mục tiêu tạo ra một chiếc điện thoại như một chiếc máy tính cầm tay giải quyết nhu cầu thực hiện các cuộc gọi và trình duyệt lướt web.

Là một nhà nghiên cứu về quản lý, thiết kế và sáng tạo, tôi thấy rất khó để dự đoán sự phát triển công nghệ có tính cách mạng thực sự tiếp theo là gì. Trong 10 năm kể từ ngày chiếc iPhone đầu tiên ra đời, có quá nhiều vấn đề về cuộc sống hiện đại, thương mại và văn hóa đã thay đổi. Một trong những nguyên nhân đó là nhờ có chiếc iPhone. iPhone đã làm thay đổi cuộc chơi không chỉ bởi công nghệ tiên tiến và giao diện người dùng tuyệt vời của nó, mà hơn thế nữa là còn nhờ kết quả của sự tưởng tượng và sự táo bạo của người sáng tạo ra nó.

Phát minh ra nhiều ứng dụng di động

Khi chiếc iPhone ra đời, chính các nhà thiết kế của nó cảm thấy khó đoán xem họ đang tạo ra một chiếc điện thoại hay một chiếc máy tính nữa. Các kỹ sư và các chuyên gia về marketing cũng lo ngại rằng sản phẩm mới này của Apple có thể giết chết thị trường iPod, một sản phẩm đã thúc đẩy sự hồi sinh của tập đoàn Apple trong 5 năm qua. Nokia, một tên tuổi lớn nhất trong thị trường điện thoại di động lúc đó, cũng đã có các công nghệ và nguyên mẫu tương tự, và họ cũng đã rất lo sợ bị Apple vượt mặt các dòng sản phẩm điện thoại di động của họ lúc đó, những loại điện thoại sử dụng phần mềm đơn giản và có vẻ lỗi thời hơn so với những phần mềm được Apple phát triển trên iPhone.

Tuy nhiên, Apple đã thực hiện một bước đại nhảy vọt bằng cách cài đặt một hệ điều hành trên máy tính vào chiếc iPhone, cùng với một số chương trình ứng dụng nhỏ. Một số chương trình liên quan đến điện thoại, trong đó có chương trình thực hiện và nhận các cuộc gọi, cũng như một phương thức mới để hiển thị các tin nhắn âm thanh, và một hệ thống tách riêng phần tin nhắn văn bản khác. Một số chương trình khác thì tương tự chiếc máy tính, như là ứng dụng email và trình duyệt web. Tất nhiên, các tính năng nghe nhạc trên iPod cũng đã được tích hợp vào, liên kết chiếc iPhone với các hệ thống nghe nhạc khác của Apple lúc đó.

Đầu tiên, những chương trình này là cho các ứng dụng. Nhưng các kỹ sư máy tính tài năng và cả những tên hacker biết rằng họ đang nắm trong tay một chiếc máy tính cầm tay, và đã đặt ra mục tiêu viết phần mềm cho riêng họ và cài đặt nó chạy trên chiếc iPhone. Đây chính là bình minh cho các ứng dụng phổ biến hiện nay. Trong vòng một năm, những ứng dụng này đã trở nên quá phổ biến, và tiềm năng của các ứng dụng này thì cực kỳ lớn, đến mức phiên bản hệ điều hành thứ hai cho iPhone của Apple đã tạo điệu kiện rất dễ dàng cho người dùng cài các ứng dụng này trên điện thoại của họ.

Những chiếc iPhone đời đầu tương đối nhỏ và cơ bản, so với các mẫu iPhone ngày nay (Ảnh flickr)

Thay đổi ưu tiên

Triển vọng tạo ra một chiếc điện thoại giống với một chiếc máy tính cầm tay có đầy đủ chức năng đã làm thay đổi cái cách người dùng và các nhà sản xuất suy nghĩ về chiếc điện thoại di động của họ. Đối với Apple và mọi công ty điện thoại khác, phần mềm trở nên quan trọng hơn phần cứng. vấn đề những ứng dụng nào mà một chiếc điện thoại có thể chạy, và chạy với tốc độ như thế nào, có vai trò quan trọng hơn nhiều so với việc nó có một chiếc camera tốt hơn hay có thể lưu được thêm vài tấm ảnh; thiết kế bật mở, trượt mở hay là kiểu dáng dạng thanh; hay loại điện thoại đó có bàn phím lớn hay nhỏ. Bàn phím chiếc iPhone được tích hợp trên màn hình và do phần mềm tạo ra, thực hiện chức năng đòi hỏi phải có một phần cứng phù hợp trong một chiếc điện thoại chạy trên phần cứng đa năng và phần mềm chuyên dụng.

Vào thời điểm chiếc iPhone ra đời, Nokia đã tạo ra khoảng 200 kiểu điện thoại khác nhau để đáp ứng tất cả các nhu cầu cho hàng trăm triệu khách hàng của họ. Chỉ duy nhất có một mẫu iPhone lúc Apple bắt đầu phát hành, và trong một thập kỷ sau đó, cũng chỉ có 14 mẫu iPhone chính – mặc dù hiện nay các mẫu này có nhiều màu sắc khác nhau, không chỉ là hai màu đen và trắng như ban đầu. Điều này chứng tỏ sức mạnh của tính năng phần mềm và tính đơn giản đi kèm. Vai trò nổi bật của phần mềm trên một chiếc điện thoại di động đã làm thay đổi cả cách kiếm tiền của ngành công nghiệp điện thoại. Hiện nay, tiền không chỉ thu được từ bán điện thoại và các dịch vụ điện thoại, mà họ còn thu được nhờ marketing và bán các ứng dụng và các quảng cáo trên ứng dụng. Các nhà phát triển ứng dụng phải chia nguồn thu với các công ty kiểm soát hệ điều hành điện thoại, tạo ra một nguồn thu rất lớn: Apple giữa khoảng 15% thị phần điện thoại di động, nhưng thu về khoảng 80% lợi nhuận từ điện thoại trên toàn cầu.

Yếu tố tiếp theo làm thay đổi cuộc chơi trong ngành công nghệ là gì đi nữa, và thời điểm nào thì nó xảy ra, thì chắc chắn nó cũng sẽ ít nhiều liên quan đến điện thoại di động và cơ sở hạ tầng di động liên quan. Thậm chí ngày nay, việc khai thác công nghệ thực tế ảo chỉ cần cài đặt một ứng dụng và kết nối với một phần cứng bổ sung lên một chiếc điện thoại là đủ. Tương tự như vậy, các giao diện smartphone và các camera đã quản lý và điều khiển được cả các ngôi nhà thông minh và tự động. Thậm chí khi các loại điện thoại còn được phát triển để thực hiện tất cả mọi việc xung quanh con người, và thậm chí cả với quần áo chúng ta mặc, nhiều người còn cho iPhone là ông tổ ý tưởng và là một nguồn cảm hứng.