Internet Việt Nam đi quốc tế sẽ “hồi phục” sớm nhất vào mùng 2 Tết Đinh Dậu

VietTimes -- Theo kế hoạch dự kiến của đơn vị quản lý tuyến cáp quang biển AAG, sẽ còn gần 16 ngày nữa (đến ngày 29/1), kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế trên tuyến cáp này được khôi phục hoàn toàn, chậm hơn nhiều so với kế hoạch đã được VNPT VinaPhone cho biết trước đó (khoảng từ ngày 18 - 23/1).

Người dùng sẽ còn "điên đầu" vì kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế chậm trong ít nhất 16 ngày nữa - ảnh minh hoạ.
Người dùng sẽ còn "điên đầu" vì kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế chậm trong ít nhất 16 ngày nữa - ảnh minh hoạ.

Theo thông tin mới nhất về kế hoạch khắc phục sự cố xảy ra ngày 8/1 với tuyến cáp quang biển quốc tế AAG, tàu sửa chữa cáp dự kiến sẽ đến vị trí lỗi vào 11h trưa ngày 23/1; mối hàn đầu tiên sẽ hoàn thành vào 17h ngày 25/1; mối hàn cuối cùng dự kiến xong vào 3h sáng ngày 28/1 và thời điểm hoàn tất chôn cáp dự kiến vào 7h sáng ngày 29/1/2017. Khi đó, 100% kênh truyền trên tuyến cáp này sẽ được khôi phục.

Nhiều chuyên gia có kinh nghiệm cho biết, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, kế hoạch sửa cáp đảm bảo đúng tiến độ dự kiến thì có thể ngay sau khi mối hàn cuối cùng được hoàn tất,tức là sau 3h sáng ngày 28/1/2017, người dùng Internet Việt Nam đã có thể được kết nối lưu lượng dịch vụ qua tuyến cáp AAG. Thời điểm đơn vị quản lý tuyến cáp chốt hoàn tất công việc sửa cáp (ngày 29/1/2017) là khi tất cả các công đoạn sửa chữa, khắc phục sự cố đã được hoàn thành, 100% kênh truyền được khôi phục và người dùng Internet có thể sử dụng ổn định.

Đến ngày 10/1/2017, đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển AAG đã cập nhật thông tin mới cho các ISP tại Việt Nam về dự kiến sơ bộ thời điểm khắc phục sự cố. Theo đó, vị trí lỗi cáp AAG được xác định cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 98 km và dự kiến khoảng ngày 27/1/2017 tàu sửa cáp sẽ đến vị trí lỗi.

Như VietTimes đã đưa tin, từ lúc 9h sáng ngày 8/1, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gate Way - AAG lại gặp sự cố làm mất toàn bộ băng thông Internet quốc tế từ Việt Nam đi Hong Kong, Singapore, Mỹ của các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến cáp này. Lần gặp sự cố đầu tiên trong năm 2017 của tuyến cáp AAG, nguyên nhân được xác định là do rò nguồn điện ở khu vực thuộc vùng biển Vũng Tàu (Việt Nam).

Trước sự cố này, đại diện NetNam và CMC Telecom đều khẳng định, sự cố vừa xảy ra với tuyến cáp quang biển AAG hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hoạt động cung cấp dịch vụ cũng như khách hàng của các ISP này do cả hai đơn vị đều đã chuyển dung lượng sang các tuyến cáp khác. Cụ thể như, NetNam chỉ sử dụng tuyến cáp AAG là tuyến dự phòng số 2, trong trường hợp các tuyến cáp biển và đất liền khác gặp sự cố.

Đối với các ISP hiện vẫn sử dụng dung lượng trên tuyến cáp quang biển AAG, ngay sau khi tuyến cáp bị mất liên lạc, các nhà mạng cũng triển khai phương án dự phòng, chuyển dung lượng sang các tuyến cáp đất liền, cáp Liên Á và APG để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cung cấp cho các khách hàng.

Kể từ khi được đưa vào khai thác đến  nay, tuyến cáp quang biển AAG đã nhiều lần gặp sự cố khiến việc truy cập Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị chập chờn, thậm chí có thời điểm rất khó tiến hành giao dịch. Trong năm 2016, đã có 4 lần cáp AAG gặp sự cố và được bảo trì, lần lượt vào các tháng 3,  6, 8 và đầu tháng 9/2016. Trước đó, năm 2014 là tuyến cáp này trục trặc 2 lần và năm 2015 là 3 lần.

Trong đó, vào tháng 8/2016, tuyến cáp này gặp sự cố “kép” khi liên tiếp trong 2 ngày mùng 2 và 3/8/2016 cáp AAG bị đứt tại 2 vị trí cáp nhánh S11 hướng Hong Kong và S1B hướng Singapore. Và lần gần đây nhất là vào ngày 1/9/2016 với cáp nhánh của tuyến AAG được xác định xảy ra sự cố là S1I core FP11 ở vị trí cách trạm cập bờ South Lantau, Hong Kong khoảng 235 km.

Tuyến cáp quang biển quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (AAG) có chiều dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang này bắt đầu từ Malaysia và kết cuối tại Mỹ, với các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)... Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.

Cũng trong chiều qua (12/1), một ISP đã cho biết vào chiều ngày 11/1/2017, chỉ một ngày sau khi bị sự cố tại vị trí gần Hong Kong, tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) tiếp tục gặp lỗi sụt nguồn tại vị trí gần Singapore, gây gián đoạn thông tin trên tuyến cáp theo các hướng kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong, Singapore và Mỹ. Hiện Tata - đơn vị chủ quản tuyến cáp quang biển Liên Á phân đoạn Singapore vẫn chưa thông tin về kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố của tuyến cáp IA. Cáp IA được đưa vào vận hành chính thức từ tháng 11/2009, có tốc độ truyền dữ liệu theo thiết kế ban đầu là 3,84 Tbps; kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong và Nhật Bản.