Starlink là dự án của hãng công nghệ vũ trụ SpaceX (do tỷ phú công nghệ Elon Musk sáng lập), sử dụng vệ tinh phóng lên quỹ đạo để phủ sóng Internet trên toàn cầu.
Các vệ tinh của Starlink sẽ được thiết kế để phát sóng Internet băng thông rộng từ không gian về trái đất. Bên cạnh các vệ tinh gửi lên không gian, SpaceX sẽ xây dựng các ăn-ten thu phát sóng trên khắp địa cầu để nhận và gửi dữ liệu từ các vệ tinh về mặt đất, rồi từ đó người dùng có thể kết nối mạng Internet do SpaceX cung cấp trên thiết bị của mình.
|
Chảo thu tín hiệu Internet từ vệ tinh của Starlink, có thể được lắp đặt dễ dàng tại nhà (Ảnh: Cnet). |
Ưu điểm của Starlink là có thể cung cấp Internet đến bất kỳ đâu trên thế giới, ngay cả vùng xa xôi, hẻo lánh, những khu vực khó tiếp cận được với mạng Internet hoặc mạng di động thông thường. Tham vọng của SpaceX là dự án Starlink có thể phủ sóng Internet trên toàn cầu và đạt được tốc độ tối đa lên đến 1Gbps (tương đương 125MB/s).
Tỷ phú Elon Musk đã nhiều lần tự tin về khả năng bảo mật của dịch vụ vệ tinh Starlink. Tuy nhiên, mới đây, một chuyên gia bảo mật đã có thể tìm ra cách để tấn công vào dịch vụ này thông qua một thiết bị điện tử tự chế.
Theo đó, Lennert Wouters, chuyên gia bảo mật đến từ đại học KU Leuven (Bỉ) đã trình diễn cách thức để tấn công vào dịch vụ Starlink tại một hội nghị về bảo mật vừa diễn ra ở Las Vegas (Mỹ).
Từ những linh kiện điện tử có thể dễ dàng mua được qua mạng với giá chỉ 25 USD, Wouters đã tự tạo ra một bảng mạch có tên gọi modchip.
Bảng mạch modchip được thiết kế để có thể gắn vào chảo thu tín hiệu của Starlink, cho phép hacker có thể chạy các mã xâm nhập vào thiết bị và truy cập toàn bộ các tính năng trên hệ thống của Starlink, là những tính năng mà người dùng thông thường không thể truy cập được.
|
Bảng mạch modchip được Lennert Wouters tạo ra từ các linh kiện mua qua mang với giá chỉ 25 USD (Ảnh: Twitter). |
Wouters đã trình diễn khả năng tấn công vào dịch vụ Starlink bằng modchip trước sự chứng kiến của đại diện SpaceX. Công ty này đã chúc mừng và trao thưởng cho Wouters vì phát hiện ra lỗ hổng bảo mật trên sản phẩm của công ty, đồng thời cho biết sẽ sớm phát hành bản vá lỗi khắc phục lỗ hổng bảo mật mà Wouters đã phát hiện ra.
Dù vậy, Wouters cho rằng lỗ hổng bảo mật này không đơn thuần nằm ở phần mềm mà ở chip xử lý nằm trong chảo thu tín hiệu vệ tinh, do vậy cho đến khi nào chưa thay đổi chip trong chảo thu, lỗi bảo mật vẫn có thể bị khai thác trong tương lai.
Cũng như Google, Apple, Facebook hay Microsoft… SpaceX cũng treo thưởng cho các chuyên gia bảo mật để giúp họ phát hiện ra các lỗ hổng bảo mật, từ đó vá lại kịp thời trước khi bị hacker khai thác để tấn công.
Hiện tại dịch vụ Starlink đã có mặt tại 32 quốc gia ở châu Mỹ, Âu và Úc, với khoảng 400 ngàn người sử dụng. Philippines là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á được sử dụng dịch vụ Internet vệ tinh của Elon Musk.
Ngoài việc gắn chảo thu tín hiệu Internet cố định, SpaceX dự kiến sẽ cho phép gắn chảo thu tín hiệu trên xe ô tô, du thuyền hoặc máy bay… để có thể sử dụng mạng Internet mọi lúc, mọi nơi.
Để cung cấp dịch vụ Internet cho phạm vi toàn cầu, SpaceX đã phóng lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp hơn 2.500 vệ tinh. Số lượng vệ tinh Starlink mà SpaceX sẽ phóng lên quỹ đạo sẽ còn tăng lên trong tương lai, tạo thành một mạng lưới bao phủ xung quanh trái đất.
Theo Dân trí