Thị trường internet vệ tinh Đông Nam Á đang dần nóng lên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi dịch vụ mạng Starlink được chính phủ Philippines phê duyệt, các đối thủ trong thị trường Internet vệ tinh cũng đang tức tốc triển khai kế hoạch để tấn công vào thị trường "béo bở" này.
Ảnh: Nikkei Assia
Ảnh: Nikkei Assia

SpaceX của Elon Musk nằm trong số nhiều công ty đang cạnh tranh để cung cấp dịch vụ internet vệ tinh ở Đông Nam Á. Nhiều quốc gia hiện tại đang nhìn nhận dịch vụ internet vệ tinh là chìa khóa nhằm giải quyết tình trạng liên lạc chậm, mạng không ổn định, khả năng bảo mật kém vốn đang hiện hữu ở nhiều nơi.

"Hệ thống Starlink đã được Philippines chấp thuận", tỉ phú Elon Musk tweet ngay sau khi cơ quan quản lý viễn thông của nước này phê duyệt dịch vụ internet vệ tinh Starlink của SpaceX vào ngày 27 tháng 5. Starlink dự kiến ​​sẽ ra mắt Đông Nam Á trong vòng vài tháng.

Sau khi được cấp phép hoạt động tại Philippines, Starlink của SpaceX cũng có kế hoạch mở rộng dịch vụ sang các nước khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Myanmar vào năm 2023.

Dịch vụ vệ tinh rõ ràng có nhiều lợi thế tại khu vực địa lý có nhiều biển đảo. Đông Nam Á là một khu vực như vậy. Chỉ riêng Philippines đã có hơn 7.100 đảo lớn nhỏ, trong khi Indonesia là hơn 16.000. Nhiều đảo và khu vực cách xa thành phố lớn không được tiếp cận truy cập Internet, các vệ tinh sẽ cung cấp giải pháp dễ dàng hơn so với việc đặt cáp ngầm dưới biển.

Vào tháng Giêng, một vụ phun trào núi lửa đã cắt đứt liên lạc giữa đảo quốc Tonga xa xôi ở Thái Bình Dương và phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, dịch vụ internet vệ tinh sẽ hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về thiên nhiên.

Các vệ tinh cũng cải thiện trải nghiệm Internet cho khách hàng. Dịch vụ của Starlink có tốc độ tải (download) từ 100 – 200 megabit/giây, nhanh hơn nhiều so với tốc độ thông thường trong khu vực. Có được điều này là do vệ tinh Starlink có quỹ đạo thấp, chỉ từ 500 km đến 2.000 km, so với gần 36.000 km của vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh.

Được biết, Đông Nam Á là thị trường đầy tiềm năng, người dân tại đây dành rất nhiều thời gian cho hoạt động trực tuyến. Công ty nghiên cứu We Are Social của Anh cho biết mức sử dụng Internet trung bình hàng ngày là hơn 10 giờ ở Philippines và 8 giờ rưỡi ở Indonesia trong khi mức trung bình trên toàn thế giới chỉ khoảng 7 giờ.

Về tốc độ tải trên thiết bị di động, tính đến tháng 4, Indonesia xếp thứ 100 với 17,96 Mbps, Philippines đứng thứ 95 với 19,45 Mbps trong tổng số 142 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Philippines đã tích cực lôi kéo các nhà cung cấp internet vệ tinh bằng cách thực hiện các bước như sửa đổi luật để giúp các công ty nước ngoài tham gia vào thị trường này dễ dàng hơn.

Ramon Lopez, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines, cho biết về sự ra mắt của Starlink tại quốc gia này: “Hệ thống của họ sẽ tăng cường cũng như bổ sung năng lực băng thông rộng hiện có. Điều này sẽ tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học trực tuyến, thương mại điện tử và fintech".

Các công ty khác cũng không ngồi yên. Tập đoàn viễn thông khổng lồ PLDT của Philippines cho biết họ đã tiến hành thành công thử nghiệm kết nối băng thông rộng tốc độ cao trên quỹ đạo đầu tiên của nước này vào tháng 2 bằng vệ tinh của Telesat của Canada. Vệ tinh này cũng quay quanh vùng quỹ đạo thấp tương tự như của Starlink.

Globe Telecom, một nhà cung cấp Internet khác, đã ký bản ghi nhớ cung cấp dịch vụ tại Philippines với nhà điều hành vệ tinh Mỹ AST SpaceMobile.

Trong khi đó, tập đoàn Sky Perfect JSAT của Nhật đã bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh tại Philippines phục vụ hoạt động giám sát từ xa các tuabin gió ở miền bắc nước này. Công ty khởi nghiệp Kacific trụ sở tại Singapore ký thỏa thuận vay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) 50 triệu USD để triển khai một dự án vệ tinh truyền thông.

Dù vậy, chi phí vẫn sẽ là một trở ngại với người dùng. Starlink cung cấp các gói dịch vụ từ 110 USD hoặc 500 USD/tháng, trong bối cảnh một số gói cước tại Philippines chỉ khoảng 300 peso (5,67 USD) hoặc thấp hơn cho 24 GB dữ liệu trong 30 ngày.

Do đó, internet vệ tinh dự kiến ​​sẽ được sử dụng ban đầu bởi các công ty ở các địa điểm xa xôi cũng như các cơ quan chính phủ, quân đội và các phương tiện truyền thông như một phương án dự phòng khẩn cấp. Những dịch vụ như vậy chỉ có thể đạt độ bao phủ rộng tới khách hàng bình dân khi có thêm nhiều công ty tham gia vào thị trường và tạo ra sự cạnh tranh về giá.

Địa chính trị Đông Nam Á cũng đang tăng cường quan tâm đến các vệ tinh liên lạc. Philippines và Việt Nam đang có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền của quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Giải pháp mạng vệ tinh có thể cung cấp truy cập internet trong trường hợp đường dây trên đất liền bị cắt đứt.

Starlink đã gây chú ý vào đầu năm nay khi hỗ trợ Ukraine sử dụng dịch vụ của mình trong cuộc xung đột với Nga. Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov ngày 26/2 đã đưa ra lời kêu gọi trên Twitter về việc triển khai dịch vụ Starlink và các thiết bị đầu cuối thông tin liên lạc đã đến Ukraine chỉ hai ngày sau đó. Dịch vụ của SpaceX đã giúp chính phủ Kiev duy trì truy cập Internet tại các khu vực chiến sự.

Trung Quốc hiện đang cảnh giác cao với Starlink. Theo South China Morning Post đưa tin, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang kêu gọi vô hiệu hóa hoặc phá hủy vệ tinh Starlink nếu chúng gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia.

Theo Nikkei Asia