|
Một vụ bắt cát tặc trên sông Hồng. |
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đặt câu hỏi chất vấn hàng loạt cơ quan cấp dưới tại Hội nghị giao ban về công tác quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn Hà Nội, diễn ra ngày 16-7.
Ông Việt cho biết riêng khu vực sông Đuống mỗi năm Hà Nội phải chi hơn 100 tỷ đồng để khắc phục tình trạng sạt lở hai bên bờ sông. Ngay cả cầu Đuống, nút giao thông quan trọng phía Bắc Hà Nội, cũng phải đặt trong tình trạng bảo vệ vì tình trạng sạt lở, sói mòn lòng sông.
“Cái lợi của đối tượng hút cát rất nhỏ so với nguy hại mà nó gây ra cho xã hội. Tôi đề nghị trong năm nay, các đơn vị phải phải chấm dứt ngay tình trạng này. Phải có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính xử lý vấn nạn này”, ông Việt nói.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, tình hình khai thác cát không phép, trái phép xảy ra nhiều tại địa bàn sông Hồng, sông Đuống chảy qua huyện giáp ranh với tỉnh bạn như Phúc Thọ (giáp huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc của Vĩnh Phúc), Phú Xuyên (giáp huyện Khoái Châu, Kim Động của Hưng Yên), Gia Lâm (giáp huyện Thuận Thành của Bắc Ninh)…
Vấn nạn này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đê điều trên các tuyến sông Hồng, sông Đuống chảy qua địa bàn thành phố. Chỉ tính riêng từ tháng 6 đến 12-2014, Công an TP Hà Nội và lực lượng chức năng khác đã bắt giữ, xử lý 13 vụ khai thác cát trên địa bàn sông Hồng.
Theo PLTP