Hùng Nhơn Group - “thế lực mới” trong ngành chăn nuôi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Là doanh nghiệp hoạt động lâu năm bậc nhất trong ‘hệ sinh thái’ của ông Vũ Mạnh Hùng, song, việc thua lỗ triền miên trong giai đoạn 2016 – 2020 đã khiến CTCP Tập đoàn Hùng Nhơn rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu.
Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn (Hùng Nhơn Group)
Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn (Hùng Nhơn Group)

Nông nghiệp công nghệ cao đã và đang là lĩnh vực kinh doanh thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính.

Theo thống kê sơ bộ của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước hiện có khoảng 50 dự án chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao và chăn nuôi theo quy trình khép kín được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, với số vốn lên tới hàng tỉ USD.

Nhờ đầu tư bài bản, quy trình sản xuất khép kín, không ít doanh nghiệp đã khẳng định được vị thế như: Dabaco,Greenfeed Việt Nam, BaF Việt Nam, Nova Consumer, Hoà Phát, Hoàng Anh Gia Lai.

Ít tháng trở lại đây, thị trường còn ghi nhận sự nổi lên của Hùng Nhơn Group với các tổ hợp chăn nuôi công nghệ cao DHN.

Hùng Nhơn Group được biết đến là đối tác lâu năm của De Heus – một trong những doanh nghiệp nước ngoài, chiếm lĩnh thị phần tốp đầu trong mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

Năm ngoái, tập đoàn có trụ sở tại Hà Lan đã chính thức mua lại toàn bộ mảng hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi của Masan, qua đó sở hữu các thương hiệu thức ăn chăn nuôi có tiếng như Proconco, Anco.

Hùng Nhơn Group của ai, mạnh cỡ nào?

Ngày 14/5/2022, trong khuôn khổ lễ khởi công dự án Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai, đại diện Hùng Nhơn Group và De Heus đã ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) về chương trình hợp tác chiến lược giữa hai doanh nghiệp.

Trước đó, trong các ngày 9/5 – 11/5, đoàn công tác của Hùng Nhơn Group và De Heus đã làm việc với các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh và Kon Tum nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Trong các sự kiện này, ông Vũ Mạnh Hùng – nhà sáng lập Hùng Nhơn Group – thường được giới thiệu với vai trò là Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (Vida), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hùng Nhơn Việt Nam (Hùng Nhơn Việt Nam).

Ông Vũ Mạnh Hùng (áo trắng) - Chủ tịch Hùng Nhơn Group - đồng hành cùng đại diện De Heus trong một buổi làm việc tại địa phương

Ông Vũ Mạnh Hùng (áo trắng) - Chủ tịch Hùng Nhơn Group - đồng hành cùng đại diện De Heus trong một buổi làm việc tại địa phương

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Hùng Nhơn Việt Nam mới được thành lập từ tháng 7/2020, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là chăn nuôi gia cầm.

Doanh nghiệp này ban đầu có quy mô vốn điều lệ ở mức 30 tỉ đồng. Trong đó, ông Vũ Mạnh Hùng và phu nhân Lê Thị Phương Nhơn nắm chi phối, với tỉ lệ sở hữu 80% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại của Hùng Nhơn Việt Nam – tương ứng với 20% vốn điều lệ - do bà Vũ Lê Đan Thuỳ đứng tên.

Trên trang chủ, Hùng Nhơn Group cho biết, tập đoàn này khởi đầu từ một trang trại gà quy mô nhỏ, chăn nuôi theo hộ gia đình từ những năm 2000, rồi gây dựng thành doanh nghiệp với sự ra đời của Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu tổng hợp và dịch vụ Hùng Nhơn.

Đến năm 2008, CTCP Tập đoàn Hùng Nhơn (Hùng Nhơn) được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới trong sự nghiệp kinh doanh của ông Vũ Mạnh Hùng. Để rồi, khi bén duyên với De Heus, vị doanh nhân sinh năm 1974 còn được biết đến với biệt danh ‘ông trùm’ gà lạnh.

Theo dữ liệu của VietTimes, Hùng Nhơn được sáng lập bởi 7 thể nhân, với quy mô vốn ban đầu 11 tỉ đồng. Trong đó, ông Vũ Mạnh Hùng góp 1,75 tỉ đồng, tương ứng với 15,91% vốn điều lệ.

Cập nhật tới tháng 7/2019, Hùng Nhơn đã tăng vốn điều lệ lên mức 60 tỉ đồng, do ông Vũ Mạnh Hùng nắm chi phối, với tỉ lệ sở hữu lên tới 93,75%.

Là doanh nghiệp hoạt động lâu năm bậc nhất trong ‘hệ sinh thái’ của ông Vũ Mạnh Hùng, song, việc thua lỗ triền miên trong giai đoạn 2016 – 2020 đã khiến Hùng Nhơn rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

Dữ liệu của VietTimes thể hiện, Hùng Nhơn đã không phát sinh doanh thu trong các năm 2019 và 2020, đồng thời cũng báo lỗ nhẹ trong giai đoạn này. Trước đó, dù có phát sinh doanh thu vào các năm 2017 và 2018, song Hùng Nhơn đều báo lỗ, lần lượt ở mức 0,8 tỉ đồng và 0,082 tỉ đồng.

Mạch thua lỗ của Hùng Nhơn có thể đã kéo dài từ nhiều năm trước. Bởi lẽ, tính đến cuối năm 2017, vốn chủ sở hữu của công ty này đã âm tới 1,3 tỉ đồng.

Lưu ý rằng, các con số vừa nêu chỉ là số liệu tài chính riêng lẻ của Hùng Nhơn – một thành viên trong ‘hệ sinh thái’ đồ sộ Hùng Nhơn Group. Kết quả hoạt động kinh doanh của những thành viên khác của tập đoàn này sẽ được VietTimes đề cập ở các kỳ tới.

Hùng Nhơn Group hiện sở hữu 15 công ty thành viên, với hệ thống trang trại gà thịt cung cấp ra thị trường hơn 3 triệu con gà/năm; hệ thống trang trại gà đẻ cung cấp hơn 130 triệu quả trứng/năm; và hệ thống các trang trại nuôi heo giống cụ, kỵ, ông bà, bố mẹ và heo thương phẩm với sản lượng 14.000 con heo giống và 375.000 con heo thương phẩm/năm./.