Tham vọng “3F model” của Tân Long

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes -- Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, hiện Tân Long Group là thương hiệu uy tín trên thị trường nông sản, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như hoá chất, nông sản và khoáng sản.

Một sản phẩm gạo xuất khẩu của Tân Long Group (Nguồn: tanlonggroup.com)
Một sản phẩm gạo xuất khẩu của Tân Long Group (Nguồn: tanlonggroup.com)

Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP Tập đoàn Tân Long (Tân Long Group) tiền thân là Công ty Tân Long Vân, được thành lập từ năm 2000. Từ việc trở thành nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi số 1, mảng đóng góp 80% doanh thu, Tân Long mở rộng kinh doanh các mặt hàng nông nghiệp như: gạo, điều, thịt heo... Sau gần hai thập kỷ kinh doanh thương mại, công ty này bắt đầu đầu tư lớn vào mảng chế biến và xây dựng thương hiệu cho thị trường gạo nội địa. “Khi công ty lớn dần, tự nhiên tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó cho xã hội”, Forbes Việt Nam dẫn lời Chủ tịch Tân Long Group Trương Sỹ Bá.

Quyết định chuyển hướng kinh doanh từ hóa chất sang cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Tân Long được đánh giá phù hợp với xu thế phát triển của thị trường. Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ước tính quy mô sáu tỉ đô la Mỹ, tốc độ tăng trưởng tối thiểu 5% những năm gần đây. 70% nguyên liệu đầu vào của ngành này nhập khẩu.

Năm 2018, thống kê số liệu xuất nhập khẩu cho thấy Việt Nam nhập khẩu 23 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, Tân Long chiếm 23,4%, tương ứng 5,4 triệu tấn.

Xuất nhập khẩu nông sản, đặc biệt là lúa gạo và hạt điều, cũng được xem là thế mạnh chủ chốt của Tân Long Group, với vị thế hàng đầu ở Việt Nam.

Năm 2018, Tân Long Group đã vượt qua nhiều doanh nghiệp nổi tiếng về xuất khẩu gạo trên thế giới, qua đó thắng thầu xuất sang Hàn Quốc một gần 130.000 tấn gạo Japonica chất lượng cao, chiếm hơn 60% gạo nhập khẩu tại quốc gia này.

Trước đó, năm 2017, tập đoàn này là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất thắng thầu cung cấp 50.000 tấn gạo Japonica sang thị trường Philippines.

Giám đốc điều hành mảng kinh doanh gạo của Tân Long, ông Nguyễn Chánh Trung cho biết, tổng diện tích bao tiêu của tập đoàn trong năm 2018 là 20 ngàn héc ta. Sau thu hoạch, lúa sẽ được chuyển vào nhà máy phức hợp sấy – trữ – chế biến quy mô 240.000 tấn gạo/năm tại An Giang. Nhà máy sử dụng công nghệ châu Âu vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, được dùng để chế biến gạo Japonica xuất khẩu.

Công ty đang đầu tư một nhà máy tương tự tại Hậu Giang và hiện đang vận hành nhà máy, kho bãi sản xuất gạo có diện tích hơn 3,3 ha tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, với sức chứa 100.000 tấn gạo thành phẩm và dây chuyền lau bóng có tổng công suất 1.000 tấn/ngày.

Về điều thô, theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, năm 2018, tổng lượng mua hàng của Tân Long Group ước tính chiếm khoảng 18% lượng điều thô nhập khẩu của Việt Nam. Một trong những hợp đồng thương mại lớn nhất mà Tân Long Group từng thực hiện là mua 176.000 tấn điều thô từ Tanzania – một quốc gia Đông Phi.

Doanh thu tỉ đô và tham vọng “3F model”

Tân Long Group hiện đăng ký vốn điều lệ lên 2.200 tỉ đồng, với tỷ lệ chi phối của Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá. Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, doanh thu của Tân Long Group luôn duy trì trên mức 20.000 tỉ đồng mỗi năm. Gần nhất - năm 2019, doanh thu thuần của tập đoàn này đạt 38.137 tỉ đồng.

Tân Long Group trở thành nhà buôn nông sản hiếm hoi của Việt Nam liên tục duy trì doanh số ở con số tỷ đô. Quy mô tài sản của Tân Long Group cũng rất ấn tượng đạt con số 18.249 tỉ đồng vào cuối năm 2019.

Được biết, ngoài trụ sở chính được đặt tại Hà Nội, Tân Long Group còn mở thêm một số chi nhánh tại các tỉnh thành khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. HCM và Đồng Tháp. Đồng thời, mạng lưới hoạt động cũng được mở rộng ra nhiều nước trên thế giới như Campuchia, Singapore, Myanmar, Ai Cập, Philippines, Guinea Bissau, Cote D'ivoire và Tazania.

Là đại gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh nông sản, Tân Long Group nhận được sự tín nhiệm lớn từ các đối tác, trong đó có cả những định chế tài chính quốc tế. Theo đó, tập đoàn này từng nhận được gói bảo lãnh giao dịch hàng hóa trị giá 50 triệu USD do IFC thuộc Ngân hàng Thế giới tài trợ, nhằm giúp công ty đa dạng hóa thu mua mặt hàng nông sản.

Gói tài trợ này là một phần của Chương trình Tài trợ Kho hàng Toàn cầu (Global Warehouse Finance Program - GWFP) của IFC, với mục tiêu giúp gia tăng khả năng bảo lãnh thương mại cho các nhà sản xuất và xuất nhập khẩu nông nghiệp tại các quốc gia mà nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế như Việt Nam.

Không chỉ buôn bán nông sản, Tân Long cũng hợp tác với tập đoàn Posco Daewoo của Hàn Quốc nhằm thực hiện tham vọng đầu tư khép kín chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi Feed - Farm - Food (3F model). Tân Long Group đề ra mục tiêu phát triển trang trại heo lên tới khoảng 1 triệu con/năm trong ít năm tới. Ngoài thị trường nội địa, Tân Long Group còn đang đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn ở Myanmar.

Công ty cũng ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với 6 công ty của Đan Mạch trong lĩnh vực chăn nuôi lợi và sản xuất, chế biến lúa gạo. Theo đó, các công ty Đan Mạch là các nhà cung ứng công nghệ, giải pháp theo phương pháp chìa khóa trao tay nổi tiếng trên thế giới trong các lĩnh vực: trang thiết bị cho trang trại chăn nuôi lợn, xử lý ngũ cốc, giải pháp cho nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, cung cấp giống heo, chương trình dinh dưỡng, nhà máy giết mổ, chế biến và nhà máy bột thịt xương./.