Honeywell tung ra máy tính lượng tử mạnh nhất thế giới, vượt mặt Google và IBM

VietTimes -- JPMorgan vừa tiết lộ công ty đang sử dụng một chiếc máy tính lượng tử do Honeywell sản xuất, được cho là cỗ máy lượng tử mạnh nhất thế giới từ trước đến nay.
Ảnh: Flipboard

Vào thứ Ba, ngày 3/3, Tập đoàn công nghiệp Honeywell International Inc. cho biết hãng đang có kế hoạch ra mắt chiếc máy tính lượng tử đời đầu nhằm phục vụ cho các thí nghiệm thương mại trong vòng ba tháng tới, và JPMorgan sẽ là khách hàng đầu tiên.

CEO của Honeywell tự hào cho rằng đây sẽ là chiếc máy tính lượng tử mạnh nhất thế giới, sẵn sàng cạnh tranh vị trí dẫn đầu thị trường điện toán lượng tử non trẻ và vượt mặt các ông lớn công nghệ như IBM, Google và Microsoft.

Tony Uttley, người đứng đầu mảng Giải pháp Lượng tử của Honeywell cho biết máy tính lượng tử sẽ được sử dụng bởi các công ty quan tâm đến việc tăng tốc tốc độ tính toán, phát triển các vật liệu và các chiến lược thương mại mới cho dịch vụ tài chính. Công nghệ này cũng có thể giúp tăng tốc khả năng tính toán trong lĩnh vực học máy, phục vụ cho các ngành công nghiệp như hàng không vũ trụ và dầu khí. Thực tế, Honeywell đã phát triển công nghệ cho các lĩnh vực trên.

Khác với máy tinh lượng tử của Google và IBM, cỗ máy của Honeywell dựa theo phương pháp bẫy ion. Ảnh: WSJ

“Chúng tôi tin rằng máy tính lượng tử đang có tác động sâu sắc đến một số ngành công nghiệp”, ông Uttley nói.


Thời gian gần đây, Honeywell đã tiến hành đầu tư vào công ty phần mềm điện toán lượng tử Cambridge Quantum Computing có trụ sở tại Anh và Zapata Computing có trụ sở tại Mỹ, ông Uttley cho biết.

Với việc khai thác các tính chất của vật lý lượng tử, máy tính lượng tử có khả năng sắp xếp một số lượng lớn cũng như đưa ra một giải pháp gần như ngay lập tức. Trong khi các máy tính truyển thống lưu trữ thông tin dưới dạng 0 hoặc 1 thì máy tính lượng tử lại sử dụng các bit lượng tử hay còn gọi là các qubit, chúng đại diện và lưu trữ thông tin đồng thời ở cả hai dạng 0 và 1 (hiện tượng chồng chập lượng tử). Tuy nhiên, hiện tại, các máy tính lượng tử vẫn chưa được sản xuất thương mại hóa.

Theo dự đoán của công ty phân tích Gartner, đến năm 2023, một phần năm các tổ chức bao gồm các doanh nghiệp và chính phủ sẽ chi ngân sách nhiều hơn cho các dự án điện toán lượng tử, tăng từ mức dưới 1% vào năm 2018.

Ông Uttley nói rằng Honeywell kỳ vọng cỗ máy lượng tử của công ty sẽ máy tính lượng tử mạnh nhất thế giới, dựa trên khối lượng tử tối thiểu là 64. Những chiếc máy tính hiện tại chỉ có số lượng lượng tử là 16. Vào tháng 1 năm nay, IBM cho biết hãng đã chế tạo được cỗ máy lượng tử có khối lượng tử là 32.

Khối lượng tử (quantum volume) là tiêu chí để xác định hệ thống lượng tử có thể mạnh đến mức nào. Matthew Brisse, một nhà phân tích của Gartner cũng là chuyên gia nghiên cứu về điện toán lượng tử cho biết khối lượng tử tính toán mức độ phức tạp của các thuật toán mà một máy tính lượng tử có thể thực hiện được trước khi tính toán đến những yếu tố khác ảnh hưởng đến kết quả. Những yếu tố khác này bao gồm những thay đổi về nhiệt độ, tiếng ồn, tần số và chuyển động có thể làm tổn hại đến tính chính xác của phép tính.

Khối lượng tử được định nghĩa lần đầu tiên bởi IBM và hiện không có tiêu chuẩn công nghiệp nào được chấp nhận một cách rộng rãi để đánh giá hiệu suất của điện toán lượng tử, theo ông Brisse.

Cỗ máy của Honeywell dựa vào phương pháp sử dụng các ion bị bẫy. Ông Uttley cho rằng phương pháp này có thể tính toán chính xác hơn so với các kỹ thuật khác vì nó cho phép kiểm soát chặt chẽ hơn các bit lượng tử đồng thời giảm thiểu các lỗi tiềm ẩn.

Phương pháp bẫy ion cũng được một công ty khởi nghiệp có tên là IonQ Inc. sử dụng. Nó khác với cách tiếp cận phổ biến đối với điện toán lượng tử là sử dụng các qubit siêu dẫn cực kỳ tinh vi và yêu cầu phải được thực hiện trong môi trường siêu lạnh để tạo ra các hiệu ứng cơ học lượng tử như Google, IBM và Microsoft đã phát triển.

Honeywell đã nghiên cứu về các công nghệ cơ bản liên quan đến máy tính lượng tử khoảng một thập kỷ, ông Uttley cho biết. Nhóm nghiên cứu máy tính lượng tử của công ty có khoảng 100 người, bao gồm các nhà khoa học, kỹ sư, lập trình viên và kỹ thuật viên.

Marco Pistoia, CEO đồng thời là giám đốc mảng Nghiên cứu ứng dụng và kỹ thuật công nghệ toàn cầu của JPMorgan Chase cho biết máy tính lượng tử của Honeywell là một “cuộc cách mạng” ở chỗ nó có thể giảm tỷ lệ lỗi và tăng tính ổn định cho các qubit bằng cách sử dụng phương pháp bẫy ion. “Họ đang chuẩn bị phát hành một chiếc máy tính vô cùng mạnh mẽ”, ông Pistoia nói.

Ông Pistoia từ chối tiết lộ liệu JPMorgan có sử dụng các dịch vụ điện toán lượng tử của Honeywell hay không. Trước đó, hãng dự định sẽ tiếp tục thử nghiệm trên một máy tính lượng tử của IBM theo một thỏa thuận hợp tác từ cuối năm 2017.

CEO của JPMorgan cho biết ông hy vọng điện toán lượng tử sẽ giúp công ty tăng tốc các tính toán chuyên sâu về điện toán, tối ưu hóa các danh mục đầu tư. Ông Pistoia từng làm việc tại IBM 24 năm với tư cách là một chuyên gia nghiên cứu và quản lý cấp cao về máy tính lượng tử trước khi gia nhập JPMorgan vào tháng 1/2020.

Theo WSJ