Ảnh: Divdiscourse |
Nhiều “gã khổng lồ công nghệ” đã bắt tay vào việc xây dựng máy tính lượng tử như IBM, Google. Có một điểm tương đồng trên các bức ảnh mà những công ty này chia sẻ về máy tính lượng tử của mình, đó là “ngoại hình cồng kềnh” với một mớ dây chằng chịt được kết nối thiết bị điều khiển máy tính lượng tử.
Nhà sản xuất chip Intel Corp vào hôm thứ Hai đã công bố một con chip lượng tử với mục tiêu sẽ thay đổi nhược điểm này của máy tính lượng tử. Con chip mà Intel công bố có tên là Horse Ridge, được thiết kế nhằm “thu nhỏ” các đường truyền mà trước đó phải thực hiện bằng các đường dây điện kết nối với máy tính lượng tử.
Máy tính lượng tử của Google. Ảnh: ABC News
|
Các máy tính lượng tử vẫn chỉ đang ở trong giai đoạn đầu tiên của việc nghiên cứu và phát triển. Sẽ còn mất nhiều năm nữa, công nghệ này mới có thể được đưa vào ứng dụng trong thực tế. Tuy nhiên, lĩnh vực máy tính lượng tử đang thu hút được sự quan tâm của các công ty công nghệ lớn. Vào tháng 10, Google đã tuyên bố rằng chiếc máy tính lượng tử mà họ đang phát triển có khả năng giải được bài toán siêu khó trong 200 giây mà máy tính truyền thống phải mất 10.000 năm mới giải được. Ngoài ra, IBM, Microsoft cũng đang theo đuổi công nghệ này.
Máy tính lượng tử sử dụng các bit lượng tử (qubit).Trong các máy tính lượng tử hiện nay, các qubit phải được giữ lạnh, gần với nhiệt độ mà các nguyên tử ngừng chuyển động. Điều này khiến cho việc kết nối dây với các qubit trở nên khó khăn trong việc truyền và nhận thông tin. Hầu hết các dây và thiết bị lượng tử đều phải được đặt trong một phòng lạnh đặc biệt.
Intel cho biết con chip của công ty được thiết kế để có thể đặt trong môi trường lạnh lượng tử. Công ty hi vọng sẽ giúp máy tính lượng tử thực tế hơn và có thể đi vào sản xuất thương mại trong một tương lại không xa.
“Ngoài phần lõi qubit, các trình điều khiển lượng tử cũng là một phần cốt yếu trong bài toán phát triển một hệ thống lượng tử thương mại quy mô lớn”, Jimke, Giám đốc phần cứng lượng tử của Intel cho biết trong một tuyên bố.
Theo Reuters