Trong giai đoạn toàn xã hội tập trung phòng chống dịch COVID-19, bên cạnh việc xuất nhập khẩu trì trệ khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, những biện pháp cách ly của Chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng phần nào giảm thiểu nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa nói chung và chỉ tập trung vào các sản phẩm thiết yếu.
Gánh nặng tài chính
Sự bùng phát COVID-19 đang khiến nền kinh tế trong nước chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo số liệu từ báo cáo về khủng hoảng COVID-19: Tác động và tiềm năng phục hồi do Công ty quảng cáo Adsota phát hành, một nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng doanh thu của họ sẽ giảm ít nhất 16% hoặc thậm chí vượt mức 20%. Chỉ có 11% doanh nghiệp được khảo sát dự trù rằng họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc có mức tăng nhẹ từ 1% đến 5%.
Do sự lan rộng của COVID-19, vô số dịch vụ và dự án đã phải tạm dừng hoặc hủy bỏ. Các hoạt động giao thương quốc tế đều bị gián đoạn mà trong đó, Trung Quốc - tâm dịch của thế giới lúc bấy giờ - lại là quốc gia có hoạt động mua bán và xuất nhập khẩu sôi nổi nhất với Việt Nam. Công việc đình trệ kéo theo việc cắt giảm chi phí và nhân sự. Vì vậy, nguồn thu nhập của rất nhiều người lao động bị ảnh hưởng đáng kể dẫn đến hoạt động tiêu thụ hàng hóa kém sôi động hơn nhiều so với thời điểm trước dịch.
Những chính sách của chính phủ nhằm ngăn chặn dịch bệnh cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế khi toàn bộ người dân phải thực hiện cách ly xã hội và giảm thiểu chi tiêu với những mặt hàng không cần thiết.
Đứng trước “hiệu ứng Domino” của COVID-19, sự chênh lệch trong cán cân kinh tế giữa các ngành xảy ra là điều tất yếu và dường như khó có doanh nghiệp nào là thực sự có doanh thu trong thời điểm này. Cụ thể, dịch vụ là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là các dịch vụ ăn uống và du lịch.
Chỉ doanh nghiệp cung ứng cho thị trường nội địa giữ được hoạt động tích cực
Nếu COVID-19 kéo dài hơn 6 tháng thì dường như viễn cảnh hiện tại vẫn còn quá tươi sáng. Báo cáo khủng hoảng COVID-19: Tác động và tiềm năng phục hồi chỉ ra rằng 89% doanh nghiệp dự đoán doanh thu sẽ giảm không dưới 20%. Trong đó có tới 60.2% doanh nghiệp sẽ phải chịu thiệt hại hơn 50% - một con số khổng lồ với mọi quy mô doanh nghiệp. Khi đó, sẽ chỉ có 1.8% doanh nghiệp vẫn giữ được tình trạng tích cực. Theo khảo sát đây thường là những công ty sản xuất và cung cấp nguyên liệu, vật tư cho thị trường nội địa
Ngoài ra, gần 27% doanh nghiệp được khảo sát cũng cho biết họ sẽ phải đương đầu với nguy cơ phá sản nếu dịch COVID-19 không được kiểm soát kịp thời. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một tổn thương lớn đối với thị trường Việt Nam. Bệnh dịch kéo dài đồng nghĩa với việc quá trình phục hồi cho các doanh nghiệp sau dịch bệnh sẽ tốn nhiều thời gian và nguồn lực hơn.
Những nhân sự đã bị cắt giảm trong mùa dịch cũng rất khó có thể tìm được công việc mới khi các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục duy trì chi phí vận hành ở mức tối thiểu nhằm duy trì dòng tiền và hạn chế mọi nguy cơ nợ xấu. Tỷ lệ thất nghiệp tăng sẽ khiến khả năng tiêu dùng của thị trường giảm đáng kể, tác động ngược lại khả năng tiêu thụ và doanh thu của các doanh nghiệp.
Báo cáo cũng chỉ ra COVID-19 không chỉ “tung những đòn giáng mạnh” vào một lĩnh vực cụ thể mà ảnh hưởng lên toàn bộ nền kinh tế trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp cần phải tận dụng thời điểm này để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh đa kênh, đặc biệt là kênh online. Bởi khi mọi hoạt động bị đình trệ, nền tảng trực tuyến là nơi duy nhất cho phép doanh nghiệp hoạt động bình thường hoặc thậm chí hơn cả trước đây khi người tiêu dùng dành nhiều thời gian và đưa ra nhiều quyết định mua sắm hơn trên nền tảng này.