Bến xe Miền Đông: chỉ còn ghế ngồi
Sáng 2-2 tại bến xe Miền Đông, nhiều hành khách ra bến xe sớm nằm trên các hàng ghế chờ xe xuất bến. Trong khi đó, hàng trăm người chưa mua vé trước vừa vác hành lý vừa đi dọc các quầy bán vé lựa chọn tấm vé xe về quê. Tuy nhiên, hiện các hãng xe có thương hiệu như Phương Trang, Chín Nghĩa, Thiên Trang... thông báo hết vé.
Hiện nay, lượng vé xe ở các quầy bán vé ủy thác của bến xe Miền Đông vẫn còn. Tuy nhiên, do các quầy vé ủy thác bán vé ngồi nên nhiều người dân đi về các tỉnh miền Trung, miền Bắc vẫn chần chừ. Anh Bùi Văn Sơn, quê Hà Tĩnh, cho biết trước đó do bận công việc, anh không có thời gian ra bến mua vé về quê. Đến ngày đi, anh ra bến xe mua vé thì không còn các loại vé xe giường nằm. “Đường xa mà ngồi ghế thì mệt lắm, nhưng tôi đi hết các quầy mà chưa mua được vé nên chắc phải đi xe ghế ngồi để sớm về quê” - anh Sơn cho biết.
Theo ông Thượng Thanh Hải - phó tổng giám đốc bến xe Miền Đông, lượng khách về quê tại bến xe đang tăng lên từng ngày. Bến xe cũng đang tăng cường xe để giải tỏa hành khách. Ngày 23 tháng chạp, lượng khách đi xe trong bến là 23.000 lượt. Đến ngày 24 tháng chạp tăng lên 43.000 - 44.000 lượt. Dự báo lượng khách năm nay sẽ đông vào ngày 26 tháng chạp.
Hành khách đến bến xe Miền Đông để về quê sáng 2-2 - Ảnh: Đức Phú |
Bến xe Miền Tây: khách không cần xếp hàng
Tại bến xe Miền Tây, hành khách đến bến là lên xe đi ngay, không cần phải xếp hàng mua vé và chờ xe như những năm trước. Năm nay, các hãng xe đò Kim Cương, Phương Trang, Mai Linh đã tăng thêm chuyến hoặc có đơn vị đưa thêm nhiều xe hợp đồng vào chở khách về các tỉnh miền Tây.
Riêng tuyến Bến Tre có đến bốn hãng xe đò thương hiệu cùng hoạt động gồm Minh Tâm, Thịnh Phát, Thảo Châu và Hoàng Khải, mỗi đơn vị tăng thêm 10 xe loại 29 chỗ vào chở khách. Đồng thời, các hãng xe đò thương hiệu tổ chức bán vé trước nên không còn cảnh hành khách xếp hàng trước các quầy mua vé.
Ông Nguyễn Minh Tiến - trưởng phòng điều hành bến xe Miền Tây - cho biết bến đã đề nghị Sở Giao thông vận tải cấp 500 phù hiệu xe tăng cường giải tỏa khách để chủ động đáp ứng nhu cầu các hãng xe đưa thêm xe vào chở khách về quê ăn tết. Do nhiều nhà xe hoạt động 24/24 giờ nên xu hướng hành khách chuyển sang đi xe vào buổi tối nhiều hơn, vì vậy ở bến xe không còn cảnh hành khách chen lấn mua vé vào giờ cao điểm ban ngày. “Từ sáng đến 15g ngày 1-2, bến xe Miền Tây đã có 32.000 hành khách mua vé về quê ăn tết, tăng 40% so với ngày thường và dự kiến vào những ngày 27 và 28 tháng chạp (5 và 6-2-2016) là ngày cao điểm khách đi về quê sẽ còn tăng cao” - ông Tiến cho biết.
Bến xe An Sương: tuyến Tây Ninh không tăng giá
“Các hãng xe đò thương hiệu chạy tuyến TP.HCM - Tây Ninh đã cạnh tranh nhau nên quyết định không tăng giá vé dịp tết” - ông Trần Hiếu, giám đốc bến xe An Sương, cho biết. Có thể nói đây là bến xe duy nhất không tăng giá vé ở TP.HCM. Các hãng xe ở bến xe An Sương đã tăng thêm 100 chuyến/ngày, lên 270 chuyến/ngày để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Ngày 2-2, lượng khách đi về Tây Ninh tăng 22% so với dịp tết năm trước.
Theo ông Phạm Quốc Tài - phó tổng giám đốc Samco, vào những ngày cao điểm bến xe Miền Đông phục vụ hơn 51.000 hành khách/ngày, bến xe Miền Tây hơn 55.000 hành khách/ngày, bến xe An Sương và bến xe Ngã Tư Ga phục vụ hơn 13.000 hành khách/ngày. Lãnh đạo Samco đề nghị các bến xe và đơn vị vận tải phục vụ hành khách chu đáo, đảm bảo trật tự an toàn, không để hành khách ứ đọng tại các bến xe và không để hành khách không được về quê ăn tết vì thiếu xe.
Vừa qua, tại buổi lễ “xuất quân” phục vụ hành khách dịp tết 2016, các đơn vị chịu trách nhiệm phục vụ hành khách ở các bến xe đã cam kết chạy đúng tuyến, đúng lịch trình, không đón khách, sang khách ngoài bến xe và “bến cóc”, không chở quá tải, không ép khách đi xe với giá cao hơn quy định, không vận chuyển các loại hàng cấm, hàng dễ cháy nổ... Thực hiện tốt phong cách ứng xử văn minh, tôn trọng, ân cần, tận tình, chu đáo với hành khách, giúp đỡ người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, người khuyết tật…
Theo Tuổi trẻ