Tờ Đa Chiều ngày 2/10 cho rằng trong ngày cuối cùng của tháng 9/2016, Tòa án Trung Quốc đưa ra phán quyết đối với nguyên bí thư thành ủy Quảng Châu Vạn Khánh Lương, nguyên bí thư thành ủy Tế Nam Vương Mẫn. Đến nay, trong 9 tháng của năm 2016, Trung Quốc đã xét xử hơn 50 quan chức cấp cao cấp tỉnh, bộ.
Ngày 30/9/2016, Tòa án thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã công khai xét xử vụ án nhận hối lộ, đối tượng là Vạn Khánh Lương - nguyên thường vụ tỉnh ủy Quảng Đông, nguyên bí thư thành ủy Quảng Châu.
Do tội nhận hối lộ, Vạn Khánh Lương đã bị phạt tù chung thân, mất quyền lợi chính trị suốt đời, đồng thời bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân. Những tài sản thu được từ Vạn Khánh Lương được nộp cho ngân khố quốc gia.
Cùng ngày, Tòa án thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã xét xử vụ án nhận hối lộ của đối tượng Vương Mẫn - nguyên thường vụ tỉnh ủy Sơn Đông, nguyên bí thư thành ủy Tế Nam.
Do tội nhận hối lộ, Vương Mẫn phải chịu án tù 20 năm và bị tịch thu 2 triệu nhân dân tệ tài sản cá nhân (1 nhân dân tệ tương đương khoảng 0,15 USD); số tài sản thu được từ Vương Mẫn sẽ nộp vào kho bạc.
Theo thống kê, chỉ trong tháng 9, có tới 12 quan chức cấp tỉnh, bộ Trung Quốc bị cơ quan kiểm sát xét xử, nhiều nhất so với trước đây. Đối tượng gây chú ý cho dư luận là Lệnh Chính Sách, nguyên phó chủ tịch Chính hiệp tỉnh Sơn Tây, anh trai của Lệnh Kế Hoạch - nguyên Chánh văn phòng Trung ương Đảng, cựu cố vấn cấp cao thân cận của nguyên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Trước đó, ông Lệnh Kế Hoạch bị xét xử vào ngày 4/7/2016 với án tù chung thân do tội nhận hối lộ, thu thập phi pháp bí mật nhà nước, lạm dụng chức quyền.
Số liệu trên trang tin của Viện Kiểm sát tối cao Trung Quốc cho biết từ ngày 1/1 đến ngày 29/9/2016, có tới 289 thông tin phạm tội chức vụ đã được trang tin này công bố, có tới 50 quan chức cấp tỉnh, bộ bị xét xử.
Trong đó, tổng giám đốc Tư Hiến Dân của Tập đoàn hàng không Phương Nam Trung Quốc bị lập hồ sơ điều tra từ đầu năm 2016, đến tháng 9 bị khởi tố, thời gian tương đối ngắn, chỉ có nửa năm.
Trong 26 người bị trừng phạt, 5 người gồm nguyên Bí thư Ủy ban Chính pháp Chu Vĩnh Khang, nguyên Trưởng Ban Mặt trận thống nhất (nguyên Chánh văn phòng Trung ương Đảng) Lệnh Kế Hoạch, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc thượng tướng Quách Bá Hùng bị phạt tù chung thân;
20 người bị phạt tù có thời hạn từ 11 đến 20 năm. Trong đó có nguyên phó tổng giám đốc Vương Vĩnh Xuân của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), nguyên chủ tịch Quách Vĩnh Tường của Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Tứ Xuyên, nguyên phó chủ tịch Nghê Phát Khoa của tỉnh An Huy; chỉ có đối tượng Đồng Danh Khiêm bị phạt tù 5 năm.
So với năm 2015, năm 2016 xuất hiện "lão hổ" tham tiền nhất. Đứng đầu là nguyên phó chủ nhiệm Bạch Ân Bồi của Ủy ban bảo vệ tài nguyên và môi trường - Quốc hội Trung Quốc bị tố cáo nhận hối lộ "kỷ lục" trên 240 triệu nhân dân tệ, vượt cả Chu Vĩnh Khang (nhận hối lộ 129 triệu nhân dân tệ).
Quan tham Bạch Ân Bồi từng giữ các chức vụ quan trọng ở địa phương như Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hải, Bí thư tỉnh ủy Vân Nam.
Đứng thứ hai là Chu Minh Quốc, nguyên Bí thư ủy ban chính pháp, Chủ tịch chính hiệp tỉnh Quảng Đông, nhận hối lộ trên 141 triệu nhân dân tệ.
Để tránh bị cản trở bởi hệ thống tư pháp, chuyển tới địa phương khác tiến hành xét xử đã trở thành một cách làm thường xuyên trong cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc.
Trong xét xử ở địa phương khác, Thiên Tân và Hồ Bắc làm nhiều, như hai con "hổ lớn" Chu Vĩnh Khang và Lệnh Kế Hoạch đều bị xét xử ở Thiên Tân.
Những đối tượng thuộc ảnh hưởng của ông Chu Vĩnh Khang như Tưởng Khiết Mẫn, Vương Vĩnh Xuân, Lý Xuân Thành và Quách Vĩnh Tường đều bị xét xử ở Hồ Bắc. Chuyên gia cho rằng điều này cũng liên quan đến khả năng và kinh nghiệm xét xử của tòa án.
Trừ Quách Bá Hùng, đa số thông tin "hổ trong quân đội" ngã ngựa, chuyển cho cơ quan tư pháp xét xử rất ít xuất hiện công khai.
Các vụ án liên quan cũng chỉ có thể thông báo thời gian ủy ban kiểm tra kỷ luật quân đội hoặc cơ quan kiểm sát quân sự lập hồ sơ điều tra và chuyển giao cho cơ quan tư pháp quân sự, còn các thông tin về tội danh, chi tiết phạm tội cụ thể đều không được công khai.
Kể cả vụ án của thượng tướng Quách Bá Hùng cũng chỉ được công bố kết quả xét xử cuối cùng: phạm tội nhận hối lộ, phạt tù chung thân, mất đi quyền lợi chính trị cả đời, đồng thời tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân, nộp cho kho bạc nhà nước, tước quân hàm thượng tướng. Những thông tin như tổng số tiền nhận hối lộ đã không được thông báo cụ thể.