Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường ĐH chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại các địa phương theo đúng quy trình đã ban hành, đảm bảo chính xác, an toàn và đúng tiến độ.
Theo đó, Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử” phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi.
Về công tác chấm thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các Sở thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao sẽ được chọn để chấm kiểm tra. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác chấm thi ở tất cả 63 Hội đồng thi.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho hay, hiện các phòng chấm thi tự luận và trắc nghiệm cũng như phòng để lưu trữ bài thi của thí sinh đã được các Hội đồng thi chuẩn bị đầy đủ.
Cũng theo ông Mai Văn Trinh, hệ thống máy tính, thiết bị công nghệ phục vụ cho chấm thi trắc nghiệm cũng đã được trang bị và chạy thử. Năm nay, các phòng chấm thi tự luận cũng như trắc nghiệm đều được lắp đặt camera. Hiện các thiết bị giám sát này đã hoạt động, sẵn sàng phục vụ công tác chấm thi.
Ở phần chấm thi tự luận, khâu đánh phách sẽ thực hiện triệt để việc cách ly đánh phách, thực hiện chấm thi 2 vòng độc lập. Tối thiếu là 5% số bài thi có điểm cao được chấm thẩm định, nhằm xem việc chấm vòng 1 và vòng 2 có phù hợp không, để có hướng xử lý.
Sau khi hoàn thành công tác chấm thi, các trường ĐH, CĐ sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh ngay sau kỳ thi. Theo đó, các trường ĐH, CĐ sẽ cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh của trường và kịp thời hỗ trợ thí sinh trong việc giải đáp các thông tin liên quan đến tuyển sinh; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho công tác xét tuyển; vận hành tốt các phần mềm tuyển sinh; xây dựng các giải pháp phù hợp với thực tế của đơn vị để tuyển sinh thuận lợi và hiệu quả.