|
Ông Nguyễn Thanh Ngụ kiểm tra đơn vị pháo phản lực BM-21 Grad. Ảnh: NVCC. |
Rời ghế nhà trường cấp 3 (nay là PTTH) nhập ngũ khi mới qua tuổi 17, cậu học sinh giỏi toán Nguyễn Thanh Ngụ không ngờ mình lại có được vinh dự tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước và từ binh nhì lên đến thiếu tướng, Chính ủy Binh chủng Pháo binh “chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng”.
Được giao làm kế toán pháo binh nhờ giỏi toán
Sinh năm 1957 trong một gia đình có tới 8 anh em trai, Nguyễn Thanh Ngụ nổi tiếng học giỏi. Năm lớp 7, Nguyễn Thanh Ngụ đã tham gia đội tuyển Toán của tỉnh Thái Bình đi thi toàn miền Bắc, các năm học lớp 8,9,10 ở Trường Cấp 3 Nam Kiến Xương (nay là PTTH Nguyễn Du), Ngụ đều có mặt trong đội tuyển Toán của trường.
Năm 1975, tình hình chiến trường có những chuyển biến quan trọng, xuất hiện thời cơ thuận lợi cho một cuộc tổng tấn công và nổi dậy để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để chuẩn bị, một đợt tuyển quân lớn đã được âm thầm thực hiện.
Ngày 18/2/1975 (tức mồng 8 Tết Ất Mão), khi mới hết học kỳ I, Ngụ cùng gần 40 bạn cùng khóa bỏ lại giấc mơ học tiếp đại học lên đường nhập ngũ, được Bộ Giáo dục công nhận đặc cách tốt nghiệp phổ thông.
Ngay sau khi nhập ngũ, Ngụ cùng các bạn bắt đầu làm quen với cuộc sống quân ngũ lạ lẫm và gian nan: cõng ba lô đi bộ 10km từ nơi đóng quân tới thị xã Thái Bình, lên xe ô tô sang thành phố Nam Định đi tàu vào Thanh Hóa, lại đi bộ tiếp 21km về nơi đóng quân ở huyện Triệu Sơn.
Đơn vị mà Ngụ và các bạn gia nhập là Lữ đoàn 45 Pháo binh – đơn vị được Bác Hồ đặt tên là “Đoàn Tất Thắng”, có truyền thống vẻ vang, hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND).
Ban đầu đây vốn là trung đoàn bộ binh, năm 1951 chuyển thành trung đoàn pháo binh, được đưa sang Trung Quốc huấn luyện và nhận 20 khẩu pháo xe kéo 105mm do Trung Quốc viện trợ mang về. Chính những khẩu pháo này đã bắn loạt đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam, đánh dập đầu pháo binh địch khiến Đại tá Piros chỉ huy pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ phải tự sát.
Trong kháng chiến chống Mỹ, trung đoàn 45 đã tham gia các chiến dịch Đường 9 Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào, Thành cổ Quảng Trị, giải phóng Quảng Trị nổi tiếng với những trận thắng giòn giã. Tháng 10/1973 khi Quân đoàn 1 được thành lập, trung đoàn 45 được nâng cấp thành lữ đoàn và đưa vào biên chế.
Về Lữ đoàn 45, Ngụ và các đồng đội được biên chế vào tiểu đoàn huấn luyện tân binh. Khi đang miệt mài trên thao trường thì ta giải phóng Buôn Mê Thuột, xuất hiện thời cơ mới của chiến tranh.
Trên yêu cầu ngừng huấn luyện để hành quân vào Nam chiến đấu. Ngụ lập tức xung phong và được biên chế vào đại đội 813 - đại đội chỉ huy trực thuộc lữ đoàn. Với lý lịch là học sinh giỏi Toán, Ngụ được giao làm Kế toán pháo binh.
Nhiệm vụ của Kế toán pháo binh là tính toán tầm, hướng, phần tử bắn cho các trận địa pháo của lữ đoàn theo các tình huống bắn khác nhau. Do tình hình yêu cầu nên việc huấn luyện diễn ra gấp gáp.
Vốn là học sinh giỏi Toán nên Ngụ tiếp thu rất nhanh, sau 2 tuần đã có thể thành thạo các phương pháp chuẩn bị phần tử bắn như một kế toán kỳ cựu.
Cuối tháng 3/1975, 3 tiểu đoàn pháo của lữ đoàn bắt đầu lên đường hành quân. Pháo được kéo bằng xe xích, ý định ban đầu là vừa đi vừa chiến đấu, giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung và vào giải phóng Đà Nẵng. Tuy nhiên tình thế chiến trường diễn biến rất nhanh, lực lượng vũ trang tại chỗ và nhân dân lần lượt nổi dậy tự giải phóng, các đơn vị của Lữ đoàn hành quân một mạch vào tận Đồng Xoài mà không được đánh trận nào. Vừa may, Ngụ và các đồng đội kịp có mặt để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…
Tiêu diệt căn cứ quan trọng nhất của địch trên tuyến phòng thủ Bắc Sài Gòn
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Ngụ kể, trang bị của Lữ đoàn 45 lúc tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh có các loại pháo nòng dài 130 mm M-46, pháo nòng dài 122mm Đ-74, pháo nòng dài 122mm K59-1 hiện đại nhất bấy giờ; lực lượng gồm 3 tiểu đoàn pháo, 2 đại đội trực thuộc và lữ đoàn bộ. Nhiệm vụ được giao là chi viện hỏa lực cho Quân đoàn 1 đánh hướng Bắc và Đông bắc Sài Gòn, trước hết là bóc gỡ các cứ điểm địch ở vòng ngoài.
Trận đánh quan trọng đầu tiên là tiêu diệt căn cứ Sư đoàn 5 quân ngụy Sài Gòn ở Phú Lợi sáng 30/4. Đây là căn cứ quan trọng nhất của địch trên tuyến phòng thủ Bắc Sài Gòn, án ngữ trục giao thông đường 13 từ Bình Long, Phước Long qua Bình Dương, đường 8 từ Tân Uyên đi Củ Chi và khống chế các trục đường 13, 14 vào Sài Gòn. Các trận địa pháo của lữ đoàn căn cứ vào các phần tử bắn được tính toán chính xác đã bắn gần 1000 quả đạn vào căn cứ Phú Lợi chi viện hỏa lực cho sư đoàn 312 tiêu diệt sư đoàn 5 ngụy, đánh chiếm căn cứ.
Tiếp đó, đại đội 806 của tiểu đoàn 2 được giao nhiệm vụ cơ động thọc sâu bắn vào trụ sở Bộ Tổng Tham mưu và sở chỉ huy các binh chủng quân ngụy.
Do điều kiện chiến đấu gấp nên phải chuẩn bị bằng phương pháp giản đơn nhưng phải đảm bảo tuyệt đối chính xác, không được để đạn rơi vào khu dân cư.
Ông Ngụ kể, khi các khẩu đội pháo bắn được 43 quả đạn tất cả đều trúng mục tiêu thì trên yêu cầu kết thúc bắn để bộ binh xông vào đánh chiếm mục tiêu. Đây có lẽ là những viên đại bác cuối cùng được bắn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ảnh: Tư liệu.
Ông Ngụ kể, khi ở sở chỉ huy, nghe đài Tiếng nói Việt Nam thông báo quân ta đã chiếm Dinh Độc Lập, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, miền Nam đã được giải phóng, ông và các đồng đội ôm nhau hò reo, trong lòng dậy lên cảm xúc rất khó tả.
Điều ông nghĩ đến đầu tiên là thầm gọi “Mẹ ơi, con vẫn bình an, sẽ về với mẹ!”. Nhà ông có 8 anh em trai, 6 người tham gia quân đội, trong đó 4 tham gia kháng chiến chống Mỹ, hai người anh tham gia Chiến dịch Quảng Trị, bom đạn ác liệt, họ đều bị thương nhưng đều may mắn trở về. Khi ông tạm biệt mẹ lên đường nhập ngũ, bà đã ôm con khóc. Khi đó ông đã động viên “Mẹ yên tâm, con nhất định sẽ trở về!”.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông và người anh trai cùng vinh dự được tham gia nhưng không gặp được nhau. Người anh chiến đấu trong đội hình sư đoàn 320. Thật là tình cờ mà như có sự sắp đặt thú vị: pháo của đơn vị ông bắn vào Bộ Tổng Tham mưu Ngụy ghìm đầu quân địch, sau đó đơn vị của anh trai xông vào chiếm giữ.
Sau khi miền Nam được giải phóng, cùng đơn vị rút quân ra miền Bắc, ông Ngụ được cấp trên lựa chọn đi học Trường Sĩ quan Pháo binh. Tuy nhiên, do tuổi quân chưa đủ 1 năm nên ông phải lui lại đến năm 1976 mới vào trường nhập học. Trong trường, ông học rất giỏi, khi ra trường đỗ thủ khoa nên được phong quân hàm vượt cấp lên Trung úy.
Ra trường, ông được giữ lại làm cán bộ lớp trưởng, đại đội phó, được thăng quân hàm Thượng úy trước thời hạn 1 năm và bổ nhiệm Phó Tiểu đoàn trưởng về chính trị khi mới 24 tuổi và lần lượt công tác tại các trung, lữ đoàn pháo binh, được giao đảm nhiệm các chức vụ: Bí thư đoàn chuyên trách Trung đoàn 204 (1984-1985); Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 380; Trưởng phòng Tổ chức, Phó Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng (1991-2003); Bí thư Đảng ủy, Phó Lữ đoàn trưởng về Chính trị (nay là Chính ủy) Lữ đoàn 45 (2003-2005), Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Pháo binh (2005-2006), Phó Chính ủy Binh chủng Pháo binh (2006-2010).
Tháng 4/2010 ông được bổ nhiệm chức Chính ủy Binh chủng Pháo binh, tháng 7/2010 được phong quân hàm Thiếu tướng. Tháng 8/2018 ông được nghỉ hưu theo chế độ.
Những ngày này, hòa cùng không khí hân hoan, náo nức của toàn quân, toàn dân chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Ngụ như sống lại những giờ phút của 50 năm trước. Mỗi sáng, khi bóc tờ lịch xuống, ông lại hồi tưởng ngày này 50 năm trước mình đang tiến đến nơi nào.
Tôi hỏi vui: “Giải phóng Sài Gòn năm xưa ông có mua được cái đồng hồ Orient hay khung xe đạp nào mang ra không?”. Ông Ngụ cười: “Khi đó tôi chả biết gì, có ít tiền mẹ dúi cho khi nhập ngũ và tiền phụ cấp không tiêu đến đều bị các bố lính cũ dụ vay sạch. Sau giải phóng ba ngày thì tôi được ra phố, thấy choáng ngợp vì nhiều hàng hóa nhưng trong túi chả có đồng nào. Mãi đến khi rút ra Thanh Hóa, gặp lại anh trai, ông ấy mới cho chiếc đồng hồ giữ làm kỷ niệm”.
Đại tá Bùi Thuận Hóa
Nguyên Trưởng phòng Dân vận, Cục Dân vận, TCCT