
Khán phòng tại trụ sở của Alibaba chật kín người tham dự. Họ đứng dựa vào tường, chen chúc trên cầu thang. Hàng trăm chủ doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc chăm chú lắng nghe khi lần lượt các đại diện từ ông lớn thương mại điện tử Alibaba bước lên sân khấu để trấn an về khả năng chống chịu của Trung Quốc trước các mức thuế "ngạt thở" mà Mỹ áp đặt.
“Kể từ đầu tháng 4, chúng tôi đã liên tục nghiên cứu và thảo luận rằng trong một môi trường chính sách như thế này, thay đổi nhanh như thế này, thì phương pháp và thái độ của chúng ta nên như thế nào?”, bà Vương Thiện, giám đốc marketing kỹ thuật số, cho hay.
“Điều mà mọi người đồng thuận là: kinh doanh thì vẫn phải tiến ra ngoài”, bà nói tiếp. “Cuối cùng, điều bị thử thách chính là năng lực của chúng ta”.
Tâm thế “ra trận” đã trở thành điều bình thường đối với vô số người Trung Quốc đang tham gia vào hoạt động bán hàng trực tuyến cho thị trường Mỹ. Mối đe dọa từ thuế quan là rất lớn: Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc, chiếm hơn 1/3 tổng doanh số, theo số liệu chính thức của Trung Quốc. Con số đó bao gồm cả người tiêu dùng cá nhân ở Mỹ – những người tìm đến Shein để mua đồ bơi giá rẻ, hay Temu để mua máy ép tỏi giá 2 USD – cũng như các chủ doanh nghiệp nhỏ sử dụng DHGate hay Alibaba để mua hàng sỉ rồi bán lại.
Hội nghị của Alibaba, diễn ra tại Hàng Châu – quê hương của tập đoàn này, đã phần nào hé lộ lý do vì sao Trung Quốc lại trở thành một cường quốc thương mại điện tử khổng lồ. Và nó cũng cho thấy ngành này có thể vượt qua khủng hoảng như thế nào.
Thành công của Trung Quốc trong thương mại điện tử đã trở thành một phần trọng yếu trong câu chuyện vươn mình về kinh tế của đất nước này. Ít ai đại diện cho hành trình “từ tay trắng thành tỷ phú” rõ nét hơn ông Jack Ma – người sáng lập Alibaba, từ một giáo viên tiếng Anh trở thành doanh nhân trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến, rồi nằm trong số những người giàu nhất thế giới.

Hành trình ấy có được một phần là nhờ hệ sinh thái khổng lồ mà Trung Quốc đã xây dựng để phục vụ cỗ máy xuất khẩu: từ nhà máy, nhân viên marketing, công ty vận chuyển, cho đến các nhà cung cấp dropshipping – những người lo từ khâu tìm nguồn hàng đến giao hàng thay cho người bán; các streamer livestream bán hàng theo kiểu hội chợ trên các ứng dụng video ngắn; và cả các gia sư riêng chuyên giúp các chủ doanh nghiệp nhỏ học cách bán hàng ra nước ngoài.
Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc cũng đã đặt việc mở rộng bán hàng trực tuyến quốc tế làm ưu tiên, cung cấp ưu đãi thuế và khuyến khích các trường đại học mở thêm các ngành liên quan. Khắp Hàng Châu mọc lên những tòa nhà chọc trời với văn phòng giá rẻ dành cho các doanh nhân thương mại điện tử.
Giờ đây, khi thuế quan gia tăng, sự hỗ trợ từ chính phủ và doanh nghiệp lại càng được đẩy mạnh. Các quan chức tại Hàng Châu hứa sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đang chuyển hướng sang các thị trường ngoài Mỹ trong khâu xử lý thủ tục pháp lý. Nhân viên của Amazon – hãng đã mở trung tâm đào tạo người bán ở Hàng Châu – tuần trước cũng tổ chức một buổi chia sẻ riêng về thuế quan dành cho các đối tác của họ.
Tại hội nghị Alibaba – mở cửa cho tất cả những ai muốn học cách bán hàng ra nước ngoài – nhân viên công ty cam kết sẽ hỗ trợ thủ tục hải quan. Các nền tảng trực tuyến cũng hứa sẽ chi hàng chục triệu USD để giúp các nhà xuất khẩu đẩy mạnh quảng bá trong nước.
Vì vậy, dù lo lắng, nhiều người tại trụ sở Alibaba vẫn không bị nản chí.
Bà Khâu Lôi Tư, 36 tuổi, đang lên kế hoạch mở một cửa hàng trực tuyến chuyên bán quần áo ngoại cỡ cho khách sỉ ở Mỹ và châu Âu, cho biết bà sẽ chuyển chi phí thuế sang cho khách hàng gánh chịu.
“Các chủ doanh nghiệp Mỹ nên hiểu rằng điều bất công đến từ chính người của họ”, bà nói khi đang ngồi ở một quán cà phê gần hội trường.
Bà Khâu không lo người Mỹ sẽ phản đối giá tăng. Bố mẹ bà, những người từng điều hành một nhà máy phần cứng với 1/3 khách hàng đến từ Mỹ, từng bán số hàng tồn sang Ấn Độ với giá rẻ hơn một chút.
“Họ sẽ nhượng bộ những ai thân thiện với mình”, bà Khâu nói về bố mẹ bà. “Dù mất thị trường Mỹ, vẫn còn rất nhiều nước khác sẵn sàng thay thế”.

Một phần quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc là chuyển hướng xuất khẩu sang các nước khác. Trước cả khi các mức thuế mới xuất hiện, khi căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, nhiều doanh nhân Trung Quốc đã chuyển trọng tâm sang Đông Nam Á và châu Âu.
Nhưng sự chuyển hướng này không thể diễn ra trong ngày một ngày hai, đặc biệt với những người có lượng khách chủ yếu đến từ Mỹ.
Điển hình là ông Triệu Hiếu, người điều hành công ty HyperSKU, chuyên giúp các chủ doanh nghiệp nhỏ nước ngoài tìm nguồn hàng từ Trung Quốc như thảm tập yoga. Khoảng một nửa doanh thu của ông đến từ Mỹ, và vài tuần qua, ông đã phải điều chỉnh lại toàn bộ báo giá do thuế ngày càng tăng.
Để thích nghi, ông đã cắt giảm ngân sách quảng cáo cho thị trường Mỹ và dồn sức sang châu Âu. Ông cũng tập trung vào các sản phẩm cá nhân hóa – như hoa tai khắc tên hay mặt dây chuyền có hình thú cưng – với hy vọng người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn. Theo ông, đây là điểm mạnh không thể thay thế của chuỗi cung ứng Trung Quốc: giao được hàng cực kỳ cá biệt, với số lượng nhỏ, nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Dù vậy, ông vẫn dự đoán doanh thu sẽ giảm ít nhất 20%.
“Trên thị trường, có những điều nằm ngoài tầm kiểm soát, như yếu tố chính trị”, ông Triệu nói trong bữa trưa tại một trung tâm thương mại cao cấp ở Hàng Châu – nơi thể hiện vị thế trung tâm công nghệ của thành phố. “Bạn chỉ có thể đánh giá: nếu rơi vào kịch bản xấu nhất, công ty còn trụ được không? Phải có sổ sách rõ ràng”.
Tuy nhiên, tinh thần lạc quan tại hội nghị Alibaba có thể sớm đụng phải thực tế.
Một số người bán đề xuất lách thuế bằng cách chuyển hàng qua nước thứ ba. Nhưng dưới áp lực từ chính quyền ông Trump, một số nước đã cam kết sẽ siết chặt hoạt động này.

Nhiều người cũng cho rằng việc mở rộng ra nước ngoài không phải lựa chọn, mà là điều bắt buộc. Thị trường nội địa của Trung Quốc đang bão hòa, cạnh tranh khốc liệt, và nền kinh tế giảm tốc khiến người dân không muốn chi tiêu. Đó cũng là lý do vì sao chính phủ tích cực thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.
“Thị trường thì chỉ có vậy, mà người bán thì chật kín, nên phần bánh của mình ngày càng nhỏ đi”, ông Phó Tư Thông, 27 tuổi, nói. Ông cùng 2 người bạn đang điều hành một cửa hàng trực tuyến bán đồ trang trí xe hơi. Khi doanh thu nội địa giảm khoảng 20% trong năm qua, ông quyết định mở rộng sang châu Âu và Mỹ – nơi biên lợi nhuận thường cao hơn. “Kể cả có làm không tốt, cũng phải làm”.
Cuối cùng, hơn cả trợ cấp từ chính phủ hay những lời trấn an từ các nền tảng thương mại điện tử, chính là quyết tâm kinh doanh bằng mọi giá – đó mới là thứ nuôi dưỡng sự tự tin của nhiều doanh nhân.
Tại một tòa nhà văn phòng có tên “Building Dreams” (Xây Dựng Giấc Mơ), nằm trong một khu công nghiệp ở Hàng Châu dành riêng cho thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Lý Đồng Tử, 30 tuổi, tỏ ra không mấy bận tâm khi doanh thu từ vòng tay và vật phẩm bói toán bán sang Mỹ của ông đã “bốc hơi”. Ông sẽ quay lại tập trung vào thị trường Trung Quốc, dù lợi nhuận đang thu hẹp.
“Chỉ là chuyện lời nhiều hay ít thôi”, ông nói. “Dù chỉ kiếm được 10 xu, chúng tôi vẫn dám làm”.

Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc: 80 triệu căn hộ không có người ở

Trung Quốc phát hành phim “Không quỳ gối” giữa lúc căng thẳng với Mỹ
