Chiến đấu cơ rơi khỏi tàu sân bay, Hải quân Mỹ mất 60 triệu USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một chiếc tiêm kích F/A-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ đã bị mất trên biển sau khi rơi khỏi tàu sân bay USS Harry S. Truman trong lúc đang được kéo vào boong, Hải quân Mỹ cho biết trong một tuyên bố vào ngày 28/4, giờ địa phương.

Bức ảnh được chụp ngày 1/4 của Hải quân Mỹ cho thấy một chiếc F/A-18E Super Hornet đang chuẩn bị cất cánh trên tàu USS Harry S. Truman. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Bức ảnh được chụp ngày 1/4 của Hải quân Mỹ cho thấy một chiếc F/A-18E Super Hornet đang chuẩn bị cất cánh trên tàu USS Harry S. Truman. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Một quan chức Mỹ cho biết, báo cáo ban đầu từ hiện trường cho thấy tàu Truman đã thực hiện một cú rẽ gấp để né hỏa lực của lực lượng Houthi, điều này góp phần khiến chiếc tiêm kích rơi khỏi tàu. Phiến quân Houthi tại Yemen hôm 28/4 tuyên bố đã phóng máy bay không người lái và tên lửa tấn công tàu sân bay đang hoạt động tại Biển Đỏ trong khuôn khổ chiến dịch quân sự quy mô lớn của Mỹ nhằm vào lực lượng này, vốn được Iran hậu thuẫn.

Hải quân xác nhận toàn bộ thủy thủ trên tàu đều an toàn, chỉ có một người bị thương nhẹ.

“Chiếc F/A-18E đang được kéo trong khoang chứa máy bay thì đội điều khiển mất kiểm soát. Cả máy bay và xe kéo đều rơi xuống biển”, tuyên bố cho biết. “Các thủy thủ kéo máy bay đã lập tức rút lui khỏi khu vực trước khi chiếc máy bay rơi. Hiện cuộc điều tra đang được tiến hành”.

Một quan chức Mỹ khác nói rằng chiếc máy bay đã chìm. Theo Hải quân, một chiếc tiêm kích F/A-18 có giá hơn 60 triệu USD.

Tàu sân bay của Hải quân Mỹ – những chiến hạm lớn nhất thế giới, dài gần 1.100 feet (khoảng 335 mét) và có lượng choán nước gần 100.000 tấn – lại có khả năng cơ động đáng kinh ngạc so với kích thước của chúng.

Với 2 lò phản ứng hạt nhân dẫn động bốn trục chân vịt, các tàu sân bay lớp Nimitz như Truman có thể đạt tốc độ hơn 34 dặm/giờ (khoảng 55 km/h).

Chi tiết cụ thể về cú rẽ né hỏa lực của tàu Truman chưa được công bố, nhưng ảnh và video của tàu này và các tàu sân bay lớp Nimitz khác trên trang web Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy những con tàu khổng lồ này có thể nghiêng đáng kể khi quay gấp ở tốc độ cao.

Ông Carl Schuster, một cựu thuyền trưởng Hải quân Mỹ, nói rằng các tàu sân bay khi tránh tên lửa thường dùng chiến thuật “zig-zag” (rẽ ngoằn ngoèo).

“Thông thường, bạn thực hiện một chuỗi các cú rẽ xen kẽ từ 30 đến 40 độ. Mỗi lần rẽ kéo dài khoảng 30 giây, nhưng cú rẽ bắt đầu rất đột ngột. Cảm giác giống như bạn đang ngồi trên một chiếc ô tô rẽ ngoằn ngoèo”, ông Schuster cho biết.

“Con tàu có thể nghiêng khoảng 10 đến 15 độ vào hướng rẽ, nhưng nếu đi ở tốc độ tối đa, tàu có thể dịch chuyển khỏi điểm ngắm ban đầu từ 100 đến 200 yard”, ông nói thêm.

Untitled2.png
Tàu sân bay USS Harry S. Truman thực hiện cú quay đầu tốc độ cao trong quá trình kiểm tra bánh lái vào năm 2009. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Các cuộc tấn công tới tấp

Nhóm tác chiến tàu sân bay Truman hiện đang hoạt động tại Trung Đông và đã ở Biển Đỏ vào thời điểm xảy ra sự việc. Hải quân Mỹ nhấn mạnh rằng nhóm tàu này cùng với lực lượng không quân đi kèm “vẫn hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu.”

Tàu Truman đã nhiều lần bị lực lượng Houthi tấn công. Hồi tháng 2, tàu này từng gây chú ý khi va chạm với một tàu buôn gần Ai Cập – không có ai bị thương. Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, một chiếc F/A-18 khác từ tàu Truman đã bị tàu tuần dương USS Gettysburg “bắn nhầm” và bắn rơi trên Biển Đỏ; cả hai phi công đều đã nhảy dù an toàn.

Nhiều tàu chiến Mỹ khác trong khu vực cũng từng trúng hỏa lực của lực lượng Houthi. Đầu năm 2024, một tàu khu trục của Mỹ ở Biển Đỏ đã phải dùng đến hệ thống vũ khí tầm gần Phalanx – tuyến phòng thủ cuối cùng – khi một tên lửa hành trình do Houthi bắn đã áp sát ở khoảng cách chưa đến 1 dặm, chỉ còn cách vài giây trước khi va chạm.

Việc Houthi nhắm vào các tàu chiến Mỹ trong khu vực bắt đầu sau khi Hải quân Mỹ can thiệp nhằm ngăn nhóm phiến quân này tấn công các tàu hàng đi đến Israel để phản đối cuộc tấn công của nước này vào Gaza hồi tháng 10/2023.

Trong những tuần gần đây, chính quyền ông Trump đã tăng cường các cuộc không kích vào mục tiêu Houthi ở Yemen, khiến nhóm phiến quân này đe dọa sẽ trả đũa mạnh mẽ hơn đối với các tàu chiến Mỹ.

“Yemen sẽ không ngừng các hoạt động hỗ trợ nhân dân Palestine cho đến khi hành động xâm lược của Israel tại Gaza chấm dứt và lệnh phong tỏa được dỡ bỏ,” lực lượng vũ trang do Houthi kiểm soát tại Yemen tuyên bố hồi đầu tháng này, sau khi các cuộc không kích của Mỹ vào một cảng dầu phía tây Yemen khiến hàng chục người thiệt mạng.

Nhóm vũ trang này cho rằng hành động “xâm lược” của Mỹ đối với Yemen “chỉ dẫn đến việc bị nhắm mục tiêu nhiều hơn, va chạm nhiều hơn, và đối đầu nhiều hơn.”

Ngày 28/4, lực lượng Houthi cáo buộc một cuộc không kích của Mỹ đã tấn công một nhà tù giam giữ người di cư châu Phi, khiến hàng chục người thiệt mạng. Quân đội Mỹ chưa đưa ra bình luận nào ngay sau đó.