Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam kỷ niệm 19 năm thành lập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 12/8/2023 tại Hà Nội, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam (VAYSE) đã tổ chức kỷ niệm 19 năm thành lập (10/8/2004 – 10/8/2023) nhằm ôn lại lịch sử của mình và mở ra những triển vọng khi bước vào tuổi 20.

Kỷ niệm 19 năm thành lập Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam
Kỷ niệm 19 năm thành lập Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam

Cách đây 19 năm, ngày 10/8/2004, VAYSE đã tổ chức đại hội lần thứ nhất sau khi thành lập theo quyết định 47/2004/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ. Chủ tịch đầu tiên của VAYSE là luật gia Nghiêm Quốc Bảo - Tổng thư ký Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, người được lãnh đạo Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) giao trách nhiệm vận động thành lập VAYSE. Ông Bảo cũng là Tổng thư ký trẻ tuổi nhất trong các hội thành viên của VUSTA.

Từ đó đến nay, VAYSE đã trải qua 3 nhiệm kỳ. Chủ tịch được bầu đầu năm 2023 là PGS.TS Lê Phước Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông.

Phát biểu khai mạc tại lễ kỷ niệm, PGS.TS Lê Phước Minh cho biết, với khẩu hiệu “Tiên phong trong Đổi mới và Sáng tạo”, VAYSE sẽ tập trung các hoạt động của mình một cách đột phá vào những lĩnh vực có tiềm năng ở Việt Nam nhưng chưa được nhiều người tham gia. Khác với các hội khoa học chuyên ngành khác, VAYSE là một tổ chức tập hợp trí thức trẻ của rất nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Do đó, chắc chắn phải phát huy sức mạnh của khoa học liên ngành trên cơ sở hợp tác, học hỏi lẫn nhau của đông đảo hội viên. Không chỉ có vậy, giáo dục cũng là sứ mạng hết sức quan trọng của VAYSE để hướng tới thế hệ kế cận và chuẩn bị nguồn nhân lực tương lai cho chính mình.

VAYSE1.jpg
PGS TS Lê Phước Minh - Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm

Là người tham gia VAYSE sau khi được thành lập, nhà báo Nguyễn Đức Hoàng – Tổng thư ký VAYSE cho biết, những ngày đầu tiên hết sức khó khăn vì VAYSE gần như không có cơ sở vật chất. Thực tế đó buộc những người chủ chốt của VAYSE phải năng động, sáng tạo và dám làm những việc chưa ai làm.

Thành công lớn nhất của VAYSE là đã phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng đề án đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin vào năm 2009 và chính thức có tuyên ngôn đầu tiên về khoa học giả tưởng nhân kỷ niệm 194 năm ngày sinh nhà văn Jules Verne người Pháp vào tháng 2/2022. VAYSE không chỉ thuần tuý là một tổ chức khoa học công nghệ mà đã bước chân cả vào văn học nghệ thuật với dòng chảy mang tâm hồn khoa học.

Kỳ vọng về sự hợp tác với VAYSE, GS.TS Lê Thị Hợp – Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam cho biết, trong cộng đồng trí thức trẻ cũng có rất nhiều nữ trí thức và đây sẽ là điểm chung để hai hội cùng đồng hành với nhau. Vấn đề là bản thân các trí thức trẻ cần làm sao giành được tâm trí và thời gian cho các hoạt động cộng đồng và có nhiều sáng kiến đề xuất mang tính khả thi để đem lại giá trị cho xã hội và cho bản thân mình.

TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch VUSTA cho biết, trong các tổ chức hội thành viên của mình, VUSTA rất quan tâm và kỳ vọng vào VAYSE. Ông rất mong VAYSE chủ động hợp tác với các hội khoa học chuyên ngành với vai trò kết nối cho khoa học liên ngành. Cùng với việc đó, VAYSE còn phải chủ động hợp tác với các địa phương thông qua Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật sở tại nhằm phát triển trí thức trẻ địa phương và góp phần thu hút trí thức về với quê hương dưới nhiều hình thức khác nhau.

TS Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ với tư cách là người từng chứng kiến sự ra đời của VAYSE cho biết, bên cạnh các thế hệ đi trước, trí thức trẻ là hết sức quan trọng với đất nước. Tuy nhiên, để thể hiện được vai trò của mình thì trí thức trẻ ngoài sự chủ động trong khoa học thì cũng rất cần học hỏi các thế hệ đi trước. Bên cạnh đó, cũng cần tìm cách thương mại hoá các kết quả nghiên cứu để tri thức khoa học đến được với thị trường.

Ông Đinh Văn Hải – Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nêu ý kiến, trí thức trẻ là lực lượng rất có thế mạnh trong thời đại công nghệ số không chỉ tại Việt Nam mà là trên phạm vi toàn cầu. Theo ông, trí thức trẻ cần là lực lượng tiên phong trong rất nhiều lĩnh vực và công nghệ thông tin, chuyển đổi số phải là công cụ không thể thiếu. Vì thế, VAYSE cần phải làm rất nhiều việc để kết nối và hội tụ cho không chỉ trí thức trẻ để làm được những việc mà chưa có ai thực hiện.

TS Ngô Bích Thu – nhà nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam về lĩnh vực khoa học giả tưởng cho biết, văn học nghệ thuật cũng hoàn toàn không nằm ngoài các chương trình hành động của trí thức trẻ và thậm chí còn phải là lĩnh vực cần được chú trọng phát triển. Việt Nam đang bước vào thời đại hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0. Vì thế, thế hệ trẻ Việt Nam phải có ước mơ, khát vọng về khoa học. Ít nhất, trong khi chưa chế tạo được các cỗ máy thực thì cần làm ra “cỗ máy mơ ước” trong các tác phẩm nghệ thuật của thể loại này.

Tổng kết buổi lễ, PGS TS Lê Phước Minh khẳng định, khoa học liên ngành và các khoa học mới chính là định hướng chiến lược của VAYSE. Trong sự nghiệp này, trí thức trẻ không dễ gì tự làm được mà rất cần sự cộng tác, giúp đỡ của các nhà khoa học tiền bối. Trong thời gian tới, VAYSE sẽ đẩy mạnh các hoạt động của mình trong nhiều lĩnh vực và mong muốn đội ngũ trí thức trẻ ở các trường đại học và viện nghiên cứu chủ động tham gia với VAYSE. Không chỉ có vậy, VAYSE cũng mong muốn tiếp cận, vinh danh với những nhà phát minh sáng chế không bằng cấp và sẽ mời họ giao lưu với sinh viên của các ngành học có liên quan.