Hãng thông tấn quốc tế Reuters hôm 12/4 đã có một bài viết khá dài về trào lưu khởi nghiệp công nghệ đang bùng nổ tại Việt Nam, trong đó yếu tố tài năng công nghệ của đội ngũ trí thức trẻ đã giúp tạo ra một sự hấp dẫn rót vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài.
Hay nói cách khác, cộng đồng khởi nghiệp công nghệ Việt Nam đã và đang nổi lên như là một liều thuốc thúc đẩy các quỹ đầu tư nước ngoài đặt cược vào "chất xám của trí thức trẻ người Việt" vốn dĩ được kỳ vọng sẽ thành công hơn nữa, chí ít cũng ngang bằng với dự án Flappy Bird.
Hồi giữa tháng 3/2015, Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs đã đầu tư vào dịch vụ ví điện tử MoMo số tiền 28 triệu USD, trong khi đó Quỹ đầu tư 500 Startups có trụ sở ở Silicon Valley cũng công bố dành ra 10 triệu USD cho các dự án tại Việt Nam.
Một trong số những khoản đầu tư của 500 Startups có thể kể đến dịch vụ marketing tự động mang tên Beeketing, được tạo dựng bởi chàng trai 26 tuổi Trương Mạnh Quân.
Theo dự báo của Quân, Beeketing trong năm nay 2016 có doanh thu ước đạt 2 triệu USD với khách hàng chủ yếu là tại Mỹ.
"Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ đầu tư vào 10 đến 20 công ty như vậy (Beeketing) trong vòng 12 tháng tới", Eddie Thai - thành viên của 500 Startups cho biết, "Danh tính của các đơn vị này sẽ sớm được công bố, bởi Việt Nam có nhiều công ty tốt để đầu tư".
Làn sóng bùng nổ khởi nghiệp công nghệ chính là dấu ấn mới nhất của Việt Nam trong ngành công nghệ kỹ thuật cao toàn cầu. Cách đây 3 năm, Việt Nam đã nổi lên như là một trung tâm sản xuất hàng đầu tại Đông Nam Á của đại gia điện tử Hàn Quốc Samsung.
Ngoài ra, các hãng công nghệ toàn cầu khác vốn từ lâu đã có nhà máy tại Việt Nam như LG, Panasonic và Toshiba cũng đã bắt đầu mở rộng các đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển.
Giới phân tích cho rằng, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các hãng công nghệ bởi trước hết là nguồn nhân công rẻ hơn so với Trung Quốc, sau nữa là Việt Nam đã là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), kèm theo đó là nhiều chính sách ưu đãi đầu tư từ các quốc gia láng giềng.
Hơn nữa, một yếu tố cực kỳ quan trọng để thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài đó chính là nhóm người dùng am tường công nghệ của Việt Nam có độ tuổi trung bình là 30.
"Việt Nam có những sinh viên khoa học máy tính có hiệu suất cao nhất mà tôi từng gặp gỡ", Neil Fraser, một kỹ sư phần mềm tại Google, người vừa có chuyến tham quan vài trường đại học trong nước cho hay.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới hiện xếp học sinh tuổi 15 của Việt Nam đứng trên học sinh ở cùng độ tuổi của Mỹ, Úc và Anh ở khả năng học 2 môn là toán và khoa học.
Cú hích từ thương mại điện tử
Theo Reuters, số lượng công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam là khá ít, nếu so với 2.100 đơn vị ở Indonesia, 2.300 ở Trung Quốc và 7.500 ở Ấn Độ. Còn tại Singapore, số lượng công ty khởi nghiệp công nghệ ở con số 1.500 và các đơn vị này hoạt động trong cộng đồng mang tên Tech in Asia do ngân hàng Nhật Bản SoftBank Group Corp hậu thuẫn về tài chính.
Giống tại Indonesia, công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đang phát triển mạnh cho dù thường họ ít nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ liên quan đến vấn đề pháp lý. Còn về kinh phí (tiền), hầu như mọi công ty khởi nghiệp phải tự thân vận động, hoặc tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài hay tư nhân trong nước.
Reuters cho hay, hồi năm ngoái, Trung Quốc chi 6,5 tỷ USD cho các quỹ đầu tư dành cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng sạch, còn Ấn Độ là 1,5 tỷ USD.
"Tôi có kế hoạch phát triển công ty của mình trong 5 năm và rồi bán nó đi", Quân tại Beeketing nói.
Hầu hết công ty khởi nghiệp hiện nay của Việt Nam đều hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce), một mảng thị trường mà doanh thu đã tăng 35% trong năm 2015 lên mức 4 tỷ USD.
Hỗ trợ thương mại điện tử cũng là một trong những loại hình khởi nghiệp có liên quan đến công nghệ, chẳng hạn như dịch vụ Giaohangnhanh giúp giảm chi phí dành cho công tác logistics của các đơn vị bán hàng, kinh doanh trực tuyến.
Ngoài ra, có thể kể đến ứng dụng tìm món ăn như Lozi vốn vừa nhận được một khoản đầu tư tổng cộng "ở mức 7 chữ số" từ DesignOne (Nhật) và Golden Gate Ventures (Singapore).
Trần Minh Sơn, một trong bốn sáng lập viên của Lozi, từng có thời gian theo học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) trước khi tham gia phát triển ứng dụng này.
Sau 4 năm vận hành, Lozi hiện có khoảng 600.000 thành viên đăng ký và thu hút khoảng 4 triệu lượt người dùng truy cập hằng tháng.
Theo PC World