|
Chủ tế Phạm Phú Oanh cầm dao chuẩn bị vạch đài thề. |
Lễ hội Minh thề (hay còn gọi là Miêng thề - lời thề bằng miệng) vô cùng độc đáo với lời thề không tham nhũng!
Lời thề không tham nhũng
Ông Nguyễn Văn Điều (74 tuổi) là người con xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy kể từ khi về hưu đã nhiều năm liền gắn bó với Lễ hội Minh Thề chia sẻ: “Lễ hội trở thành phong tục truyền thống của bà con nhân dân dịp đầu xuân năm mới, các thế hệ con cháu trong làng đều được giáo dục về ý nghĩa của Lễ hội Minh Thề”.
Theo sách cũ, chùa Hòa Liễu được xây dựng từ thế kỷ 13 tại làng Lan Niểu (nay là thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên). Đến thế kỷ 16, vợ của Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung là bà Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã vận động hoàng thân, quốc thích góp tiền tu sửa chùa cổ, mua đất cúng Tam bảo được hơn 47 mẫu ruộng, bản thân bà cũng bỏ tiền mua 25 mẫu cho dân đinh cày cấy hưởng lộc, giải quyết khó khăn cho những gia đình binh lính.
|
Con dao bầu được chủ tế cắm mạnh vào giữa vòng tròn đài thề - một biểu tượng của sự trong sạch - thề không tham nhũng |
Ông Phạm Đăng Khoa, 80 tuổi - nguyên Phó Ban quản lý Khu di tích Đền chùa Hòa Liễu, người được mệnh danh là pho sử sống của làng – cho biết: Từ ngày ấy, với gần 50 mẫu ruộng được chia cho nhiều thành phần: Ngoài các cụ cao niên trong làng và những gia đình binh lính, những gia đình được cấp đất sản xuất phải chia lợi nhuận để lo hương đăng trong chùa, sửa chữa đường sá, lập quỹ nghĩa thương... Vì vậy, bà Thái hoàng Thái hậu cùng với dân làng bàn cách giữ gìn của công bằng tín ngưỡng dân gian - lễ hội Minh thề ra đời. Hịch văn Minh thề quy định lấy chí công làm trọng, không xâm phạm của công.
Theo đó, vào ngày 14 tháng giêng, làng lập Đài thề tại miếu thờ Thành hoàng (ngay khuôn viên khu đền chùa Hòa Liễu hiện nay). Những người phải thề gồm chánh tổng, lý trưởng, các chức sắc và người dân trong làng được cấp ruộng. Mở đầu, chủ lễ và các vị bồi lễ đọc chúc văn công đức của Thánh vương, làm lễ dâng rượu, nước rồi tập trung trước miếu.
Tại đây, chủ lễ cầm dao bầu làm động tác chỉ trời vạch đất, vẽ một vòng tròn lớn đường kính 2 mét để làm đài thề. Đại diện tư văn dõng dạc đọc “ Minh thề” có hịch văn: “ Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên, ai lấy của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy cả công về làm của tư, cầu thần linh đả tử...”.
Lời thề ấy vang lên trong hội thề Hòa Liễu hàng năm đã góp phần tạo dựng nên đạo lý “Chí công vô tư”, tinh thần tận trung, tận hiếu để dân làng Hòa Liễu đứng vững trược mọi thử thách cam go trong lịch sử trường tồn.
Sau khi mọi người cùng hô vang “Y như lời thề” vị chủ tế cầm dao bầu vắm mạnh xuống trong vòng trời “Đài thề” biểu thị sự quyết tâm. Tiếp đến là nghi lễ cắt tiết gà để uống máu ăn thề diễn ra theo truyền thống. Máu gà trống được hòa vào bình rượu lớn, mỗi người chuyền tay nhau uống một ngụm khẳng định sự đoàn kết thực hiện đúng lời thề.
Chỉ muốn là lễ hội của riêng xã Thuận Thiên
Lễ hội Minh Thề năm nay đã được xã Thuận Thiên mở rộng quy mô và tổ chức trang trọng. Chủ tế của lễ hội vẫn là ông trưởng làng Phạm Phú Oanh - người nhiều năm liền thức hiện nghi lễ vẽ đài thề, cắt tiết gà và là người đầu tiên uống rượu hoà tiết gà. Người đọc hịch văn với giọng hào sảng là anh nông dân Nguyễn Văn Cường.
Với ý nghĩa lớn lao của lễ hội, sư trụ trì chùa Hòa Liễu - sư thầy Thích Diệu Tuyên - nhấn mạnh: Chí công vô tư là đức tính tự bản thân mỗi người rèn luyện, tu tập, lễ hội Minh Thề vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa mang ý nghĩa tuyên truyền giáo dục, là sinh hoạt văn hóa tinh thần giúp bà con nhân dân thêm gắn bó với truyền thống quê hương từ ngàn đời.
Sư thầy Thích Diệu Tuyên cũng mong muốn mọi người biết đến Lễ hội Minh Thề như một nét đẹp truyền thống ở xã Thuận Thiên có, để lễ hội mang một ý nghĩa nhân văn.
Tuy nhiên, khi trao đổi về việc có thể mở rộng quy mô lễ hội, để các quan chức cùng thề khi về dự lễ hội, hoặc có thể tổ chức cho các quan chức trước khi nhậm chức hay không, một lãnh đạo huyện Kiến Thuỵ cho biết: Đây là lễ hội của làng thì để bà con trong làng thề, vì đó là truyền thống của địa phương!
Một số hình ảnh về buổi lễ:
|
Các cụ cao niên trong làng chuẩn bị bước vào đài thề để thề |
|
Nghi lễ thực hiện lời thề được tổ chức trước bà con nhân dân trong làng |
|
Anh nông dân Nguyễn Văn Cương đọc hịch văn minh thề bằng chất giọng hào sảng |
|
Chủ tế cũng là người thực hiện nghi lễ cắt tiết gà hoà vào hũ rượu |
|
Các cụ cao niên trong làng uống rượu thề |