|
Đã có phương án xử lý OceanBank |
Lược sử hình thành “ngân hàng 0 đồng”
Cái tên “ngân hàng 0 đồng” xuất phát từ năm 2015 khi 3 ngân hàng thương mại gồm Ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay là CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) bị Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc với giá 0 đồng/cổ phần.
Đây là sự việc chưa có tiền lệ nhưng đã có hành lang pháp lý, như Điều 149 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010, Quyết định số 255/2012/QĐ-TTg, Quyết định 254/2012/QĐ-TTg và Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Điều đó cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước đã có tính toán đến kịch bản xấu này, khi ngân hàng yếu kém đến mức không thể tự tái cơ cấu (như trường hợp TienPhongBank), không thể sáp nhập vào ngân hàng mạnh (như trường hợp sáp nhập Habubank vào SHB), cũng không thể sáp nhập các ngân hàng yếu kém với nhau (như trường hợp SCB), bởi gánh nặng nợ xấu lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu không những âm hàng nghìn tỷ mà còn có thể tiếp tục thua lỗ thêm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Phá sản ngân hàng là một phương án, nhưng đặt trong bối cảnh hệ thống ngân hàng “mới ốm dậy” ở thời điểm đó, hệ lụy có thể rất khủng khiếp cho nền kinh tế.
Nhìn lại, giai đoạn 2000 – 2010, tăng trưởng tín dụng bình quân tại Việt Nam lên đến 31,55% mỗi năm, trong đó đỉnh điểm là năm 2007 với mức tăng trưởng tín dụng lên đến 53,89%. Nguồn tiền quá lớn được “bơm” vào nền kinh tế khiến lạm phát “bùng nổ”, lãi suất vọt lên hàng chục phần trăm khiến dòng tiền ồ ạt rút khỏi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản để trở về với kênh ngân hàng, nền kinh tế đã chao đảo lại càng xáo trộn hơn khi chính sách áp trần lãi suất huy động tỏ ra không hiệu quả, các ngân hàng thường xuyên “vượt rào” bằng các hình thức khác nhau, phổ biến nhất là chi trả lãi ngoài. Mạch máu của nền kinh tế bị rối loạn, thậm chí tắc nghẽn, những “khối u” từ từ lộ ra, trong đó có bộ ba “ngân hàng 0 đồng”.
Trên thực tế, trong số 3 “ngân hàng 0 đồng”, có 2 ngân hàng đã vào danh sách “ngân hàng yếu kém” buộc phải tái cơ cấu từ tháng 10/2011 theo quyết định của Trung ương Đảng. Đó là GPBank và Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), sau được đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Cả 2 ngân hàng này đều tự tái cơ cấu, không sử dụng nguồn lực ngân sách mà sử dụng nguồn lực tư nhân và đều không thành công, thậm chí còn để lại nhiều hệ lụy hơn, đặc biệt là trường hợp của VNCB.
Trở về quá khứ, tại đại hội đồng cổ đông diễn ra vào tháng 1/2013, Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh chính thức trở thành đối tác chiến lược, tham gia tái cơ cấu TrustBank. Đến tháng 5/2013, TrustBank đổi tên thành VNCB “nhằm nâng tầm thương hiệu, phù hợp với chiến lược phát triển là đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và ngành xây dựng”, theo thông tin từ ngân hàng thời điểm đó.
Ngày 29/7/2014, ba lãnh đạo VNCB gồm ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT), ông Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc, thành viên HĐQT) và ông Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, thành viên HĐQT) đã bị khởi tố và bắt tạm giam để phục vụ điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (theo Điều 165 Bộ Luật hình sự).
Theo cáo trạng, Phạm Công Danh lập hồ sơ khống để thực hiện đề án nâng cấp hệ thống Corebanking để rút 63,2 tỷ đồng của VNCB; ký các hợp đồng khống để thuê mặt bằng tại đường Tô Hiến Thành và Sư Vạn Hạnh, sau đó lấy 581 tỷ đồng từ VNCB trả cho các hợp đồng khống này để trả lãi cho các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và một số khoản nợ khác. Sau đó, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và bán 900 trái phiếu (trị giá 900 tỷ đồng) này cho 3 công ty từ nguồn tiền của VNCB rồi chuyển tiền cho Danh sử dụng.
Ngoài ra, Phạm Công Danh còn rút 5.490 tỷ đồng từ tiền gửi của khách hàng vào VNCB mà không có chữ ký của khách hàng là bà Trần Ngọc Bích, gây thiệt hại cho VNCB. Vì cần tiền trả nợ, Phạm Công Danh đã ký các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu khống để rút 4.700 tỷ đồng của VNCB để trả nợ cho nhiều nhóm khác nhau. Chỉ trong 2 năm (từ năm 2012 đến 2014), tổng số tiền mà Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB đến thời điểm khởi tố vụ án là hơn 9.000 tỷ đồng.
Câu chuyện của OceanBank lại có phần khác biệt. Song song với việc chất lượng tín dụng gặp vấn đề như nhiều ngân hàng khác, OceanBank chịu tác động nặng nề bởi sự phụ thuộc vào nguồn tiền từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và chính sách chi trả lãi ngoài. Chi trả lãi ngoài thời điểm đó là vi phạm pháp luật nhưng nếu dừng chi trả, thanh khoản của OceanBank sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khách hàng ồ ạt rút tiền, và thực tế điều này đã diễn ra. Trong giai đoạn 2010-2014, đã có hơn 51.000 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại OceanBank và nhận các khoản tiền chi ngoài hợp đồng tiền gửi, hoặc lãi ngoài của sổ tiết kiệm từ OceanBank.
Bị ép hai đầu, OceanBank không thể chống đỡ nổi, nhất là khi các lãnh đạo lần lượt bị bắt.
Trước đó, OceanBank từng là một hiện tượng của ngành ngân hàng khi chỉ trong vài năm từ 2007 đến 2010, ngân hàng này đã tăng vốn điều lệ lên gấp gần 24 lần dù nền kinh tế cũng như ngành ngân hàng vật lộn với khó khăn. Cụ thể, năm 2006 sau hai lần tăng vốn, vốn điều lệ của OceanBank tăng từ 71 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng. Chưa đầy một năm sau, trải qua hai lần tăng vốn, vốn điều lệ của ngân hàng này đã lên đến 1.000 tỷ đồng. Để đáp ứng quy định về vốn điều lệ tối thiểu, năm 2008 và năm 2010, OceanBank đã tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng rồi 4.000 tỷ đồng.
Cùng với sự tăng nhanh của vốn điều lệ, quy mô tổng tài sản của OceanBank cũng tăng mạnh, từ khoảng 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2006 lên 13.680 tỷ đồng năm 2007 và 55.138 tỷ đồng năm 2010.
Từ phương án tạm thời…
Mua ngân hàng với giá 0 đồng là giải pháp cực chẳng đã, chủ yếu nhằm ổn định hệ thống, tránh đổ vỡ dây chuyền trong bối cảnh sức khỏe ngành ngân hàng cũng như nền kinh tế còn yếu, niềm tin của người dân chưa vững vàng sau nhiều năm “giông tố”.
Vietcombank là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước “cắt cử” hỗ trợ VNCB trước và sau khi ngân hàng này bị mua với giá 0 đồng. Trong buổi lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Vietcombank và VNCB diễn ra vào tháng 8/2014, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nguyễn Hòa Bình chia sẻ: “Không có gì tồi tệ hơn sự mất niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Vietcombank có đủ nguồn lực, nhân lực, vật lực để hỗ trợ VNCB về thanh khoản, xử lý nợ xấu, phát triển tín dụng đúng hướng”.
Sau đó, hàng loạt đồn đoán về việc Vietcombank sẽ “tiếp nhận” VNCB xuất hiện trên thị trường nhưng mãi cho đến cuối năm 2021, phương án này vẫn chưa lộ diện rõ ràng. Dù rằng trong thời gian đó, một ngân hàng “có vấn đề” là MHB đã được sáp nhập vào một “ông lớn” quốc doanh khác là BIDV.
Tương tự như Vietcombank, VietinBank là ngân hàng được chỉ định tham gia tái cơ cấu OceanBank và GPBank. Cho đến nay, các ngân hàng 0 đồng tương đối ổn định về thanh khoản nhưng còn xa mới có thể vực dậy được. Bằng chứng là từ khi được tái cơ cấu, các ngân hàng 0 đồng vẫn liên tục lỗ nặng.
Suốt những năm qua, “phá sản ngân hàng” vẫn là “phương án cuối cùng của cuối cùng”, “đảm bảo quyền lợi người gửi tiền” vẫn là “nhiệm vụ chính trị”. Nhiều phương án khác nhau đã được tính đến như bán ngân hàng 0 đồng cho nước ngoài, tìm nguồn lực tư nhân để tái cơ cấu… nhưng ánh sáng vẫn chỉ le lói cuối đường hầm. Thế nhưng, xử lý ngân hàng 0 đồng càng ngày càng không thể trì hoãn!
Trong nhiệm kỳ của nữ thống đốc đầu tiên trong lịch sử, phương án tái cơ cấu CBBank (tiền thân là VNCB) và OceanBank đã hiện ra rõ nét.
Báo cáo “Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022” của Chính phủ công bố gần đây cho biết, đã có phương án xử lý đối với CBBank và OceanBank.
Thực ra, thông tin này đã xuất hiện trong dự thảo báo cáo trên, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ vào ngày 6/4/2022. Nhiều thông tin về việc tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng cũng đã rò rỉ trước đó, thậm chí từ chính lãnh đạo ngân hàng tham gia tái cơ cấu.
Mọi sự dần tỏ tường trong mùa đại hội đồng cổ đông. Không còn là đồn đoán, không còn là “dự kiến”, đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Vietcombank và MB đã thông qua tờ trình nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém.
Nếu như trường hợp của Vietcombank không có gì bất ngờ, đơn giản chỉ là nối tiếp công việc trước đây, thì việc MB nhận chuyển giao bắt buộc “ngân hàng 0 đồng” lại gây không ít băn khoăn. Một cổ đông phát biểu trong đại hội diễn ra ngày 25/4 thậm chí còn ví “ngân hàng 0 đồng” như “khúc xương” và sợ rằng việc tái cơ cấu sẽ thất bại.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, câu chuyện lợi ích – rủi ro khi tái cơ cấu ngân hàng yếu kém đã rất khác.
… đến xử lý dứt điểm
Trước đây, việc ngân hàng “khỏe mạnh” nhận tái cơ cấu ngân hàng yếu kém phần nhiều là “nhiệm vụ chính trị”. Họ phải hợp nhất báo cáo tài chính, mất nhiều nguồn lực cả về thời gian và tiền bạc để xử lý, chấp nhận bỏ qua nhiều cơ hội kinh doanh tốt; đổi lại chủ yếu là sự gia tăng cơ học về quy mô. Nhìn chung, về cơ bản, hệ thống ngân hàng được lợi thay vì ngân hàng nhận tái cơ cấu được lợi.
Hiện nay đã khác. Việc nhận tái cơ cấu “ngân hàng 0 đồng” không chỉ đem lại nhiều lợi ích mà còn giảm thiểu nhiều rủi ro. Những điều này được đề cập khá rõ trong tờ trình về việc nhận chuyện giao bắt buộc một tổ chức tín dụng mà Vietcombank gửi đến các cổ đông.
Cụ thể, ngân hàng yếu kém sẽ không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính vào Vietcombank. Vietcombank không cần góp vốn trong thời gian ngân hàng yếu kém còn lỗ lũy kế, không phải chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của ngân hàng yếu kém trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.
Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, Vietcombank sẽ được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15%/25% vốn tự có của Vietcombank đối với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan của Vietcombank; cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm; tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế cho Vietcombank trong suốt thời gian ngân hàng yếu kém chưa hết lỗ luỹ kế.
Vietcombank được phát hành trái phiếu dài hạn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ngay sau khi nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém; được trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ để tăng vốn tự có (trong các năm xử lý lỗ lũy kế của ngân hàng yếu kém); được mở thêm chi nhánh/phòng giao dịch trên các địa bàn tỉnh thành phố với số lượng tối thiểu bằng ngân hàng thương mại có vốn nhà nước có số chi nhánh/phòng giao dịch thấp nhất trên địa bàn.
Cùng với đó, các giao dịch liên quan đến tài sản có với ngân hàng yếu kém được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm của Vietcombank nếu Vietcombank đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.
Việc được mở rộng hạn mức tăng trưởng tín dụng cũng là lợi ích lớn nhất mà MB quan tâm khi nhận tái cơ cấu “ngân hàng 0 đồng”. “Trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu tăng trưởng của chúng ta đang lớn hơn khả năng được Ngân hàng Nhà nước cho phép. MB có thể tăng trưởng dư nợ tín dụng 30-35% nhưng chỉ được phép tăng 20-25%”, Tổng giám đốc MB Lưu Trung Thái chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta nhận việc khó nhưng chúng ta giúp ích cho xã hội, được sự ủng hộ của Ngân hàng Nhà nước, từ đó có không gian phát triển mới”.
Tất nhiên, các “ngân hàng 0 đồng” là “khúc xương khó nhằn” hơn hầu hết các ngân hàng yếu kém từ trước đến nay, nên lợi ích song hành cũng phải rất lớn mới thu hút được đối tác tham gia tái cơ cấu. Nhưng phải nói rằng, với lợi ích “khổng lồ” như vậy, nhiều ngân hàng cũng phải cân nhắc cơ hội này.
Như trường hợp của VPBank, ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao bậc nhất hệ thống này cũng đang nghiên cứu nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Ở góc nhìn khác, nếu VietinBank không bị “trói chân trói tay” bởi tỷ lệ an toàn vốn thấp và cạn dư địa để tăng tỷ lệ an toàn vốn, thì có lẽ ngân hàng này cũng không bỏ qua cơ hội lần này, nhất là khi VietinBank đã đồng hành với 2 “ngân hàng 0 đồng” là OceanBank và GPBank trong nhiều năm qua.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, hơn 4,3 tỷ cổ phiếu đã biểu quyết đồng ý với tờ trình việc Vietcombank nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, chiếm trên 90% tổng số cổ phiếu đang lưu hành và trên 95% tổng số cổ phiếu tham gia đại hội đồng cổ đông thường niên 2022. Điều đó có nghĩa là cổ đông chiến lược Mizuho Bank đã chấp thuận tờ trình trên. Có nhiều lý do đằng sau quyết định này, nhưng hẳn Mizuho Bank cũng đã phần nào bị thuyết phục bởi những lợi ích mà Vietcombank nhận được.
Theo ước tính của Tổng giám đốc MB Lưu Trung Thái, có thể mất khoảng 8 năm để giải quyết lỗ lũy kế cho “ngân hàng 0 đồng”. Nếu tái cơ cấu thành công, có 3 phương án có thể thực hiện tiếp sau đó. Một là sáp nhập ngân hàng tái cơ cấu vào MB, hai là bán đi như một khoản đầu tư, ba là IPO để đưa ngân hàng đó thành ngân hàng thương mại cổ phần. Nếu tái cơ cấu thất bại, MB không được trả lại ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc.
Tuy nhiên, 8 năm là khoảng thời gian dài, có thể xảy ra những thay đổi đáng kể trong bối cảnh kinh tế vĩ mô. Vì vậy, phải mất vài năm nữa, cục diện thắng - thua trong cuộc tái thiết này mới dần hiện ra rõ nét.
Theo VietnamFinance