Cổ đông MBBank chấp thuận 'giải cứu' ngân hàng yếu kém

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi hoàn tất tái cơ cấu TCTD nhận chuyển giao bắt buộc, MB có thể sáp nhập ngân hàng này để tăng quy mô, có thể bán đi như một khoản đầu tư hoặc IPO thành ngân hàng cổ phần, theo lãnh đạo ngân hàng MB.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của MB
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của MB

Ngân hàng TMCP Quân Đội (Mã CK: MBB) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (AGM 2022).

Theo đó, AGM 2022 của MB đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với một số chỉ tiêu như: tổng tài sản đạt 700.000 tỉ đồng, tăng 15%; dư nợ tín dụng tăng trưởng khoảng 16%, đạt 472.600 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 20.300 tỉ đồng, tăng 23% so với thực hiện năm 2021.

Trong năm 2022, MB sẽ tăng vốn điều lệ thêm 9.099 tỉ đồng, từ 37.783 tỉ đồng lên 46.882 tỉ đồng, thông qua chào bán 70 triệu cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược (Viettel), phát hành 19,24 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỉ lệ 20% và phát hành 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Một trong những nội dung làm nóng AGM 2022 của MB là việc nhà băng này sắp nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, được tin rằng là OceanBank.

Theo Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB, dự án tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém này đã tồn tại 7 năm nhưng vẫn chưa được triển khai. “Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng, song chúng ta nhận được sự ủng hộ của NHNN. Về dài hạn, nhiệm vụ này sẽ đem lại cộng hưởng lớn cho MB tăng trưởng”, ông Thái nói.

Tổng giám đốc MB nhận định, việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng có thể giúp MB tăng trưởng quy mô cao hơn so với bình quân thị trường từ 1,5 – 2 lần trong thời gian phù hợp, dự kiến từ 3-5 năm.

“Dự án này cũng có thể coi như một nhiệm vụ chính trị, không ai ép buộc MB làm việc này nhưng MB vẫn tự nguyện bởi nhu cầu tăng trưởng của MB đang lớn hơn nhiều so với mức tăng trưởng mà NHNN cho phép” ông Thái nói và đánh giá MB hiện nay có thể tăng trưởng từ 30-35% mà vẫn đảm bảo an toàn.

Tổng giám đốc MB cho biết chỉ nhận chuyển giao ngân hàng có quy mô dưới 10% tổng tài sản của MB và lỗ lũy kế không quá 20.000 tỉ đồng. "Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng nhận chuyển giao rơi vào khoảng 47%", ông Thái chia sẻ.

Ông Lưu Trung Thái ước tính, khoảng 7-8 năm có thể giải quyết dứt điểm lỗ lũy kế của nhà băng này. Ngân hàng chuyển giao sẽ được vay một khoản tiền với lãi suất 0% trong thời gian tới cơ cấu.

Cũng theo vị lãnh đạo MB, thương vụ này MB không phải bỏ tiền mà hoàn toàn nhận chuyển giao ‘0 đồng’ từ Nhà nước. Sau khi hoàn tất tái cơ cấu, MB có thể sáp nhập ngân hàng này để tăng quy mô, có thể bán đi như một khoản đầu tư, hoặc IPO thành ngân hàng cổ phần./.