Hội nghị thượng đỉnh Joe Biden-Tập Cận Bình: Ai có lợi thế hơn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách tái lập vị trí lãnh đạo của nước Mỹ, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa củng cố vị thế trong nước và có chính sách kiện định đối với Mỹ.
Ảnh minh họa (Ảnh: Lau Ka-kuen/SCMP)
Ảnh minh họa (Ảnh: Lau Ka-kuen/SCMP)

Đã từng có thời điểm mà mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngọt ngào. Vào năm 2012, tại Los Angeles, ông Tập Cận Bình – lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch Trung Quốc – còn nếm thử món chocolate phủ hạt macca trong một cuộc họp với ông Joe Biden – lúc đó là Phó Tổng thống Mỹ dưới thời ông Barack Obama.

Cuộc họp đó là một phần trong chuyến công du kéo dài 5 ngày tới Mỹ. Cuối chuyến thăm này, ông Biden công khai ngợi khen ông Tập vì thể lực tốt, sự quan tâm của ông đối với nước Mỹ và mong muốn gặp gỡ người dân Mỹ của ông.

Chỉ trong vòng 1 thập kỷ, cả ông Biden và ông Tập đều trở thành lãnh đạo của đất nước họ, thế nhưng mối quan hệ song phương lại không còn ngọt ngào như trước.

Trong vòng vài năm gần đây, Trung Quốc và Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lẫn nhau, đưa ra nhiều tín hiệu cảnh báo về quân sự, thiết lập hàng rào thuế quan nhằm vào hàng hóa của nhau, và liên tục cáo buộc lẫn nhau về mọi thứ: từ các cam kết về biến đổi khí hậu cho tới việc xử lý đại dịch COVID-19.

Và trong ngày 15/11, ông Tập và ông Biden sẽ một lần nữa đối diện với nhau trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến. Cả hai nhà lãnh đạo đều muốn vận dụng sức mạnh của mình để giành lợi thế. Vậy ai sẽ là người “trên cơ” trong cuộc gặp lần này?

Vị thế trong nước và ở nước ngoài

Tổng thống Mỹ Joe Biden đến với hội nghị lần này sau khi đã tham gia một loạt sự kiện, bao gồm chuyến công du châu Âu để tái khẳng định vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, nhiều chặng dừng chân khác khi tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome và hội thảo về biến đổi khí hậu của LHQ ở Glasgow. Tại những sự kiện này, Tổng thống Biden cũng chỉ rõ việc ông Tập vắng mặt.

Chủ tịch Tập Cận Bình vốn nổi tiếng là người có lịch trình công du quốc tế dày đặc, nhưng lại chưa từng rời khỏi Trung Quốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào năm ngoái, bởi vậy mà không thể gia tăng tầm ảnh hưởng ngoại giao của cá nhân mình. Trung Quốc cũng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ hơn về các vấn đề thương mại, nhân quyền và Đài Loan.

Tuy nhiên, vị thế của ông Tập ở trong nước lại vững chắc hơn bao giờ hết. Tại ngày họp cuối cùng của Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tuần trước, một nghị quyết lịch sử được thông qua. Đây được xem là một văn kiện nhằm củng cố hơn nữa quyền lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, củng cố thêm khả năng đạt nhiệm kỳ thứ 3 của ông.

Ngược lại, chỉ 10 tháng của nhiệm kỳ đầu tiên, ông Biden đang chịu sức ép ghê gớm ở trong nước, tỷ lệ ủng hộ ông giảm tới mức kỷ lục trong các cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ. Kết quả bầu cử một số vị trí Thị trưởng hồi tuần trước cũng cho kết quả đáng ngại đối với đảng Dân chủ.

“Kết quả bầu cử mới đây không quá tốt với đảng Dân chủ” – Pang Zhongying, chuyên gia quan hệ quốc tế tại ĐH Đại Dương Trung Quốc, nhận định – “Trong khi vị thế của ông Tập vừa được củng cố, ông Biden lại đang đối mặt với sức ép bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ.”

Lu Xiang, một chuyên gia về các vấn đề Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội, nói rằng kết quả các cuộc thăm dò ở Mỹ cũng cho thấy sự ủng hộ dành cho Tổng thống Biden đang giảm dần.

Trong cuộc thăm dò mà CNN thực hiện hồi tuần trước, 58% người được hỏi nói rằng ông Biden không quan tâm đúng mực tới các vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ ông chỉ là 15%, giảm từ mức 34% trong tháng 4/2021.

Ông Lu cho rằng nếu xét về sự ủng hộ trong nước thì ông Tập có lợi thế hơn so với ông Biden. “Trên trường quốc tế, các liên minh dân chủ và các giá trị chung không phải là thứ mà người dân Mỹ quan tâm nhất. Cuộc thăm dò của CNN cho thấy rằng ông Biden đang không tập trung vào đúng vấn đề”, ông nói.

Vị chuyên gia thêm rằng, Trung Quốc có một chính sách về Mỹ rất kiên định, và sự kiên định đó cũng là một thứ sức mạnh. “Trên khía cạnh này, sức mạnh không đến từ số lượng chiến hạm hay chiến đấu cơ đang được chế tạo, mà xét về sự kiên định thì Trung Quốc có nhiều sức mạnh hơn”, ông nói.

Ngang bằng nhau

Robert Daly – Giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ trực thuộc Trung tâm Wilson, hãng phân tích có trụ sở tại Washington – cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều có vị thế ngang bằng nhau, không ai trên cơ ai, trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngày 15/11.

“Ông Tập đã củng cố được vị thế của mình ở trong nước, nhưng những vấn đề ở Tân Cương hay Hong Kong lại đang làm tổn hại vị thế của ông trên trường quốc tế” – ông Daly nhận định.

Ông Daly thêm rằng, mặc dù ông Biden đang phải đối diện với một đất nước bị chia rẽ sâu sắc, nhưng ông lại được cộng đồng quốc tế coi là nhà lãnh đạo toàn cầu nhiều hơn nếu so với ông Tập, và cả người tiền nhiệm Donald Trump.

“Có khả năng là cả hai nhà lãnh đạo đều không đàm phán ở một vị trí sức mạnh rõ ràng” – ông Daly nói – “Cả ông Biden và ông Tập đều không xem xét lại những lợi ích hay chiến lược quốc gia trước hội nghị này. Cả hai bên đều đang tìm kiếm một công thức để thuyết phục bên còn lại chấp nhận những chính sách của mình, theo điều khoản của mình.”

Còn theo ông Pang, cả hai bên chắc chắn sẽ không muốn thừa nhận rằng bên còn lại có lợi thế. Nhưng do ông Biden đang tìm cách tái lập vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ nên Washington sẽ dựa vào những lợi ích mà các khối liên minh của họ có thể mang tới.

“Mỹ có lợi thế về hệ thống đồng minh” – ông Pang nói – “Giờ họ có AUKUS, NATO và rồi lại có vị trí lãnh đạo trong G7 và G20 một lần nữa.”

Tháng 12 tới đây, ông Biden dự kiến sẽ tổ chức 2 “Hội nghị thượng đỉnh vì Dân chủ” quy tụ các nhà lãnh đạo, đáng chú ý trong số đó là nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Chính quyền Bắc Kinh đã gọi hội nghị thượng đỉnh này là âm mưu của Washington nhằm gây chia rẽ giữa các tư tưởng hệ. Liên minh mới AUKUS giữa Anh, Mỹ và Australia cũng khiến Bắc Kinh tức giận.

Vấn đề là kinh tế

Trong bối cảnh mà nền kinh tế Mỹ đang có sự phục hồi nhất định, Tổng thống Biden có thể tận dụng những lợi thế kinh tế trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới; theo ông Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế đến từ ĐH Renmin ở Bắc Kinh, nhận định.

“Vấn đề của phía chúng tôi (Trung Quốc) là không khỏe về mặt tài chính như họ” – ông Shi nói – “Mỹ có gói kích thích 1,9 nghìn tỉ USD từ lâu rồi và đã phê duyệt thêm gói cơ sở hạ tầng 1,2 nghìn tỉ USD. Nhưng dường như Trung Quốc lại không có những công cụ tài chính như vậy.”

Đà tăng trưởng kinh tế trong Quý 3 của Trung Quốc đã chậm lại, xuống còn 4,9% nếu so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7,9% trong Quý 2, làm dấy lên nhiều lo ngại về các vấn đề kinh tế.

Lo ngại về những rủi ro tài chính có hệ thống càng tăng kể từ khi Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc, đối diện với khoản lãi suất 336 triệu USD phải thanh toán trước cuối năm nay.

Theo SCMP