Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng – một phần là vì vấn đề Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh coi là một phần của họ, và các vấn đề khác như thương mại, nhân quyền…
Trong cuộc điện đàm hôm 12/11 với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị để thảo luận về quá trình chuẩn bị cho hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nêu quan ngại về việc Trung Quốc “gây sức ép về quân sự, ngoại giao và kinh tế” đối với Đài Loan. Ngược lại, ông Vương Nghị cảnh báo rằng những hành động của Mỹ bị xem là ủng hộ “sự độc lập của Đài Loan” và rất nguy hiểm.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia tuyên bố sẽ cùng Mỹ bảo vệ Đài Loan
Chính phủ Mỹ hiện rất thận trọng trong vấn đề Đài Loan, đặc biệt là không thể hiện sự công nhận của họ đối với hòn đảo này. Tuy nhiên, Washington lại thể hiện rõ sự ủng hộ Đài Loan, vấn đề nhận được sự nhất trí của lưỡng đảng, trong đó một nhóm các nhà lập pháp Mỹ đã đến thăm Đài Loan trong tháng này, khiến Bắc Kinh tức giận.
“Mọi sự bao che và ủng hộ cho các thế lực “độc lập Đài Loan” đều làm xói mòn hòa bình trên eo biển Đài Loan và sẽ chỉ phản tác dụng” – ông Vương Nghị nói với ông Blinken trong cuộc điện đàm.
Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự gần Đài Loan trong những năm gần đây, trong đó cử số lượng máy bay quân sự kỷ lục đi vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo này trong tháng 10 vừa qua. Trong khi đó, Washington liên tục đánh tín hiệu về sự ủng hộ của họ đối với Đài Loan khi phải đối mặt với cái mà họ mô tả là sự hung hăng của Trung Quốc.
Các nghị sĩ Mỹ đi máy bay quân sự tới thăm Đài Loan,Trung Quốc phản đối, cho máy bay áp sát Đài Loan
Tổng thống Biden hầu như vẫn duy trì hướng tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc so với người tiền nhiệm Donald Trump, trong khi cả hai đời chính quyền đều coi Trung Quốc là thách thức hàng đầu của Mỹ trong thế kỷ 21.
Mặc dù hai nước phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới đã đạt được một thỏa thuận bất ngờ trong tuần trước, nhưng Washington và Bắc Kinh vẫn khẳng định rằng họ sẽ không nhượng bộ trong những vấn đề nóng bỏng.
Giới chức Mỹ xem hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 15/11 như cơ hội để “quản lý cuộc cạnh tranh một cách có trách nhiệm”, cùng lúc thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên đều có lợi ích.
Tuần trước, Chủ tịch Tập cảnh báo về sự trở lại của tình trạng căng thẳng giống Chiến tranh Lạnh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Biden và ông Tập đã có 2 cuộc điện đàm kể từ khi ông Biden nhậm chức. Lãnh đạo Mỹ cũng từng gặp gỡ ông Tập khi còn là Phó Tổng thống trong chính quyền Barack Obama, và ông Tập giữ chức vụ Phó Chủ tịch dưới thời Hồ Cẩm Đào.
Tổng thống Biden từng mong muốn tổ chức cuộc gặp với ông Tập nhân Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Rome mới đây, nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không có mặt do đại dịch COVID-19, thay vào đó nhất trí tham gia các cuộc họp trực tuyến vào cuối năm nay.