|
Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam 2021 đặt mục tiêu giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong các khu đô thị, thành phố thông minh... |
Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - ASOCIO 2021 sẽ diễn ra từ ngày 2- 6/11 tới do Hiệp hội phối hợp với Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) đồng tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị dự kiến có sự tham dự của trên 10.000 đại biểu trong nước và từ 24 quốc gia, nền kinh tế thành viên của ASOCIO.
Cùng với phiên chuyên đề về chính quyền số, hội nghị đặc biệt nhấn mạnh vào các xu hướng công nghệ hiện đại được ứng dụng trong lĩnh vực thành phố thông minh. Trong đó có bất động sản thông minh, khu công nghiệp thông minh, nền tảng, giải pháp số cho thành phố thông minh, startup với thành phố thông minh.
Theo đánh giá của VINASA, tại Việt Nam, thành phố thông minh giúp tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội cũng là mục tiêu của Chính phủ, chính quyền các cấp.
Được biết, từ tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 950). Cả nước đang có gần 40 địa phương bắt tay vào xây dựng và phê duyệt các đề án, định hướng phát triển đô thị thông minh.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, hạ tầng giao thông và đô thị của Việt Nam trong khoảng 20 năm gần đây đã được đầu tư khá nhiều nhưng so với các nước trong khu vực nhưng vẫn chưa xứng tầm quy mô, vẫn cần thêm nhiều sự đầu tư về mặt tài chính, công nghệ, năng lực từ các bộ ban ngành. Bên cạnh đó, việc học hỏi áp dụng các công nghệ trụ cột mới như Trí tuệ nhân tạo (Al), Internet vạn vật (IoT), Xử lý dữ liệu lớn (Big Data), Công nghệ mạng 5G… cũng cần được đẩy mạnh với nền kinh tế đang phát triển và cơ cấu dân số trẻ và lực lượng kỹ sư công nghệ tài năng.
Trao đổi với PV trước thềm Hội nghị, các chuyên gia cho rằng đại dịch COVID-19 kéo dài trong 2 năm gần đây đã gây khó khăn và ảnh hưởng nặng nề đến toàn ngành kinh tế Việt Nam nhưng cũng là cơ hội để chính quyền các tỉnh, thành phố nhìn nhận lại các vấn đề, đưa ra các bài toán, đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến và khoa học đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực đô thị thông minh để có thể vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra, tiến tới phục hồi và phát triển.