|
Chiều 09/11, tại Trung tâm báo chí quốc tế, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì buổi họp báo công bố kết quả của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - |
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng nhất trí trước xu thế mới về công nghệ và toàn cầu hóa, kết nối sâu rộng hiện nay, và APEC cần tạo những động lực mới để tiếp tục đóng góp vào việc duy trì Châu Á- Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu. Trong đó, các Bộ trưởng đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cải cách cơ cấu để nâng cao năng suất, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm; thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp; trang bị các kỹ năng mới cho người lao động để thích ứng với việc làm trong kỷ nguyên số; ứng dụng khoa học công nghệ để đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp và nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được nhấn mạnh như những giải pháp hướng tới thực hiện mục tiêu này.
“Kết quả quan trọng nhất là Hội nghị đã thống nhất văn kiện và thông qua trình lãnh đạo 21 nền kinh tế tại Hội nghị thượng đỉnh về thu hẹp khoảng cách phát triển, đảm bảo các nền kinh tế phát triển bao trùm và mở ra cơ hội mới. Bốn văn kiện quan trọng sẽ trình tại Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các nền kinh tế APEC", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thông tin.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho biết, Hội nghị lần này cũng đã thống nhất các văn kiện mang tính định hướng chiến lược cho hợp tác APEC để trình lên các nhà lãnh đạo kinh tế Khu vực trong những ngày tới. Đó là các nội dung hợp tác rất thiết thực như thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm các nền kinh tế APEC phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; mở ra những tiềm năng phát triển mới cho khu vực thông qua đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng, hợp tác giáo dục; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, phụ nữ và thanh niên đóng góp vào việc phát triển kinh tế và thụ hưởng các lợi ích của thương mại tự do và tăng trưởng.
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế của các nền kinh tế thành viên đã đi đến thống nhất và đồng thuận cao về các nội dung hợp tác toàn cầu hóa. Các Bộ trưởng APEC thống nhất nội dung như: Khuôn khổ thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên quốc gia; Chiến lược APEC về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bền vững và sáng tạo; Kế hoạch hành động nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu giai đoạn 2018-2020; Chương trình hành động về phát triển nông thôn- đô thị nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng.
Với vai trò là đồng chủ trì Hội nghị AMM, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Anh Tuấn cho biết Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế (AMM) lần thứ 29 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã đi đến sự thống nhất và đồng thuận cao dù đã có những quan điểm bảo vệ riêng. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đại diện các nền kinh tế APEC đã đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Việt Nam trong những sáng kiến thúc đẩy phát triển, hợp tác toàn cầu.