Trường dự bị đại học Bhagat ở Haveri, thuộc bang Karnataka, Tây Nam Ấn Độ, đã thử nghiệm một biện pháp mới để ngăn ngừa tình trạng “quay bài” trong hôm thứ Tư tuần trước – theo ông M.B Sateesh, người đứng đầu trường học.
Trong lúc kỳ thi đang diễn ra, một nhân viên coi thi đã chụp lại được cảnh các thí sinh đang ngồi trên những hàng ghế chật hẹp, trên đầu đội thùng các-tông. Phần mặt trước của thùng các-tông được cắt để cho thí sinh nhìn thấy bàn trước mặt và bài kiểm tra, và hạn chế tầm nhìn xung quanh.
Phần trước của hộp các-tông có khoét một mảng để học sinh nhìn được bài thi của mình (Ảnh: CNN)
|
Các bức ảnh trên sau đó được một thành viên hội đồng thi đăng tải lên Facebook và gây sốt trong cộng đồng mạng. Ngay lập tức, ngôi trường nọ phải đối mặt với hàng loạt lời chỉ trích thậm tệ. Giới chức chính quyền bang sau đó nhập cuộc. Người đứng đầu ngành giáo dục của bang Karnataka, ông S. Suresh Kumar, viết trong một đoạn bình luận trên Twitter rằng hành động trên của nhà trường là “không thể chấp nhận”.
“Không ai lại có quyền đối xử với người khác như động vật như vậy, chưa kể là với học sinh” – ông Kumar viết – “Hành động sai trái này sẽ bị xử nghiêm”.
Theo ông Sateesh, phía trường học đã gửi bản tường trình lên chính quyền để giải thích về biện pháp thử nghiệm của họ kèm lời xin lỗi.
Ông Sateesh nhấn mạnh rằng biện pháp thử nghiệm trên mang tính chất tự nguyện, và cũng đã báo trước cho các bậc phụ huynh. Chỉ những học sinh nào có phụ huynh chấp thuận hình thức trên mới phải đội thùng các-tông. Trong số 72 học sinh tham gia kỳ thi giữa kỳ vào ngày hôm đó, chỉ có 56 em tham gia thử nghiệm – người này cho hay.
“Các em học sinh nói rằng không có vấn đề gì với cuộc thử nghiệm” – ông Sateesh trần tình – “Nhà trường không bắt ép học sinh, đây là biện pháp tự nguyện và không phải tất cả học sinh đều tham gia”.
Ngôi trường sau đó được xác nhận là trường dự bị đại học Bhagat ở Haveri, thuộc bang Karnataka, Tây Nam Ấn Độ (Ảnh: CNN)
|
Được biết, các em học sinh phải tự mang theo thùng các-tông đến kỳ thi, và một số học sinh cứ sau 15-30 phút lại được bỏ thùng ra một lần – ông Sateesh nói.
Trường Bhagat đã từng phải đối diện với vấn nạn “quay cóp” tràn lan hồi năm ngoái, điều này khiến trường phải đưa ra một số biện pháp ngăn chặn gian lận thi cử, như việc đội thùng các-tông nói trên.
Trong những năm gần đây, số lượng các vụ bê bối gian lận thi cử ở Ấn Độ tăng đột biến. Một trong số những vụ đáng chú ý nhất xảy ra vào năm 2015, khi các bậc phụ huynh ở bang Bihar trèo lên tường bao của các ngôi trường để chuyển đáp án thi cho con em họ.
Ở một nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ, giáo dục được xem như một thứ xa xỉ - bởi nó được coi như chìa khóa để giúp nhiều cộng đồng thoát nghèo. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc học sinh phải chịu sức ép lớn, không chỉ vượt qua kỳ thi mà còn phải đạt điểm số vượt kỳ vọng bằng mọi cách. Nhiều nhà phê bình chỉ ra sức ép này như nguyên nhân khiến cho nạn gian lận thi cử lan tràn.
Theo CNN