Học giả Trung Quốc tiết lộ nguyên nhân khiến Trung Quốc bỏ dở đàm phán thương mại với Mỹ hồi tháng 5

VietTimes --  Ông Kim Sán Vinh (Jin Canrong), Giáo sư, Phó giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, chuyên gia về vấn đề Mỹ tiết lộ: hồi tháng 5/2019, Trung Quốc đã đồng ý 80% nội dung của văn bản Hiệp định thương mại Trung - Mỹ, 20% yêu cầu còn lại Bắc Kinh cho rằng là “mối nhục nhã quốc gia”, nên quyết không đáp ứng. Trung Quốc  muốn Mỹ phải nhượng bộ về 20% nội dung này thì hai nước mới có thể ký được thỏa thuận.
Trung Quốc bỏ dở cuộc đàm phán thương mại với Mỹ hồi tháng 5 là do không chấp nhận "yêu cầu quá đáng" của phía Mỹ. Ảnh: Đa Chiều
Trung Quốc bỏ dở cuộc đàm phán thương mại với Mỹ hồi tháng 5 là do không chấp nhận "yêu cầu quá đáng" của phía Mỹ. Ảnh: Đa Chiều

Theo báo South China Morning Post (SCMP) của tỷ phú Mã Vân xuất bản ở Hồng Kông ngày 9/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ gặp lại Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Peru vào tháng 11. Giáo sư Kim Sán Vinh cho rằng, tại cuộc gặp gỡ của ông Donald Trump – Tập Cận Bình ở Peru tới đây, nếu Mỹ hạ thấp yêu cầu đối với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo hai nước có tới “60% đến 70%” cơ hội đạt được thỏa thuận về hiệp định thương mại.

Giáo sư Kim chỉ rõ, chỉ khi Washington có thể từ bỏ khoản 20% yêu cầu cuối cùng do Mỹ đưa ra - những yêu cầu Bắc Kinh không thể đồng ý, thì hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump mới có thể đạt được thỏa thuận tại cuộc gặp gỡ tiếp theo vào tháng 11. Ông nói rằng yêu cầu của Washington đã bị Bắc Kinh coi là xâm phạm chủ quyền.

Giáo sư Kim Sán Vinh, Phó Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc .
Giáo sư Kim Sán Vinh, Phó Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc .

Ông Kim Sán Vinh cảnh báo, đây không phải là chuyện 100%, nhưng cuộc đàm phán có thể bị phá vỡ. Nguyên nhân chính là Trung Quốc đã hứa sẽ có sự nhượng bộ rất lớn. Ông Kim nói, trước khi các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ bị đình trệ hồi tháng 5, Trung Quốc đã đồng ý với khoảng 80% yêu cầu của Mỹ, bao gồm “mua sản phẩm của Mỹ, mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư Mỹ và cải thiện chính sách ở một số lĩnh vực nhất định”.

Được coi là người có mối quan hệ rất tốt với giới lãnh đạo Bắc Kinh, ông Kim Sán Vinh tiết lộ, 20% yêu cầu cuối cùng mà Mỹ đưa ra đối với Trung Quốc, bao gồm: hoàn toàn từ bỏ quy hoạch chính sách công nghiệp “Made in China 2025”, hạ thấp tỷ trọng kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế tổng thể từ 38% xuống 20% và quán triệt thực hiện cơ chế kiểm tra thực hiện, cho phép Mỹ tiến hành điều tra sâu rộng về các tài khoản của chính phủ Trung Quốc ở tất cả các cấp.

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung tan vỡ hồi tháng 5/2019 là do Trung Quốc không chấp nhận các yêu cầu bị coi là "nhục quốc thể" của phía Mỹ. Ảnh: Reuters
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung tan vỡ hồi tháng 5/2019 là do Trung Quốc không chấp nhận các yêu cầu bị coi là "nhục quốc thể" của phía Mỹ. Ảnh: Reuters

Ông Kim nói, Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý với những yêu cầu này của Mỹ vì “điều này sẽ làm mất chủ quyền và làm đất nước mất mặt”.

Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) dự kiến sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến Washington vào đầu tháng 10 tới đây để tiến hành vòng đàm phán mới với phái đoàn Mỹ do Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer  và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu.

Hai ông Donald Trump - Tập Cận Bình có thể gặp lại nhau tại Peru vào tháng 11 tới. Ảnh: Đa Chiều
Hai ông Donald Trump - Tập Cận Bình có thể gặp lại nhau tại Peru vào tháng 11 tới. Ảnh: Đa Chiều

Ông Larry Kudlow, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, hôm 6/9 nói: việc giải quyết va chạm thương mại Mỹ - Trung có thể mất nhiều năm. Ông Kudlow nói với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng, mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã đàm phán về các vấn đề thương mại và sở hữu trí tuệ trong 18 tháng trời, nhưng nếu xét từ góc độ tính quan trọng thì thời gian đó không phải là dài; thời gian đàm phán có thể còn kéo dài hơn nhiều.

(Theo Đa Chiều)