Học giả Trung Quốc: Chính sách Trung Quốc của ông Biden khó quay lại thời Obama, bị 3 yếu tố cản trở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cử tri đoàn Mỹ ngày 14/12 đã bỏ phiếu chính thức xác nhận ông Joe Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Giáo sư Ngô Tâm Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu vấn đề Quốc tế, Đại học Phúc Đán Thượng Hải phân tích cho rằng việc Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược chủ yếu đã là nhận thức chung cả nước, ông Biden khó vượt ra nhưng có thể hợp tác trong một số vấn đề

Giáo sư Tiến sĩ Ngô Tâm Bá, Viện trưởng Nghiên cứ quốc tế Đại học Phúc Đán Thượng Hải (Ảnh: Huanqiu)
Giáo sư Tiến sĩ Ngô Tâm Bá, Viện trưởng Nghiên cứ quốc tế Đại học Phúc Đán Thượng Hải (Ảnh: Huanqiu)

Dưới ảnh hưởng của các vấn đề như chiến tranh thương mại, dịch bệnh và Hong Kong, một số ý kiến bình luận đã chỉ ra rằng quan hệ Trung - Mỹ đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất trong hơn 40 năm từ khi lập quan hệ ngoại giao. Thế giới bên ngoài cũng quan tâm tới việc Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ đề xuất chính sách của Trung Quốc như thế nào sau khi ông nhậm chức.

Tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc ngày 14/12 đã dẫn lời phân tích của nhà nghiên cứu, Giáo sư Tiến sĩ Ngô Tâm Bá, Viện trưởng Nghiên cứu quốc tế Đại học Phúc Đán phân tích cho rằng, quan hệ Trung-Mỹ có thể được hòa dịu hay không cần kiểm nghiệm khả năng của cả hai bên trong việc vượt qua sự can thiệp chính trị trong nước và kiểm soát sự lo lắng và bốc đồng chiến lược, "đặc biệt là đối với phía Mỹ".

Ngô Tâm Bá chỉ ra rằng chính sách Trung Quốc của Biden sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố: Thứ nhất, chính quyền Donald Trump đã chuyển từ "cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc" toàn diện sang "đối đầu chiến lược với Trung Quốc", dẫn đến quan hệ Trung-Mỹ bị "phá hoại toàn diện và lâu dài".

Thứ hai, trong bốn năm qua, nước Mỹ đã đồng thuận coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn và áp dụng một chính sách cứng rắn, điều đó thậm chí là "sự đúng đắn về chính trị".

Ngày 14/12, ông Joe Biden đã được cử tri đoàn bầu làm Tổng thống Mỹ với 306 phiếu đại cử tri (Ảnh: Getty).

Ngày 14/12, ông Joe Biden đã được cử tri đoàn bầu làm Tổng thống Mỹ với 306 phiếu đại cử tri (Ảnh: Getty).

Thứ ba, đội ngũ của Joe Biden bất đồng về vấn đề Trung Quốc, đồng thời có những ý kiến ​​"đối phó cứng rắn" và "hợp tác thực dụng", không dễ đạt được sự đồng thuận.

Nhưng Ngô Tâm Bá cho rằng ưu tiên hàng đầu của ông Biden là xử lý dịch bệnh và nền kinh tế Mỹ, chứ không phải tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc. Ngay cả trong việc cạnh tranh giữa Trung Quốc với Mỹ, ông Biden cũng chủ trương nâng cao “nội lực” của Mỹ, đảm bảo sức cạnh tranh, chứ không phải đánh sập Trung Quốc bằng mọi giá.

Ngô Tâm Bá phân tích cho có ba con đường khả thi cho chính sách Trung Quốc của Joe Biden: Thứ nhất là bỏ qua "cái bẫy Donald Trump", đề xuất tầm nhìn và chương trình nghị sự mới cho chính sách Trung Quốc; Thứ hai là tiếp tục khuôn khổ lớn chính sách của ông Trump và thực hiện một số điều chỉnh nhỏ; Thứ ba là gạt bỏ hoặc đóng băng các tranh chấp giữa Trung Quốc và Mỹ, tìm kiếm sự hợp tác thiết thực giữa hai nước trong các vấn đề dịch bệnh, biến đổi khí hậu, hoặc vũ khí hạt nhân.

Ngô Tâm Bá cho rằng con đường đầu tiên khó xảy ra, hai con đường sau có nhiều khả năng hơn.

Ông cho rằng ông Biden nắm quyền sẽ tạo cơ hội cho việc nới lỏng và điều chỉnh quan hệ Trung-Mỹ, nhưng điều đó vẫn phụ thuộc vào việc liệu hai bên có thể thiết lập lòng tin cơ bản đối với các ý định chiến lược của nhau, kiểm soát những bất đồng ngày càng tăng và gay gắt, và bắt đầu hợp tác thực dụng được hay không.

Ông rằng điều này thử thách khả năng của cả hai bên trong việc điều chỉnh chính sách của riêng mình, khắc phục sự can thiệp chính trị trong nước và kiểm soát sự lo lắng và bốc đồng chiến lược, "đặc biệt là đối với phía Mỹ".

Tướng 4 sao về hưu Lloyd Austin một người được coi là "ôn hòa" được ông Joe Biden đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng (Ảnh: AP).

Tướng 4 sao về hưu Lloyd Austin một người được coi là "ôn hòa" được ông Joe Biden đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng (Ảnh: AP).

Ông nói, trong 4 năm qua, cả Trung Quốc và Mỹ đều đang nhìn nhận lại đối phương và suy nghĩ về hướng đi của quan hệ song phương. Mặc dù quan hệ Trung - Mỹ "không thể quay lại quá khứ", nhưng vẫn có thể có một "tương lai tích cực và mang tính xây dựng hơn."

Được biết, ngày 14/12, các đại cử tri của các bang ở Mỹ đã bỏ phiếu theo kết quả bầu cử trước đó của các bang. Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã giành được 306 phiếu đại cử tri, đồng nghĩa với việc ông đã đánh bại ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump và sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ.

Ngoài ra, việc Joe Biden gần đây đề cử tướng quân đội 4 sao đã nghỉ hưu Lloyd Austin làm Bộ trưởng Quốc phòng, được coi là tín hiệu mạnh mẽ mới nhất cho thấy chính phủ của ông sẽ tập trung vào việc thiết lập liên minh chiến lược để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông và các điểm nóng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 15/12 dẫn một bài viết trên trang web Hong Kong Asia Times ngày 10/12 cho rằng, ông Biden thích Austin hơn những ứng viên nổi tiếng được đồn đại khác, điều này không chỉ phản ánh mối quan hệ cá nhân sâu sắc mà còn phản ánh bản năng chiến lược chung giữa hai người.

Tướng Lloyd Austin từng công khai nhấn mạnh tầm quan trọng của cái gọi là "sự kiên nhẫn chiến lược", điều này cho thấy ông thuộc phe tương đối ôn hòa so với những người diều hâu nổi tiếng với Trung Quốc khác từng được coi là có khả năng nắm giữ vị trí này.

Mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Joe Biden và Lloyd Austin đã thể hiện rõ vào đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, khi ông Biden là Phó Tổng thống trong chính quyền Barack Obama và Lầu Năm Góc đã đánh giá các lựa chọn chiến lược ở Trung Đông, bao gồm cả việc rút quân khỏi Iraq vào năm 2011.

Trước đó, nhiều người tin rằng bà Michele Flournoy là ứng cử viên sáng giá cho chức Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Joe Biden, bà từng là Giám đốc chính sách Lầu Năm Góc và là cố vấn chính sách đối ngoại quan trọng trong chính quyền Obama.

Michele Flournoy được coi là người thuộc "phái diều hâu tự do", kiên quyết chủ trương Mỹ áp dụng một chiến lược quân sự mạnh mẽ hơn ở châu Á và Trung Đông. Trước đây, bà được biết đến là người có những bất đồng lớn về chính sách với Phó Tổng thống khi đó là Joe Biden, người luôn ủng hộ việc triển khai chính xác hơn các lực lượng quân sự Mỹ.

Theo bài viết, lập trường diều hâu và những vướng mắc nội bộ của bà trong ngành công nghiệp quốc phòng - bao gồm các vị trí cấp cao tại Công ty tư vấn Booz Allen và công ty tư vấn West Xingzheng Street - đã khơi dậy sự phản đối đồng lòng từ những người tiến bộ hơn trong Đảng Dân chủ.

Lloyd Austin đã phục vụ trong quân đội Mỹ tới 40 năm. Ông từng là Phó Tham mưu trưởng Lục quân, Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp ở Afghanistan và Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ. Vào năm cuối của chính quyền Obama, ông đã nghỉ hưu với tư cách là một tướng bốn sao. Ông cũng là một chuyên gia về Trung Đông.

Ông Lloyd Austin là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm dưới thời Tổng thống Barak Obama (Ảnh: Reuters).

Ông Lloyd Austin là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm dưới thời Tổng thống Barak Obama (Ảnh: Reuters).

Lloyd Austin cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018: "Các đồng minh, liên minh và quan hệ đối tác khu vực là nguồn hỗ trợ hợp pháp cho trật tự của hệ thống cũng như uy tín và sức mạnh của Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo. Do đó, họ phải được đầu tư tương ứng".

Ông Austin cho rằng "quản lý liên minh là cốt lõi của (chiến đấu) tương lai", cho thấy ông coi trọng ngoại giao quân sự.

Cốt lõi của triết lý quân sự của Lloyd Austin là sự hiểu biết sâu sắc về sự phức tạp của các mối đe dọa và thách thức mà Mỹ phải đối mặt trong thế kỷ 21, điều này trái ngược hẳn với quan điểm của phe diều hâu tự do và chính quyền Donald Trump.

Mặc dù điều này có thể có nghĩa là căng thẳng quân sự giữa Mỹ với Trung Quốc và các đối thủ khác sẽ giảm bớt, nhưng nó cũng cho thấy rằng chính quyền Joe Biden đang nỗ lực để hình thành một liên minh mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn để kiềm chế những gì Washington coi là bản năng “tồi tệ nhất” của Bắc Kinh.

Việc Joe Biden lựa chọn Lloyd Austin cho thấy quyết tâm của ông trong việc xây dựng một định hướng chiến lược mới nhằm tăng cường các liên minh và đối tác trong khu vực chống lại Trung Quốc theo cách ít đối đầu hơn và kiên nhẫn hơn.

Asia Times kết luận, bằng cách chọn ứng cử viên tỏ ra thận trọng và hòa nhã hơn những người khác cho chức Bộ trưởng Quốc phòng, ông Joe Biden không chỉ thể hiện thái độ quân sự của chính quyền ông đối với châu Á, mà còn cả thái độ quân sự đối với thế giới, đặc biệt là với Trung Quốc đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng.