|
Dự án VFC trở thành một bãi giữ xe rộng lớn - Ảnh: N.T.Tâm |
Năm 2008, TP.HCM cấp giấy phép đầu tư hai dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc hàng lớn nhất thành phố cho cùng một công ty, trên tổng diện tích đất lên đến hơn 930 ha, với tổng vốn gần 4,5 tỉ USD. Thế nhưng, sau 8 năm hai dự án này trở nên hoang tàn dù đất đã được giao.
Treo đến bao giờ ?
Ông Nguyễn Sĩ, Phó ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì (H.Hóc Môn, TP.HCM), đứng ở bên này kênh An Hạ chỉ tay qua phía đối diện, nói đó là dự án Khu đô thị - đại học quốc tế VN (VIUT). Ấp Nhị Tân 2 có một phần đất nằm trong dự án với hơn 200 hộ dân, chưa tính những ấp của 3 xã khác, từng một thời nóng hổi với những kế hoạch của nhà đầu tư cam kết biến vùng ven nghèo khó này thành đô thị tầm cỡ. Tuy nhiên, trải qua gần một thập niên, khu đô thị đâu không thấy, chỉ thấy nơi đây đã nghèo càng nghèo hơn vì dự án treo. Trong khi ở bên này kênh, nơi có nhà của ông Sĩ, đường sá được đầu tư căn cơ, trải nhựa với hai làn xe, nhà cửa khang trang. Còn bên kia kênh, chỉ cách nhau chừng mươi mét, con đường ven kênh bụi đỏ mù mịt mỗi khi có xe chạy qua; nhà dân tạm bợ vì không ai được phép xây dựng. “Lúc trước chủ đầu tư dự án hứa cải tạo con đường đất đỏ, nhưng đến nay cũng chỉ mới đổ đá được vài đoạn. Mùa mưa, con đường này gần như không đi được”, ông Sĩ nói.
Dự án VIUT có diện tích hàng trăm héc ta, có phần đất trải dài trong Khu đô thị Tây Bắc. Trước đây, chủ đầu tư hứa cuối 2015 đền bù nhưng không xong, rồi xin gia hạn thêm 3 tháng nữa, cam kết tới tháng 3.2016 không thực hiện thì trả dự án lại. Nay thời hạn cận kề nhưng dự án không thấy tiến triển nhiều.
Trong khi đó, dự án Trung tâm tài chính quốc tế VN (VFC) ở khu vực Kỳ Hòa sau nhiều năm giao đất cho chủ đầu tư hiện trở thành một nhà giữ xe khổng lồ. Dự án nằm trong khu đất vàng khi tiếp giáp với vòng cung các mặt đường 3 Tháng 2, Lê Hồng Phong và Cao Thắng (nối dài) thuộc Q.10, TP.HCM. Phía mặt tiền đường Lê Hồng Phong, Trường Măng Non 1 và nhà thiếu nhi là hai công trình rất lớn, nhiều năm qua phải dời đi chỗ khác để nhường đất cho dự án. Nhưng vì dự án treo nên trường học, nhà văn hóa thành nhà giữ xe công cộng, vô cùng lãng phí. Bên cạnh đó là rất nhiều nhà hàng, quán cà phê sân vườn. Đi sâu vào bên trong dự án ở cổng của 3 con đường là một bãi giữ ô tô, xe máy trông vô cùng nhếch nhác chen lẫn quán xá. Đứng trên cao từ các nhà ở phía đối diện, có thể thấy toàn cảnh khu đất của dự án hoang tàn. Một bảo vệ ở đây cho biết có thời điểm, chính quyền địa phương thông báo dẹp các sân thể thao để trả lại đất cho nhà đầu tư, nhưng sau đó tiếp tục cho thuê. Tấm bảng giới thiệu dự án ở phía đường Lê Hồng Phong sau nhiều năm phơi nắng mưa đã không còn nữa.
Không được bồi thường khi thu hồi
Theo luật đất đai 2013, sau khi được giao đất 12 tháng, chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng sẽ được gia hạn 24 tháng và phải nộp cho nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong khoảng thời gian này. Hết thời hạn được gia hạn vẫn chưa đưa đất vào sử dụng sẽ bị thu hồi đất mà không được bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp bất khả kháng.
Thu hồi và đấu giá
Công ty Berjaya Land Berhad (thuộc Tập đoàn Berjaya của Malaysia) là chủ đầu tư hai dự án VIUT và VFC. Dự án VFC được TP.HCM cấp chứng nhận đầu tư vào tháng 2.2008, tổng vốn 930 triệu USD trên diện tích 6,64 ha. Trên trang web của công ty, Berjaya cho biết dự án bao gồm 3 cao ốc với độ cao 48 tầng được sử dụng làm văn phòng làm việc, khu dịch vụ mua sắm đạt chuẩn quốc tế; một cao ốc làm khách sạn quốc tế 5 sao với 48 tầng và cao ốc còn lại làm khu phòng dịch vụ cao cấp. Cùng năm 2008, Berjaya đã được UBND TP.HCM cấp giấy phép đầu tư dự án VIUT, tổng diện tích khoảng 925 ha ở Hóc Môn, tổng vốn đầu tư là 3,5 tỉ USD... Nhưng như nói trên, cả hai dự án đã án binh bất động.
Theo TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, việc xử lý những dự án đầu tư liên quan đến sử dụng đất mà kéo dài, hoặc quy hoạch treo đã có quy định cụ thể trong luật Đất đai; quá thời hạn nhưng không triển khai sẽ bị thu hồi. Không chỉ riêng các dự án FDI mà cả dự án của nhà đầu tư trong nước, nếu kéo dài cần được xử lý nghiêm túc. Hiện nay tình trạng những người được giao đất chiếm dụng đất khá phổ biến. Ở một số địa phương, những vị trí đẹp, các nhà đầu tư thậm chí được giao đất mà chưa phải đóng đồng bạc nào cả. Chỉ giao “bằng giấy thôi”, nhưng họ vẫn chiếm giữ. Chính quyền những nơi này cần phải mạnh dạn thực hiện theo luật Đất đai, như thế mới tạo cơ hội cho nhà đầu tư khác.
Ông Lịch cho rằng: “Để phát triển lành mạnh, đối với đất phi nông nghiệp là phải tập trung chống đầu cơ. Đầu cơ đất đai là nguyên nhân gây ra trở lực cho vấn đề phát triển. Không riêng gì dự án FDI treo ở TP.HCM, bất kỳ dự án nào kéo dài quá lâu cũng cần được đánh giá cụ thể dựa theo luật Đất đai, đó là phải thu hồi theo luật để đấu giá tìm nhà đầu tư tiềm năng, phù hợp hơn. Thời hạn triển khai dự án là yêu cầu hàng đầu khi nhà đầu tư chấp nhận đầu tư. Nguyên tắc là nên đấu giá để tiến tới phân bổ nguồn lực đất thông qua thị trường”, ông Lịch nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng sau khi thu hồi, nếu có nhà đầu tư đủ điều kiện thì giao đất, còn không thì đấu giá. “TP.HCM có thể nghĩ rằng nếu thu hồi dự án, việc kiếm nhà đầu tư khác khó khăn, nhưng tôi khẳng định phải thu hồi để trao cơ hội cho nhà đầu tư khác. Khi trao giấy chứng nhận đầu tư đã có quy định về thời hạn triển khai dự án, nếu không thể thực hiện đúng cam kết thì phải trả lại, chứ không thể kéo dài mãi. Giống như trường hợp siêu thị Metro, lỗ 11 năm mà vẫn cho tiếp tục hoạt động. Đáng lẽ sau khi lỗ 2 năm, cơ quan chức năng gia hạn nếu lỗ tiếp 1 năm nữa sẽ có chế tài mạnh mẽ, thậm chí cho ngừng kinh doanh. Tương tự, các dự án treo, phải thu hồi, dứt khoát phải thu hồi”, ông Thiên khẳng định.
Theo Thanh niên