9 giờ 05: Đại diện Viện kiểm sát đề nghị hoãn phiên tòa vì 1 bị cáo và nhiều đại diện cho người bị hại cũng vắng mặt, một số bị hại đang đề nghị thay đổi mức bồi thường thiệt hại.
Chủ tọa phiên tòa sau khi viện dẫn các qui định về tố tụng quyết định hoãn phiên tòa và "sẽ xử lại trong một thời gian thích hợp".
8 giờ 45: Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tọa phiên tòa đang tra căn cước các bị cáo bị truy tố tội vi phạm qui định về an toàn lao động.
3 trong số 4 bị cáo gồm hai người Hàn Quốc là Kim Yong Wook, Lee Jae Myeong và Nguyễn Anh Tuấn (27 tuổi, tổ trưởng phụ trách kích thủy lực số 1 đến số 16) được cảnh sát áp giải đến tòa. Riêng bị cáo Nguyễn Thái Đức (30 tuổi, tổ trưởng phụ trách kích thủy lực từ số 17 đến 32) vắng mặt.
Ba bị cáo tại tòa sáng nay - Ảnh: Nguyên Dũng |
8 giờ 30: Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ sập giàn giáo ở công trường Formosa Hà Tĩnh (thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chính thức bắt đầu. Theo dự kiến, vụ án sẽ được TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử trong 2 ngày 16 và 17.11.
Phòng tác nghiệp dành cho phóng viên theo dõi phiên tòa qua màn hình - Ảnh: Nguyên Dũng |
8 giờ 15: Ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, phiên tòa lần này sẽ có tổng cộng 4 bị cáo, trong đó 2 bị cáo người Việt Nam là Nguyễn Anh Tuấn (27 tuổi), Nguyễn Thái Đức (30 tuổi) và 2 bị cáo người còn lại là người Hàn Quốc có tên là Kim Jong Wook (43 tuổi, ngụ tỉnh Gyeong Sang Nam), Lee Jae Myeong (62 tuổi, ngụ tỉnh Kang Won). Cả 4 bị cáo bị truy tố về tội “vi phạm quy định về an toàn lao động”.
Quang cảnh phiên tòa sáng nay - Ảnh: Nguyên Dũng |
Ông Thắng cũng cho biết thêm, tính đến 7 giờ sáng nay 16.11, vẫn chưa có cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài nào đăng ký đưa tin về diễn biến của phiên xét xử. TAND tỉnh Hà Tĩnh sẽ bố trí một phòng riêng để các phóng viên báo chí theo dõi, đưa tin về diễn biến của phiên tòa qua một màn hình ti vi lớn.
8 giờ 00: Theo ghi nhận của Thanh niên, từ sáng sớm cùng ngày, nhiều người dân (chủ yếu là người các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An) đã có mặt trước trụ sở TAND tỉnh Hà Tĩnh (số 94, đường Phan Đình Phùng, TP.Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) để theo dõi diễn biến của phiên tòa.
Thư ký tòa làm thủ tục với những người được triệu tập vì có liên quanđến vụ án - Ảnh: Nguyên Dũng |
Theo cáo trạng, tối 25.3, tại khu vực cầu cảng Sơn Dương (công trường Formosa Hà Tĩnh), hệ thống ván khuôn trượt bằng sắt (còn gọi là giàn giáo) bất ngờ đổ sập làm 13 người chết, 29 người bị thương. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã khẩn trương chỉ đạo các lực lượng liên quan như Công an, Bộ đội, Y bác sĩ…. nhanh chóng có mặt tại hiện trường triển khai công tác cứu hộ nạn nhân và đồng thời vào cuộc điều tra vụ việc.
Toàn ảnh về công trường Formosa đan xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) được chụp từ trên cao xuống - Ảnh: Nguyên Dũng |
Đến ngày 31.3, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án liên quan tới hành vi “vi phạm các quy định về an toàn lao động” theo điều 227 - bộ luật Hình sự.
Hiện trường kinh hoàng vụ sập giàn giáo làm 13 người chết, 29 người bị thương - Ảnh: Nguyên Dũng |
Tiếp đến, ngày 19.5, sau quá trình điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với 2 người Hàn Quốc về hành vi trên là ông Kim Jong Wook và Lee Jae Myeong. Trong đó, ông Wook là Chỉ huy trưởng công trường sản xuất, lắp đặt thùng chìm trọng lực trong cảng Sơn Dương (thuộc Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh), còn ông Myeong là Giám đốc đơn vị quản lý công nhân làm việc tại giàn giáo Lane 2 bị sập.
Cơ quan chức năng triển khai công tác cứu hộ - Ảnh: Nguyên Dũng |
Theo điều tra của cơ quan Công an, tối 25.3, trước khi xảy ra sự cố sập giàn giáo, ông Wook có mặt tại hiện trường, đã lên giàn giáo Lane 2 để kiểm tra và đã phát hiện ra sự cố rung lắc nguy hiểm nhưng không chỉ đạo ngừng thi công mà vẫn để hàng chục công nhân tiếp tục làm việc.
Đến gần 20 giờ cùng ngày, toàn bộ giàn giáo Lane 2 đổ sập xuống, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ông Myeong cũng có mặt tại hiện trường nhưng sau khi giàn giáo rung lắc mạnh, phát ra tiếng động lớn, nhiều công nhân sợ hãi bỏ chạy ra khỏi khu vực làm việc thì bị ông này yêu cầu quay trở lại công trình để tiếp tục làm việc cho tới khi giàn giáo đổ sập.
Công an tỉnh Hà Tĩnh đọc lệnh bắt tạm giam 2 người Hàn Quốc là ông Kim Jong Wook và ông Lee Jae Myeong (người đứng thứ nhất và thứ hai từ phải qua) - Ảnh: Công an Hà Tĩnh cung cấp |
Sau nhiều tháng vào cuộc điều tra, ngày 29.7, đoàn thanh tra tai nạn lao động của UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo gửi Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng cùng các cơ quan chức năng liên quan.
Trong báo cáo nêu rõ 4 nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại công trường Formosa. Theo đó, khởi nguồn của sự cố là do giàn giáo bị tuột phanh và tuột kích, gây mất ổn định của thanh cột ray, rung lắc cho hệ giàn giáo, khiến giàn giáo bị sập hoàn toàn. Đoàn thanh tra cũng xác định, kết cấu của giàn giáo được thiết kế với độ an toàn thấp.
Giàn giáo bị sập, theo kết luận của đoàn thanh tra, cũng có lỗi của công tác vận hành. Cụ thể, tại thời điểm trước khi xảy ra sự cố, có sự sai lệch cao độ các kích do tuột phanh và tuột kích lớn hơn giới hạn cho phép theo quy định của nhà sản xuất là 3 mm. Giàn giáo không có hệ thống cảnh báo sớm về nguy hiểm khi vận hành và chưa có quy trình xử lý sự cố. Sai lệch cao độ kích được phát hiện không kịp thời do không sử dụng hệ thống cảnh báo tự động.
Nguyên nhân cuối cùng được xác định là do bề mặt của một số má phanh bị rỉ sét vì không được bảo dưỡng. Qua thử nghiệm cho thấy, một số má phanh bị tụt, một số cụm không đủ khả năng chịu tải theo thiết kế, độ tin cậy không cao. Nhà sản xuất chưa xem xét đến yếu tố thời tiết khắc nghiệt của miền Trung nước ta để đưa ra quy trình bảo dưỡng nghiêm ngặt phù hợp.
Cứu chữa cho các nạn nhân vụ sập giàn giáo – Ảnh: Nguyên Dũng
Người thân mỗi nạn nhân tử vong được nhận tối đa 400 triệu đồng
Ngày 28.3, Công ty Samsung C&T Việt Nam (nhà thầu chính) và Công ty Nibelc Việt Nam (nhà thầu phụ, đơn vị cung cấp nhân lực cho Samsung C&T) tổ chức cuộc họp để đi đến thống nhất mức hỗ trợ cho các nạn nhân.
Tại cuộc họp này, Công ty Nibelc Việt Nam đã yêu cầu Công ty Samsung C&T Việt Nam phải hỗ trợ tối đa cho 13 nạn nhân tử vong và hỗ trợ phù hợp, đúng luật cho 29 nạn nhân bị thương.
Theo đó, Công ty Samsung C&T Việt Nam đã đồng ý hỗ trợ 350 triệu đồng (50 triệu đồng tiền ma chay, 300 triệu đồng tiền trả cho 10 tháng lương-10 triệu đồng/1 tháng). Ngoài ra, mỗi nạn nhân tử vong sẽ được nhận 50 triệu/người do bảo hiểm Pjico chi trả do trước lúc xảy ra sự vụ Công ty Nibelc Việt Nam đã mua cho người lao động.
Riêng đối với nạn nhân bị thương, Công ty Nibelc Việt Nam đã cho tạm ứng từ 5-10 triệu đồng/người để chi trả viện phí bước đầu. Còn sau khi có kết quả giám định tỷ thương tật, Công ty Samsung C&T Việt Nam sẽ chi trả tiền bồi thường theo quy định của pháp luật cho nạn nhân.
Theo Thanh Niên