|
Ngày 3/5, tại Sân bay Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius và các cơ quan hữu quan cùng công bố hoàn thành giai đoạn 1 dự án xử lý dioxin ở sân bay Đà Nẵng sau 4 n |
Dự án xử lý dioxin tại Sân bay Đà Nẵng được Hoa Kỳ và Việt Nam đã khởi động từ tháng 8/2012, nằm trong khuôn khổ dự án được quản lý bởi Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Quá trình xử lý đất nhiễm dioxin giai đoạn I bắt đầu năm 2014 với 45.000m3 đất nhiêm dioxin với sự tham gia của đoàn đại biểu Quốc hội Hoa Kỳ; Bộ quốc phòng Việt Nam; cùng các quan chức cấp cao của Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam. Sau 2 năm thực hiện, 45.000 m3 đất nhiễm dioxin đã được làm sạch theo công nghệ khử hấp thu nhiệt trong mố, đạt các tiêu chuẩn về an toàn.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là chất độc hoá học là nội dung rất quan trọng trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ.
Mặc dù không lớn về quy mô tài chính, nhưng dự án có ý nghĩa như một dấu mốc quan trọng, thể hiện nhận thức và hành động của Chính phủ hai nước trong việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, vì hoà bình, phát triển, hợp tác giữa hai nước, trong khu vực và trên thế giới.
"Sân bay Đà Nẵng từng bị ô nhiễm chất độc dioxin đã được làm sạch, được giao lại để làm cảng hàng không, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị phía Hoa Kỳ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án khắc phục hậu quả chiến tranh, tiếp tục tài trợ cho các dự án xử lý những điểm nóng về ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hoà (Đồng Nai) và sân bay Phù Cát (Bình Định), góp phần cụ thể hoá mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước đang phát triển ngày càng sâu rộng và có nhiều điều kiện để nâng lên, mở rộng.
Chia sẻ kết quả đạt được, Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius phát biểu: “Việc hoàn thành xử lý giai đoạn I đánh dấu một mốc đầy ý nghĩa đối với dự án và trong quan hệ của hai nước chúng ta. Chúng ta đã làm việc này trên tinh thần đối tác, học hỏi lẫn nhau, để đạt được một thành tựu mang tính lịch sử cả về mặt khoa học và về ngoại giao. Dự án này là một biểu tượng của khả năng của chúng ta trong việc trung thực với quá khứ, giải quyết những điều còn lại, và chuyển một vấn đề bất đồng thành một nội dung hợp tác".
Được biết, trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục xử lý khoảng 45.000 m3 khối bùn, đất nhiễm dioxin của giai đoạn 2 cho đến năm 2018. Cùng với đó là khắc phục một số sự cố về môi trường như vượt ngưỡng khí thải, nước thải hệ thống xử lý, vượt ngưỡng dioxin trong không khí mặt mố xử lý nhiệt cho đến khi hoàn thành việc xử lý và đánh giá tác động môi trường.