|
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại cuộc họp của Bộ GD-ĐT. |
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khi trả lời chất vấn của Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) về quản lý báo chí đến năm 2025. Nhận định quy hoạch báo chí là chủ trương lớn, Đại biểu đã đề nghị Bộ trưởng đánh giá về kết quả thực hiện cũng như đề xuất những giải pháp trong thời gian tới.
Phản hồi chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định quy hoạch báo chí từ tháng 4/2019, song song đó Bộ đã lập kế hoạch triển khai ban đầu vào tháng 6/2019. Sau 2 tháng, Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo, tiến hành làm việc với từng cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí.
Sau 1 năm triển khai, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo sơ kết một năm thực hiện quy hoạch báo chí.
Cụ thể, tại 33 tổ chức hội có cơ quan báo hoặc tạp chí thuộc diện quy hoạch đã thực hiện xong. Tại các bộ, ngành, có 13/29 cơ quan báo chí phải triển khai quy hoạch, đến nay còn 2 cơ quan đã có phương án quy hoạch nhưng còn chờ hồ sơ cấp phép. Đối với công tác quy hoạch báo chí địa phương, có 31/63 địa phương phải thực hiện quy hoạch, đến nay còn 1/31 địa phương còn thiếu hồ sơ cấp phép.
|
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại cuộc họp Quốc hội. |
“Chúng tôi quyết tâm thực hiện được mục tiêu này. Sau quy hoạch sẽ còn có những việc khác nữa như phát triển báo chí, xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực, cơ chế hỗ trợ đặt hàng báo chí, các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích. Chúng tôi đang tích cực thực hiện những nội dung này sau quy hoạch” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Trước đó, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm đã đưa ra một số khuyến nghị về phương hướng quy hoạc báo chí tại Việt Nam hiện nay. Dưới góc độ quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực báo chí, Cục Trưởng Cục Báo chí cho rằng cần mạnh dạn đổi mới cách nhìn nhận, cách quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí truyền thông để tạo ra những bước chuyển mình.
“Cách làm cũ chủ yếu chỉ tập trung vào quản lý nội dung thông tin, ít chú ý đến vấn đề kinh tế báo chí. Chúng ta nêu nhiệm vụ của báo chí Việt Nam như nhiệm vụ chính trị, nhưng không giải quyết được bài toán biện chứng là nguồn lực phát triển, tức là chúng ta cũng chưa nhìn nhận báo chí truyền thống là một trong những mối quan hệ tổng quan các hệ sinh thái truyền thông xã hội”, ông Lâm nhận định.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục thực hiện quy hoạch báo chí theo kế hoạch, đảm bảo cho báo chí hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, ngăn chặn những sai phạm.