Họa sỹ Lương Minh Hòa: khoa học kỹ thuật phải bắt kịp tầm nhìn đi trước của thiết kế tạo dáng sản phẩm công nghiệp

VietTimes – Như đã phản ánh trong bài viết trước, để thiết kế và tạo dáng sản phẩm công nghiệp, nhà thiết kế phải được trang bị các kiến thức về toán học ứng dụng và kỹ thuật – công nghệ. Để tìm hiểu thêm vấn đề này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với nhà thiết kế Lương Minh Hòa – Trưởng ban Công nghiệp Sáng tạo của Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam, Giám đốc Học viện Thiết kế Hoa Lan.
Nhà thiết kế Lương Minh Hòa: Khoa học kỹ thuật phải bắt kịp tầm nhìn đi trước của thiết kế tạo dáng sản phẩm công nghiệp

Trước hết, xin ông cho biết về sự cần thiết của việc phải có các kiến thức về kỹ thuật trong hoạt động thiết kế, tạo dáng sản phẩm công nghiệp?

Có thể nói, khác với nghệ thuật tạo hình, thẩm mỹ công nghiệp là nghệ thuật nhằm tạo ra hình hài sản phẩm sao cho bắt mắt, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của thị trường. Cũng chính vì thực tế đó, các kiến thức về toán học và kỹ thuật – công nghệ là rất cần thiết với các nhà thiết kế.

Đầu tiên, các nhà thiết kế phải hiểu về thuật toán để biết được do đâu có những tỷ lệ vàng giữa chiều dài, chiều rộng và chiều cao với một sản phẩm cụ thể. Tiếp đó, các kiến thức về kỹ thuật cũng là rất quan trọng vì để tạo dáng cho sản phẩm công nghiệp cũng giống như vẽ người mặc quần áo thì phải học giải phẫu, vẽ mẫu khỏa thân… Và cũng phải kể đến công thái học (egornomic) để thiết kế tạo dáng sản phẩm sao cho phù hợp, tiện ích với người sử dụng nó.

Tuy nhiên, các kiến thức về toán học và kỹ thuật – công nghệ nếu như được cung cấp cho các nhà thiết kế qua trường lớp thì phải được xây dựng giáo trình đào tạo riêng cho phù hợp chứ không thể là mời các chuyên gia ở các trường kỹ thuật sang giảng dạy với giáo trình có sẵn của họ.

Vậy xin ông cho biết, có thể ứng dụng toán học như thế nào trong thiết kế mà cụ thể là vẽ người và thiết kế thời trang?

 Mặt người được phân tích để phục vụ việc vẽ. (Hình ảnh do Hoalan Studies cung cấp)

Lâu nay, vẽ người vẫn là một việc khó và các trường mỹ thuật vẫn đòi hỏi về năng khiếu với sinh viên. Tuy nhiên, như chương trình đào tạo của Học viện Thiết kế Hoa Lan thì chúng tôi không quá đòi hỏi điều đó và chính toán học sẽ giúp học viên vẽ được người và thiết kế thời trang mà không quá cần yếu tố năng khiếu. Cụ thể, là đầu người được phân thành hình tròn và ghép vào đó là một hình thang. Các chỉ số của con người cũng căn cứ vào đầu và thân với đơn vị là đầu người.

 Các bước dựng hình để vẽ đầu người (Hình ảnh do Hoalan Studies cung cấp)

Riêng với thiết kế thời trang, kiến thức toán học ứng dụng cũng là rất quan trọng để chia vải, thiết kế các chi tiết của sản phẩm thời trang…

Như họa sĩ Uyên Huy – Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM từng đề cập, để thiết kế tạo dáng cho sản phẩm công nghiệp thì nhà thiết kế phải tuân thủ các tiền lệ có trước và mọi sáng tạo của họ phải căn cứ vào thực tiễn cho phép hay không của kỹ thuật. Ông có nhận xét gì về ý kiến này?

Ý kiến của họa sĩ Uyên Huy cũng là đúng nhưng chưa hoàn toàn đúng. Qua thực tế của hãng Apple với các sản phẩm máy tính bảng iPad và điện thoại iPhone có thể cho thấy là thiết kế đã đi trước kỹ thuật. Đây là phạm trù của tương lai học và nhà thiết kế có quyền đi trước để tạo dáng ra các sản phẩm với kích thước gọn nhẹ, mỏng hơn.

 Những thiết kế với máy tính bảng và điện thoại di động của hãng Apple đã đi trước kỹ thuật, buộc kỹ thuật phải không ngừng cải tiến để đáp ứng với tầm nhìn đi trước thời đại

Với các yêu cầu đặt ra như vậy của thiết kế, chính nền kỹ thuật sẽ phải không ngừng cải tiến để đáp ứng nhu cầu đi trước đó. Nói một cách hình tượng, khoa học kỹ thuật phải bắt kịp tầm nhìn đi trước của thiết kế tạo dáng sản phẩm công nghiệp.

Xin cám ơn ông!