HLV Mai Đức Chung, “ông bố” hiếm có, khó tìm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – HLV Mai Đức Chung vẫn muốn chinh phục nốt tấm HCV SEA Games 31 trên sân nhà rồi mới “gác kiếm” sự nghiệp cầm quân lẫy lừng của mình.
HLV Mai Đức Chung, “ông bố” hiếm có, khó tìm của bóng đá nữ Việt Nam. Ảnh VFF.
HLV Mai Đức Chung, “ông bố” hiếm có, khó tìm của bóng đá nữ Việt Nam. Ảnh VFF.

Từ lâu HLV Mai Đức Chung cho biết mong ước lớn nhất của ông là đưa đội tuyển nữ tới World Cup, và giờ đây ông đã biến điều đó thành hiện thực sau chiến thắng 2-1 trước Đài Loan. Nhưng sau khi làm được điều kỳ diệu ấy, ông lại chủ đồng nhường vinh dự ấy cho một nhà cầm quân trẻ hơn, thật đáng khâm phục.

19 năm xuôi ngược

Năm 2003, HLV Mai Đức Chung bắt đầu sự nghiệp huấn luyện. 19 năm qua, ông làm HLV nhiều CLB bóng đá tại Việt Nam, tiêu biểu trong số đó là Becamex Bình Dương, Navibank Sài Gòn, Thanh Hóa. Ở cấp độ quốc gia, ông đã từng làm HLV các đội tuyển từ trẻ đến quốc gia, từ các đội tuyển nam đến các đội tuyển nữ. Dấu ấn thành công nhất của ông gắn liền với bóng đá nữ, đến nỗi người ta đã chuyển biệt danh Chung “xe ca” (ông từng đá cho đội Xe ca Hà Nội) thành Chung “gái”.

Với thành tích cùng đội tuyển nữ Việt Nam 4 lần giành HCV SEA Games vào các năm 2003, 2005, 2017 và 2019, bên cạnh chức vô địch AFF Cup nữ 2019. Tại đấu trường châu lục, ông cùng các học trò vào top 4 Asian Games 2014, hạng 5 Asian Cup 2022 cùng tấm vé dự World Cup lần đầu tiên trong lịch sử. Không có nhà cầm quân nào khu vực Đông Nam Á có thành tích nổi bật như ông.

Trong 4 chức vô địch SEA Games bóng đá nữ, ông giành 4 lần và tràn đầy hy vọng lần thứ 5 vô địch HCV SEA Games trên sân nhà ở tuổi 72. Điều mà nhiều quan chức VFF rất nể trọng HLV Mai Đức Chung chính là việc sẵn sàng xông trận, bất luận khó khăn đến đâu.

Đội bóng nữ như một gia đình đoàn kết, thống nhất cao. Ảnh VFF

Đội bóng nữ như một gia đình đoàn kết, thống nhất cao. Ảnh VFF

Ông bố họ Mai

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công của ông thầy họ Mai khi nắm đội tuyển nữ, nhưng việc ông xem các học trò như những đứa con, tận tình uốn nắn từng động tác, bên mọi vui buồn của cầu thủ được coi là nguyên nhân quan trọng nhất. Những ai thường xuyên có mặt cùng đội tuyển nữ sẽ được nghe những tiếng gọi thân thương “bố” và “con” như một gia đình lớn.

Bóng đá nữ không được chăm sóc như bóng đá nam nhưng “bố, con” ông Chung luôn biết đoàn kết, yêu thương nhau vượt qua các khó khăn, thử thách, điều đó đã tạo nên bảng vàng thành tích như kể trên. Ông bố họ Mai luôn chịu đựng sức ép thành tích để các cô gái Vàng ngon giấc trước các trận đấu căng thẳng, mang tính chất quyết định, một phẩm chất mà không phải ông thầy nào cũng có được.