Vụ án chạy thận khiến 9 người chết ở Hòa Bình:

Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam: “Hành vi của Hoàng Công Lương không thỏa mãn tội danh vô ý làm chết người"

VietTimes -- Trong lá đơn kiến nghị về vụ việc bác sĩ Hoàng Công Lương của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam gửi tới Bộ trưởng Bộ Y tế, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao, Bộ trưởng bộ Công an, Chánh án Tòa án cấp cao tại Hà Nội, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội, các chuyên gia y tế khẳng định hành vi của Hoàng Công Lương không thỏa mãn tội danh vô ý làm chết người.

Lập luận thiếu thuyết phục

Trong quá trình xét xử, VKSND và TAND TP Hòa Bình nhiều lần khẳng định Hoàng Công Lương là người ký vào biên bản đề nghị sửa chữa RO2. Do đó, cựu bác sĩ phải biết sự cần thiết của việc xét nghiệm nước sau khi sửa xong, đồng thời, Lương chỉ được ra y lệnh khi chắc chắn rằng hệ thống lọc nước đảm bảo cho bệnh nhân chạy thận.

Chính TAND tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng Hoàng Công Lương ra y lệnh chạy thận cẩu thả vì quá tin vào cơ chế, đồng nghiệp trong khi được đào tạo, nắm bắt về quy trình.

Một phần vật chứng quan trọng trong hệ thống RO bị tháo rời ra

Tuy nhiên, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam khẳng định lập luận này thiếu căn cứ, thiếu thuyết phục bởi Hoàng Công Lương chỉ có quyền khám, điều trị và ra y lệnh, không phải người quản lý hay được giao trách nhiệm phụ trách kỹ thuật của hệ thống RO.

Điều này được thể hiện ở việc Lương không hề được phân công, bổ nhiệm giữ vai trò quản lý đơn nguyên chạy thận nhân tạo bằng văn bản hoặc quyết định. Lương cũng không được nhận phụ cấp trách nhiệm và cũng không có bất cứ một quyền nào ngoài quyền khám, điều trị và ra y lệnh.

Bên cạnh đó, không có tài liệu hay điều luật nào quy định bác sĩ phải chịu trách nhiệm về máy móc, thiết bị, vật tư, thuốc, dịch, nước, máu hoặc các chế phẩm từ máu… dùng điều trị cho bệnh nhân. Cũng chưa có bất kỳ một văn bản nào buộc bác sĩ phải ký nhận bàn giao máy móc, trang thiết bị trước khi sử dụng cho bệnh nhân, những việc đó thuộc trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân khác bao gồm khoa dược, phòng vật tư, phòng kỹ thuật

Mặt khác, trách nhiệm đảm bảo hệ thống RO sạch, vận hành tốt, sửa chữa những gì, quy trình thay thế, xét nghiệm mẫu nước… đều nằm trong hợp đồng giữa ông Trương Quý Dương – khi đó là Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Giám đốc Công ty Thiên Sơn.

Bác sĩ chỉ được đào tạo về chuyên môn y khoa, không được đào tạo về việc quản lý, vận hành, sửa chữa hệ thống RO, không có nhiệm vụ và không có công cụ nào để nhận biết tình trạng thiết bị chất lượng nước đảm bảo an toàn hay không, vậy việc cáo buộc Hoàng Công Lương phải chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước và chỉ được ra y lệnh khi chắc chắn rằng nguồn nước đó phải đảm bảo an toàn là một cáo buộc phi lý.

Ảnh chụp thực tế một phần của hệ thống lọc nước RO tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Một chi tiết khác được đưa vào trong kết luận giám định là việc chiếc đồng hồ đo độ dẫn điện của nước – thiết bị duy nhất và quan trọng nhất để đánh giá chất lượng nước chạy thận – lại có sai số vượt quá mức cho phép, thể hiện không chính xác.

Từ đây, ta thấy nguyên nhân dẫn đến hậu quả phần nhiều là do lỗi thiết bị và việc để các thiết bị kém chất lượng, hư hỏng, không phải lỗi của Hoàng Công Lương.

Chính luật sư Hoàng Văn Hướng – người bào chữa duy nhất cho Lương tại phiên tòa phúc thẩm cũng khẳng định cựu bác sĩ rơi vào vòng lao lý không phải do không làm đúng quy trình chạy thận, không phải do không làm hết trách nhiệm được giao, mà do không thực hiện hết các biện pháp, cách thức mà pháp luật và các cơ quan tiến hành tố tụng đòi hỏi để biết nước RO đã đủ an toàn sau sửa chữa hay chưa trước khi ra y lệnh.

Không thỏa mãn tội danh vô ý làm chết người

Chuyên gia về trang thiết bị, công trình y tế giải thích về hệ thống RO

Ngoài những lập luận thiếu thuyết phục về trách nhiệm của Hoàng Công Lương, việc xét xử, định tội danh cho cựu bác sĩ cũng bị các chuyên gia phản đối kịch liệt. Luật sư Hoàng Ngọc Biên – người từng tham gia bào chữa tại phiên sơ thẩm của vụ án cho biết, bản chất của vụ việc là quy trình khám, chữa bệnh, thực thi theo Luật khám bệnh, chữa bệnh do không gian, thời gian xảy ra tại bệnh viện, có tới 8 bệnh nhân đã thiệt mạng.

Như vậy, việc khởi tố vụ án cũng cần căn cứ vào các quy định về khám, chữa bệnh, xem xét trách nhiệm của từng người trong hệ thống. Trong trường hợp của Hoàng Công Lương, cựu bác sĩ đã được khẳng định đã hoàn thành đúng quy trình chuyên môn, do đó Hoàng Công Lương không thể có tội, không vô ý làm chết người.

Chung quan điểm, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cũng chỉ ra, theo quy định tại Điều 73, Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009, để xác định người hành nghề có sai sót hoặc không có sai sót chuyên môn kỹ thuật, cần phải thành lập hội đồng chuyên môn để xem xét và kết luận. Kết luận của hội đồng chuyên môn là căn cứ để cơ quan tố tụng xem xét, quyết định giải quyết vụ việc.

Hoàng Công Lương cùng 4 bị cáo khác tại phiên xét xử phúc thẩm diễn ra giữa tháng 6/2019.

Sau đó, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã thành lập Hội đồng chuyên môn đúng quy định của pháp luật vào ngày 8/6/2017 cùng với các chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai. Hội đồng chuyên môn kết luận: “Quy trình tiếp nhận, khám, nhận định, đánh giá và thiết lập vòng tuần hoàn ngoài cơ thể cho bệnh nhân trước khi lọc máu là phù hợp quy trình”.

Tuy nhiên, trong quá trình xét xử vụ án, các cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình không đề cập tới kết luận của Hội đồng chuyên môn, việc làm đó đã trái với quy định tại mục 4 điều 75 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 có nội dung: “Kết luận của Hội đồng chuyên môn là cơ sở để giải quyết tranh chấp hoặc để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định giải quyết vụ việc; là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với người hành nghề”.

Đồng thời, việc làm trên cũng trái với các quy định về thu thập tài liệu chứng cứ, các nguyên tắc suy đoán vô tội, các nguyên tắc buộc tội và gỡ tội được quy định trong Bộ Luật tố tụng hình sự.

Từ những tài liệu và chứng cứ nêu trên, các chuyên gia khẳng định hành vi của Hoàng Công Lương không thỏa mãn các dấu hiệu, yếu tố của bất cứ tội danh nào trong các tội danh mà cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình đã áp dụng gồm: thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vô ý làm chết người.