Hiệp định ngừng bắn Nagorno-Karabakh: Ai thắng ai thua, ai được ai mất?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Vào ngày 11/11, sau hiệp định ngừng bắn, cả hai bên giao tranh đã chấm dứt các hành động thù địch ở Nagorno-Karabakh. Điều này có nghĩa là thỏa thuận được ký bởi tổng thống Nga, Azerbaijan và thủ tướng Armenia đã thực sự có hiệu lực.

Sau khi hiệp định hòa bình về Nagorno-Karabakh được ký, cả nước Azerbaijan đã mở hội ăn mừng (Ảnh: Getty).
Sau khi hiệp định hòa bình về Nagorno-Karabakh được ký, cả nước Azerbaijan đã mở hội ăn mừng (Ảnh: Getty).

Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 18/11, sau khi đạt được hiệp nghị đình chiến, vợ chồng Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ngày 16/11 đã đến vùng Nagorno-Karabakh. Cùng lúc đó, người Armenia sống ở đây bắt đầu di tản về nước.

Theo tường thuật từ đài TV100 của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/11, Tổng thống Azerbaijan Aliyev và vợ đã tự lái xe đến vùng Nagorno-Karabakh vừa được thu hồi từ Armenia, trước mặt cánh phóng viên, ông quỳ xuống và hôn lá quốc kỳ trước khi nó được kéo lên.

Vào ngày 9/11, dưới sự trung gian của Nga, Armenia và Azerbaijan đã đồng ý ký một hiệp định đình chiến. Sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố bắt đầu từ ngày 10/11, ngừng bắn hoàn toàn ở vùng Nagorno-Karabakh, Nga cũng đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào Nagorno-Karabakh để chịu trách nhiệm thực hiện hiệp định đình chiến.

Đoàn xe của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga kéo vào Nagorno-Karabakh hôm 13/11 (Ảnh: AP).

Đoàn xe của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga kéo vào Nagorno-Karabakh hôm 13/11 (Ảnh: AP).

Theo nội dung của hiệp định, Azerbaijan có thể tiếp tục giữ lại khu vực hiện đang chiếm giữ, nhưng Armenia phải từ bỏ phần lớn quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh và chỉ có thể giữ lại một phần lãnh thổ xung quanh thủ phủ Stepanakert và Hành lang Lachin, một hành lang giao thông quan trọng kết nối với nội địa Armenia.

Đối với việc ký kết hiệp định đình chiến, Thủ tướng Armenia Pashinyan nhấn mạnh rằng không có lối thoát nào khác ngoài việc ký vào hiệp nghị đình chiến. Chiến tranh đã kịp thời dừng lại, nếu không tình hình Armenia sẽ càng thêm bất lợi.

Đánh giá về kết quả, Armenia đã hoàn toàn bị đánh bại; Azerbaijan đạt được các mục tiêu đã đề ra giành lại phần đất đã mất; Nga duy trì tình trạng vùng đệm chiến lược của Nagorno-Karabakh và thực hiện một bước quan trọng trong việc xác lập lại vai trò lãnh đạo ở khu vực Ngoại Kapkaz (hay Transcaucasus); Thổ Nhĩ Kỳ buồn vui lẫn lộn, có được tư cách quan sát viên gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh nhưng không được quyền trực tiếp đóng quân ở đó.

Quân đội Nga đã triển khai để gìn giữ hòa bình, giám sát thực hiện ngừng bắn. Trong ảnh: một chiếc xe của dân chúng địa phương đi qua chốt kiểm soát của quân đội Nga ở Shusha (Ảnh: AP).

Quân đội Nga đã triển khai để gìn giữ hòa bình, giám sát thực hiện ngừng bắn. Trong ảnh: một chiếc xe của dân chúng địa phương đi qua chốt kiểm soát của quân đội Nga ở Shusha (Ảnh: AP).

Theo phản hồi mới nhất từ ​​lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ngày 17/11, về cơ bản hai nước Azerbaijan và Armenia đã tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn. Điều này cũng có nghĩa là cuộc xung đột Nagorno-Karabakh đã được giải quyết và một cục diện khu vực mới đang được hình thành.

Hiệp định ngừng bắn: xác định lại phạm vi ảnh hưởng ở Nagorno-Karabakh

Theo hiệp nghị ngừng bắn ba nhà lãnh đạo vừa ký, hai nước Azerbaijan và Armenia sẽ ngừng bắn toàn diện từ 0h ngày 10/11 theo giờ Moscow. Armenia từ ngày 15/11 đã lần lượt bàn giao lãnh thổ Nagorno-Karabakh họ chiếm giữ trước đây cho Azerbaijan. Trong đó, bàn giao vùng Kalbajar vào ngày 15/11 và vùng Agdam (bên ngoài Nagorno-Karabakh) vào ngày 20/11; ngày 1/12 bàn giao nốt vùng Lachin.

Hành lang Lachin, nối giữa Nagorno-Karabakh và Armenia, sẽ do lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga kiểm soát, nhưng thành phố Shusha trong hành lang này sẽ vẫn thuộc quyền chiếm đóng của Azerbaijan kể từ ngày 8/11. Đồng thời, Azerbaijan có nghĩa vụ đảm bảo an toàn giao thông vận tải trong Hành lang Lachin.

Người dân ở Nagorno-Karabakh tự đốt nhà mình trước khi di tản sang Armenia (Ảnh: AP).

Người dân ở Nagorno-Karabakh tự đốt nhà mình trước khi di tản sang Armenia (Ảnh: AP).

Thời hạn đóng quân đầu tiên của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở đây là 5 năm, sau đó chỉ cần hai nước Azerbaijan và Armenia không phản đối thì thời gian đóng quân của quân đội Nga sẽ tự động được gia hạn thêm 5 năm nữa.

Từ những điều khoản trên, không khó để thấy rằng Azerbaijan đã giành lại được tất cả những vùng lãnh thổ bị Armenia chiếm đóng trước đây và chắc chắn sẽ đạt được những mục tiêu chiến lược đã xác lập trước đó.

Armenia đã bị thất bại toàn diện. Mặc dù về mặt pháp lý họ giữ lại được Châu tự trị Nagorno-Karabakh, là lãnh thổ Armenia, nhưng vị trí địa lý và sự cách biệt của nó với nội địa Armenia sẽ dần dần khiến nó trở thành một "bộ phận chia cắt trên thực tế".

Nga đã duy trì thành công địa vị vùng đệm chiến lược của Nagorno-Karabakh và sử dụng nó như một nền tảng quan trọng để duy trì quyền ra quyết định cuối cùng của mình trong các vấn đề của vùng Ngoại Kapkav (Transcaucasus). Thổ Nhĩ Kỳ đã có được tư cách quan sát viên gìn giữ hòa bình và tấm vé can dự vào các vấn đề của khu vực Transcaucasus, nhưng trong tương lai gần, họ sẽ không có khả năng thách thức vị trí cường quốc số một của Nga trong khu vực nữa.

Dân chúng Armenia biểu tình đòi Thủ tướng Pashinyan từ chức (Ảnh: Getty).

Dân chúng Armenia biểu tình đòi Thủ tướng Pashinyan từ chức (Ảnh: Getty).

Phản ứng từ mọi phía: đủ mọi sắc thái

Là nước hưởng lợi lớn nhất từ ​​hiệp nghị ngừng bắn, Azerbaijan đã bước vào một "lễ hội tập thể" trên khắp đất nước. Trên thực tế, ngày 8/11 khi thông báo chính thức về việc thu hồi thành cổ Shusha (một thành phố cổ có mối quan hệ lịch sử sâu sắc với Azerbaijan) được ban hành, một lễ hội carnaval toàn quốc đã bắt đầu. Từ thủ đô Baku đến các thị trấn địa phương, người dân tự phát ca hát và nhảy múa để kỷ niệm thời khắc quan trọng và vinh quang này trong lịch sử của Azerbaijan.

So với sự vui mừng ở Azerbaijan, Armenia, bên thua cuộc lớn nhất trong cuộc xung đột này, đã rơi vào trạng thái "tức giận và thất vọng tập thể." Tại thủ đô Yerevan, dân chúng tức giận đã tràn vào trụ sở quốc hội và các tòa nhà chính phủ, gào thét "Chúng ta sẽ không bỏ cuộc" và yêu cầu Thủ tướng đương nhiệm Pashinyan, người đã đích thân ký "thỏa thuận ô nhục" phải từ chức.

Chưa hết, "cơn giận dữ tập thể" này của Armenia đã lan rộng ra nước ngoài: ở nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Mỹ, đã xuất hiện những vụ việc người Armenia tấn công kiều dân Azerbaijan hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.

Dân chúng cả nước Azerbaijan xuống đường mừng thắng lợi (Ảnh: Getty).

Dân chúng cả nước Azerbaijan xuống đường mừng thắng lợi (Ảnh: Getty).

Với tư cách là người thao túng lớn nhất đằng sau cuộc xung đột, phản ứng chính thức của Nga rất tinh tế. Một mặt, họ đánh động Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua nhiều kênh khác nhau, nhắc nhở họ thấy lợi thì chớp ngay và đừng cố gắng thách thức vị trí thống trị của Nga ở vùng Transcaucasus.

Mặt khác, đối với Armenia, nước đang được “cứu nguy vào giờ chót”, Nga cũng đã nhiều lần nhắc nhở nước này cần phải “biết ơn”, đồng thời tuyên bố rằng “Nga đã hoàn thành nghĩa vụ với tư cách là quốc gia đứng đầu tổ chức an ninh tập thể, Yerevan nên không nên đổ lỗi cho Nga về sự kém cỏi của mình”.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, một bên khác thao túng cuộc xung đột này, chính quyền Erdogan đã phản ứng khá dè dặt.

Bản thân Tổng thống Erdogan cho đến nay chỉ đưa ra những tuyên bố mơ hồ tại các cuộc họp nội bộ của Đảng Chính nghĩa và Phát triển Thổ Nhĩ Kỳ (AKP), chẳng hạn như việc Thổ Nhĩ Kỳ có tư cách tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh và tờ Daily Sabah, cơ quan ngôn luận của chính quyền, chỉ đưa tin qua loa về thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng mà không đề cập đến các điều khoản cụ thể.

Thổ Nhĩ Kỳ bị coi là bên thua thiệt sau khi hiệp định hòa bình Nagorno-Karabakh được ký kết. Trong ảnh: Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (Ảnh: Getty).

Thổ Nhĩ Kỳ bị coi là bên thua thiệt sau khi hiệp định hòa bình Nagorno-Karabakh được ký kết. Trong ảnh: Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (Ảnh: Getty).

Có thể thấy rằng chính quyền Erdogan phải đối mặt áp lực của dư luận trong nước về cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh là không hề nhỏ: sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Azerbaijan trong cuộc xung đột đã được nhiều người biết đến, và dư luận đương nhiên chờ đợi lợi ích chiến lược mang lại từ sự ủng hộ đó. Vì vậy, việc tiết lộ một cách trung thực quá mức về các chi tiết của thỏa thuận ngừng bắn mới nhất có thể khiến tỷ lệ ủng hộ dư luận vốn đã thấp của chính quyền Erdogan lại bị ảnh hưởng thêm.

Theo Hãng thông tấn Anadolu Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/11, Phủ Tổng thống Thổ đã đệ trình Quốc hội dự luật gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Azerbaijan. Dự luật này được Tổng thống Erdogan đề xuất và ký, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cử quân đội đến thực hiện các sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở khu vực Nagorno-Karabakh trong thời hạn một năm. Mục đích nhằm bảo vệ dân chúng địa phương và vì lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ. Với ảnh hưởng của ông Erdogan, việc thông qua dự luật là một điều chắc chắn. Tuy nhiên, người ta không rõ nếu Quốc hội thông qua dự luật cho phép triển khai quân đội vào Nagorno-Karabakh để gìn giữ hòa bình thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được Nga cho phép tham gia đến mức độ nào...

Nga đã nhiều lần nhấn mạnh lực lượng gìn giữ hòa bình duy nhất ở khu vực Nagorno-Karabakh là quân đội Nga và không liên quan gì đến Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này khiến ông Erdogan bất bình, ông cho rằng Putin đã hành xử quá đáng, Nga có thể tiếp quản Nagorno-Karabakh thuận lợi có nguyên nhân sâu xa là sự việc do Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng. Nay Nga đã kiểm soát Nagorno-Karabakh và nắm cả Armenia, đồng thời có thể ngăn cản Azerbaijan. Cục diện tuyệt vời đó là do Thổ Nhĩ Kỳ mang lại, nhưng cuối cùng họ lại không để Thổ Nhĩ Kỳ tham dự cuộc chơi.

Vợ chồng Tổng thống Azerbaijan Aliyev mặc quân phục tới Nagorno-Karabakh làm lễ treo cờ mừng chiến thắng (Ảnh: AP).

Vợ chồng Tổng thống Azerbaijan Aliyev mặc quân phục tới Nagorno-Karabakh làm lễ treo cờ mừng chiến thắng (Ảnh: AP).

Armenia: thất bại toàn diện được báo trước

Vào lúc thỏa thuận ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh được ký kết, thất bại toàn diện của Armenia là một kết cục đã rõ ràng, nhưng khi hiệp định được ký, một làn sóng phản đối đã tràn qua khắp Armenia.

Vào đêm ký kết hiệp định, hàng nghìn người ủng hộ phe đối lập đã chiếm giữ tòa nhà quốc hội và văn phòng chính phủ, hô vang khẩu hiệu phản đối "hành vi bán nước" của chính quyền. Những người biểu tình còn đụng độ với nhân viên của chính quyền, dẫn đến việc người phát ngôn quốc hội Ararat Mirzoyan bị đánh phải nhập viện.

Đồng thời, một bức thư ngỏ do 17 đảng đối lập trong quốc hội cùng soạn thảo kêu gọi Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức đã nhanh chóng được công bố. Bức thư công khai cáo buộc chính quyền Pashinyan “thiếu năng lực ứng phó với những thách thức bên trong và bên ngoài và uy tín đã sụp đổ”.

Cho đến nay, tình hình bất ổn ở Armenia do thỏa thuận ngừng bắn vẫn tiếp tục dâng cao và hai bên trong trò chơi không có dấu hiệu hòa giải. Tại sao một liên minh đối lập lại trở thành ngòi nổ của cuộc bạo loạn ở Armenia? Hệ sinh thái chính trị của Armenia đằng sau điều này là gì?

Nguyên nhân trực tiếp là do thỏa thuận này gần như "bán đứt" các lợi ích của quốc gia Armenia trong khu vực Nagorno-Karabakh cho Azerbaijan. Đối với Armenia, "bác bỏ mọi nhượng bộ về vấn đề Nagorno-Karabakh" là một phần quan trọng của lằn ranh đỏ chính trị. Do đó, việc chính quyền Pashinyan ký "hiệp ước bán nước" đã gây ra phản ứng dữ dội trong nước.

Thủ tướng Armenia Pashinyan xin lỗi dân chúng sau khi ký hiệp định ngừng bắn (Ảnh: AP).

Thủ tướng Armenia Pashinyan xin lỗi dân chúng sau khi ký hiệp định ngừng bắn (Ảnh: AP).

Trong suốt quá trình diễn biến của cuộc xung đột Nagorno-Karabakh lần này, Armenia đã bị trói buộc bởi chủ nghĩa dân tộc. Trên thực tế, chính quyền Pashiniyan từ giữa tháng 10 đã biết trước nguy cơ kết cục của cuộc chiến. Tuy nhiên, trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, họ không có ý định cũng như không có khả năng đưa ra những thỏa hiệp và sự điều chỉnh thích hợp, mà chỉ có thể để tình hình tiếp tục xấu đi.

Mãi cho đến khi những lời "cầu xin và thỉnh cầu" từ quân đội và Cộng hòa Nagorno-Karabakh chất đầy bàn làm việc và khi Nagorno-Karabakh sắp phải đối mặt với thảm họa diệt vong, chính quyền Pashiniyan buộc phải hành động như một "kẻ phản quốc". Điều tiếp theo là toàn bộ quốc gia Armenia đã ở vào cảnh ngộ tồi tệ nhất của họ kể từ khi thành lập nền độc lập.

Ngay từ năm 2016, Levon Ter-Petrossian, Tổng thống đầu tiên của Armenia, đã tiên đoán về số phận bi thảm hiện tại của Armenia khi ông phát biểu tại Quốc hội: “Về vấn đề Nagorno-Karabakh, chúng ta chỉ có thể có cơ hội giữ được một phần nếu chúng ta từ bỏ phần còn lại. Nhưng những chính khách thực hiện cuộc trao đổi này sẽ bị coi là kẻ bán nước; ngược lại, kẻ để mất tất cả có thể trở thành anh hùng".

Thủ tướng Pashinyan ngày hôm nay rõ ràng là một “kẻ bán nước” ​​như vậy, nhưng liệu những nhóm chống đối giận dữ kia có thể thực sự trở thành “anh hùng”?