Không phải đến bây giờ, vấn đề di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường cao ra khỏi khu dân cư mới được đặt ra. Ngay từ tháng 4/2003, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến tháng 10/2003, Chính phủ lại ban hành Quyết định số 1788/QĐ-TTg, phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.
Thực hiện những chỉ đạo trên, đến hết năm 2016, theo báo cáo của TP Hà Nội, địa phương này đã xử lý triệt để 25/25 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. UBND TP Hà Nội đã chủ động hướng dẫn di dời 63 cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và chấp thuận chủ trương cho 30 cơ sở công nghiệp lập dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
Lực lượng chức năng đang cố dập cháy tại dãy nhà xưởng sản xuất điện tử trong ngõ 300 đường Nguyễn Xiển vào ngày 28/8 ở quận Thanh Xuân
|
Đến năm 2015, Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg, giao UBND Thành phố Hà Nội lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội.
Ấy nhưng trong thực tế nhận thấy, nhiều năm lại đây, TP Hà Nội chưa di dời được một cơ sở sản xuất công nghiệp nào ra khỏi thành phố. Điều mà dư luận ghi nhận được của TP Hà Nội là đã thống kê và xác định có 116 cơ sở sản xuất ở 12 quận phải di dời.
Các cơ sở sản xuất công nghiệp đặt gần khu dân cư bị cháy giống như kho, xưởng của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vừa qua vốn được ví như “bom nổ chậm”, có thể gây ra hậu quả bất cứ lúc nào cho người dân.
Ở TP Hà Nội, có nhiều quận có các cơ sở sản xuất công nghiệp tiềm ần những rủi ro cao cho con người và môi trường. Ví dụ như ở quận Long Biên, các cơ sở của nhà máy hóa chất và kho xăng, dầu ở khu vực Đức Giang nằm trong khu dân cư luôn tiềm ẩn nguy hiểm và có khả năng gây hại cho con người rất lớn.
Theo ông Nguyễn Hồng Quang, một cư dân sống ở quận Thanh Xuân bộc bạch, thời hạn di dời theo quy định của Chính phủ chỉ còn hơn một năm nữa là hết và chắc chắn kết quả di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp sẽ không đạt được tiến độ.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân mà các cơ quan chủ quản không chiu di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi địa bàn dân cư có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là tâm lý ngại ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí “đất vàng” để sản xuất, kinh doanh, thuận tiện đi lại, sinh hoạt.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân cố hữu và chưa bao giờ giải quyết thỏa đáng đó là thiếu nguồn lực tài chính và cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời còn một số bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Chính điều này đã khiến cho Quyết định 130/QĐ-TTg của Chính phủ ra đời từ năm 2015 có nguy cơ chết yểu.
Đằng sau nhà xưởng bị cháy là nhiều chung cư cao tầng có rất đông người dân sinh sống
|
Tốc độ đô thị hóa nhanh, tình trạng di dân cơ học từ nông thôn ra thành phố ngày càng tăng, đặc biệt là hiện tượng cấp phép xây dựng chung cư quá nhiều trong khi cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bệnh viện, trường học không tương thích đã khiến cho cuộc sống của người dân ở Hà Nội ngột ngạt và bí bách.
Nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết đã khiến cho bài toán phát triển đô thị, trong đó có thực hiện chủ trương di dời các cơ sở công nghiệp trở lên phức tạp hơn bao giờ hết.
Với phương pháp làm việc sợ đụng chạm, chưa coi trọng lợi ích chung của người dân thì “bom nổ chậm” trong thành phố sẽ còn cơ hội phát nổ bất cứ lúc nào.