HFIC: Lát cắt về “phiên bản SCIC” của TP. HCM

VietTimes -- Năm 2005, sau gần một thập kỷ nghiên cứu và hoàn thiện đề án, Chính phủ thành lập Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn quốc doanh trên phạm vi toàn quốc. Ít người biết rằng Thành phố Hồ Chí Minh cũng có một "SCIC" của riêng mình. Đó là Công ty Đầu tư tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC).
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Dấu hỏi về hiệu quả

HFIC là Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, được thành lập theo quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 02 tháng 02 năm 2010 của Ủy ban Nhân dân TP. HCM trên cơ sở tổ chức lại Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 4 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cấp ngày 11/09/2015, HFIC có vốn điều lệ 7.612 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn điều lệ thực góp của công ty tính đến cuối năm 2015 mới đạt 7.298 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính riêng sau soát xét năm 2015 cho thấy, tổng tài sản của HFIC tại ngày 31/12/2015 là 12.537 tỷ đồng, chia làm: 4.440 tỷ đồng nợ phải trả (35,4%) và 8.097 tỷ đồng vốn chủ sở hữu (64,6%).

Năm 2015, HFIC báo lãi 503 tỷ đồng sau thuế, trên tổng số 831 tỷ đồng doanh thu. Trong đó, 4 nguồn tạo thu chủ yếu của HIFC là: Thu từ hoạt động đầu tư góp vốn (312 tỷ đồng); Doanh thu từ lãi tiền cho vay (195 tỷ đồng); Doanh thu từ lãi tiền gửi (159 tỷ đồng); Doanh thu khác (150 tỷ đồng).

Chi tiết doanh thu khác trong năm 2015 của HFIC bao gồm doanh thu từ chuyển nhượng vốn tại CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (116,5 tỷ đồng) và CTCP Xây dựng Cầu Sài Gòn (28,6 tỷ đồng); thu nhập từ lãi trái phiếu chuyển đổi của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (3,4 tỷ đồng).

Có thể thấy, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) của HFIC là đặc biệt ấn tượng: 60,53%.

Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) - chỉ tiêu quan trọng nhất trong bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng vốn - thì lại chẳng được lạc quan như vậy: 6,21% - bằng chưa đầy 1/3 con số tương ứng ở SCIC (22,37%).

Chỉ số ROE 6,21% này thậm chí còn thấp hơn tương đối so với mức lãi suất huy động tiền gửi VNĐ, kỳ hạn 12 tháng, mà nhiều ngân hàng đang công bố (6,5 – 7%/năm). Khi đó, xét đơn thuần trên khía cạnh sinh lời, thì việc đem 8.097 tỷ đồng vốn chủ sở hữu của HFIC đi gửi nhà băng có lẽ sẽ lại còn khôn ngoan và nhàn nhã hơn nhiều.

Câu hỏi phái sinh là có nên thành lập và duy trì cả một bộ máy doanh nghiệp như HFIC, nhất là trong bối cảnh đã có một mô hình mẹ ở phạm vi toàn quốc là SCIC (?!).

Ưu ái về nguồn vốn

Tương tự SCIC, HFIC cũng rất chịu khó đem tiền…. gửi ngân hàng

Báo cáo tài chính ghi nhận, tính đến ngày 31/12/2015, HFIC đang có 3.194 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn 03 tháng tại các NHTM với lãi suất từ 4,2 đến 5,5%/năm, chưa kể 296 tỷ đồng tiền gửi thanh toán. Về mặt hình các khoản tiền gửi ngân hàng của HFIC đều có kỳ hạn ngắn, sẵn sàng “độ lỏng” để phục vụ công tác đầu tư mới, nhưng thực chất nó lại nằm khá “ổn định” ở các nhà băng (cuối năm 2014 là 2.423 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và 372 tỷ đồng tiền gửi thanh toán).

Số tiền gửi ngân hàng của HFIC là thực sự đáng kể, khi chiếm tới non nửa vốn tự có, và cũng là già ¼ tổng tài sản công ty.

Bên cạnh tiền gửi ngân hàng, HFIC còn duy trì một con số tương đương đem cho vay lấy lãi: 3.501 tỷ đồng. Song hoạt động này lại tiềm ẩn không ít nguy cơ khi mà tổng giá trị nợ xấu tính đến ngày 31/12/2015 là 220 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 6,3% - vượt xa chuẩn 3% mà NHNN đang quy định cho các TCTD.

BCTC của HFIC không công bố chi tiết các đối tượng vay vốn cũng như lãi suất cho vay, nhưng cho biết doanh thu từ lãi tiền cho vay là 195 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu trong hoạt động cho vay của HFIC lên đến 6,3%.

Ở hướng ngược lại, HFIC cũng thực hiện các nghiệp vụ huy động vốn, song không phải là từ khu vực dân cư và doanh nghiệp như thường thấy ở các tổ chức tín dụng. HIFC chủ yếu thực hiện vay lại từ Bộ Tài chính.

Theo đó, HFIC đang được Bộ Tài chính cho vay lại 2.324 tỷ đồng từ các hợp đồng vay vốn mà Bộ Tài chính đã ký với các đối tác nước ngoài như Hiệp hội Phát triển Quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD).

Theo như thuyết minh của HFIC thì có thể hiểu, đồng tiền vay vốn mà Bộ Tài chính ký với các định chế tài chính quốc tế là các ngoại tệ như SDR (quyền rút vốn đặc biệt) và EUR, nhưng đồng tiền vay lại trong các hợp đồng mà HFIC ký với Bộ Tài chính là VNĐ, tức là sẽ không bị tác động bởi yếu tố tỷ giá.

Trong các hợp đồng cho vay lại, Bộ Tài chính tỏ ra khá ưu ái Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (tiền thân của HFIC ngày nay). Không chỉ có kỳ hạn dài tới 25 năm và thời gian ân hạn đến 10 năm, mức lãi suất cho vay lại trong hầu hết các hợp đồng còn hạ hơn rất nhiều so với diễn biến thực tế của thị trường lãi suất tại thời điểm kết lập hợp đồng.

Thậm chí là đến lúc này, khi thị trường lãi suất đã được bình ổn rất nhiều, thì với 1.234,5 tỷ đồng vay lại Bộ Tài chính (từ các Hiệp định tín dụng ký với Hiệp hội phát triển quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á) theo lãi suất vay lại 4%/năm, “SCIC TP. HCM” vẫn có thể dễ dàng ăn chênh lệch.

Thực tế là, như đã nói, HFIC vẫn đang gửi tiết kiệm già 1/4 tài sản để hưởng lãi đến 5,5%/năm và đầu tư trái phiếu CII lãi suất 13%/năm...

(còn nữa)

Ninh Giang – Hoàng Nguyên