Hết thời 'hoành tráng', PMU thiếu tiền trả lương

Các thành viên ban quản lý dự án (PMU) từng điều hành các dự án hàng chục nghìn tỷ đồng, thu nhập ngất ngưởng, nhà thầu săn đón, xe pháo rộn ràng.

Cái danh PMU giao thông từng nổi như cồn. Thế nhưng, đến nay, các PMU rơi vào cảnh thiếu việc làm, nhân viên nghỉ không lương…

Nghỉ không lương luân phiên

Cách đây vài năm, khi các dự án giao thông sử dụng vốn ngân sách lẫn BOT dồn dập thi công, cửa phòng các lãnh đạo PMU thuộc Bộ GTVT luôn có các nhà thầu thấp thỏm đứng chờ. Đến nay, các dự án hầu như đã hoàn thành, chưa có dự án mới, khách vắng. Nhiều lãnh đạo PMU bắt đầu áp dụng các biện pháp hạ lương, tinh giản biên chế.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc PMU 6 của Bộ GTVT cho hay: Ban có 12 dự án thì tất cả đã hoàn thành; 3 dự án đang thanh tra, kiểm toán; còn 3 dự án  nữa đang trong quá trình chuẩn bị. Trong 12 dự án ban này vừa thực hiện xong có nhiều dự án BOT nhưng chưa thu được hết tiền để trang trải.

“Với các dự án BOT, chúng tôi là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nhưng cả các nhà BOT đều nợ tiền. Có nhà đầu tư nợ chúng tôi 5 tỷ đồng, hỏi liên tục, nhờ người này người kia tác động mới lấy được 1 tỷ. Từ tháng tới, nguồn thu không có, chúng tôi đang phải lên phương án để cầm cự” - ông Tuấn Anh nói.

Chỉ sống nhờ vào ngân sách và nhà đầu tư BOT, các PMU của Bộ GTVTđang rơi vào khủng hoảng khi ít dự án được thực hiện.

Theo các quy định hiện hành, cán bộ thuộc các PMU được hưởng mức lương tối đa bằng 2,5 lần mức lương của công chức. Tuy nhiên, hiện PMU 6 chỉ duy trì được mức lương bằng 1,2 lần lương công chức.

“Tới đây chắc sẽ tiếp tục hạ và tinh giản biên chế. Trừ một số đơn vị còn có nguồn thu tốt, tình trạng chung các ban quản lý dự án là rất khó khăn” - ông Tuấn Anh nói.

Thời oanh liệt không còn, khó khăn lộ rõ nhưng đây là điều không dễ chấp nhận với các ban quản lý dự án.

“Nói ra không hay chút nào nhưng ban không còn có khả năng trả lương và đã quyết định cho anh em nghỉ không lương luân phiên. Mỗi năm, mỗi người nghỉ 3 tháng vừa để giảm quỹ lương, vừa tạo quãng thời gian để anh em đi tìm việc khác” - Giám đốc một PMU lớn của Bộ GTVT đề nghị giấu tên tiết lộ.

Việc có một “chân”, dù là chuyên viên tại các PMU Bộ GTVT từng là niềm hãnh diện của nhiều cán bộ kỹ sư. Họ liên tục đi công tác, xe đưa đón tại chân công trường, nhà thầu chào đón, trọng vọng. Nhưng chỉ gần 1 năm nay, tình thế xoay chuyển đột ngột làm nhiều người hụt hẫng.

Một cán bộ của PMU sắp phải nghỉ không lương than vãn: “Gia đình không có mô hình nào làm riêng. Giờ tôi nghỉ không lương chưa biết làm gì, trước mắt nhờ vợ nuôi. Sau đó, có thể xem nhà thầu, công ty giám sát dự án nào có việc xin đi làm thêm”.

Tiếp tục bám vào ngân sách?

Không thể phủ nhận vai trò của các PMU trong thời gian các công trình giao thông thi công dồn dập (có thời kỳ, hầu như cuối tuần nào Bộ GTVT cũng tổ chức khởi công, khánh thành dự án). Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động của các PMU cũng lộ nhiều bất cập.

“Việc tái cơ cấu các ban quản lý dự án cũng có thể tính đến phương án cổ phần hóa, cho phép tư nhân mua cổ phần, tham gia vào hoạt động. Việc cổ phần hóa các ban quản lý dự án, đưa quản lý dự án do nhà nước đầu tư thành một dịch vụ công do các công ty tư nhận thực hiện việc hoàn toàn có thể”. 

Ông Vũ Anh MinhVụ trưởng Quản lý doanh nghiệp - Bộ GTVT

Theo đó, các PMU được thành lập với chức năng thay mặt Bộ GTVT quản lý trực tiếp các dự án sử dụng ngân sách, vốn vay ODA và các dự án BOT để lấy kinh phí hoạt động. Dù không trực tiếp được cấp ngân sách để hoạt động nhưng việc được trích phần trăm của dự án khiến các PMU bằng mọi cách phải giành được dự án.

Một giám đốc PMU xác nhận, việc các PMU giành dự án của nhau xảy ra từ lâu nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi cạnh tranh của các PMU thông qua cơ chế xin - cho, không thông qua đấu thầu dễ phát sinh tiêu cực.

Bộ GTVT đang soát xét hoạt động của các PMU để có biện pháp sắp xếp. Trao đổi với PV Tiền Phong, ý kiến của các lãnh đạo PMU cơ bản vẫn muốn “nằm chờ” để Bộ GTVT phân chia, hoặc tự tìm dự án để thực hiện.

Tuy nhiên, theo chính dự báo của Bộ GTVT, với việc nợ công đã chạm trần; nước ta thoát ra khỏi danh sách các nước thu nhập thấp, vay vốn ưu đãi ODA khó khăn; ngân hàng siết chặt cho vay trung và dài hạn cho đầu tư BOT giao thông…, sự chờ đợi của các PMU sẽ không có kết quả.   

Ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho hay: Trong tình hình hiện nay, biện pháp cơ học nhất đang được tính đến là thu hẹp, sáp nhập các PMU. Phương án khác để tận dụng nguồn lực, đặc biệt là kinh nghiệm của các PMU là chuyển đổi thành các doanh nghiệp; vừa quản lý dự án, vừa có thể làm chủ đầu tư dự án (như mô hình của Tổng Cty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng Cty Cửu Long hiện nay).

Ông Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc PMU 2 (Bộ GTVT) cho hay: “Nếu bộ GTVT cho cơ chế để các PMU thành doanh nghiệp, chúng tôi sẵn sàng xung phong thực hiện. Cứ vận hành như hiện nay, các PMU thực sự rất khó khăn”.

Theo Tiền Phong