Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT), cho biết tính đến hết năm 2014, cả nước có 118.650 ô tô hết niên hạn sử dụng (NHSD), trong đó có 77.858 xe chở hàng và 40.792 xe chở người. Đến ngày 31-12-2015, có thêm 20.994 ô tô sẽ hết NHSD. Như vậy, hết năm 2015, cả nước có xấp xỉ 140.000 ô tô hết NHSD.
Điều đáng nói là trong số này, không ít xe vẫn đang lưu thông trên đường và đã gây ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc. Cụ thể, trong năm 2015, qua khảo sát tại một số tỉnh như Thanh Hóa, Gia Lai, Tây Ninh…, Cục Đăng kiểm Việt Nam phát hiện hàng trăm ô tô hết NHSD nhưng vẫn hoạt động, thậm chí xe khách hết NHSD vẫn được dùng để đưa đón học sinh.
Tung hoành khắp nơi
Ở các tỉnh miền Trung, nhất là vùng sâu - vùng xa, tình trạng người dân sử dụng ô tô hết NHSD khá phổ biến.
Thượng tá Nguyễn Đức Chỉ, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam, thừa nhận trên địa bàn này có tình trạng ô tô hết NHSD nhưng vẫn được người dân sử dụng. CSGT thường xuyên xử phạt nhưng chưa có số liệu thống kê cụ thể.
12 giờ ngày 23-7, tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, xe tải biển kiểm soát 92K-9645 (hết hạn đăng kiểm hơn 1 năm) do tài xế Đặng Văn Lê điều khiển chở gỗ lưu thông trên Quốc lộ 40B, trong lúc xuống đèo đã tông vào taluy đường rồi lao xuống vực. Tai nạn khiến anh Phan Đình Âu (19 tuổi, ngụ huyện Tiên Phước, là người đi trên xe) tử vong tại chỗ. Tài xế và một nạn nhân khác bị kẹt cứng trong cabin, người dân ở gần đó phải phá cửa xe đưa các nạn nhân đi cấp cứu.
Theo dữ liệu kiểm định, xe tải này sản xuất năm 2006 tại Việt Nam, kiểm định lần gần nhất vào ngày 11-7-2013 và hạn kiểm định đến ngày 10-7-2014 do Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 9201S - Quảng Nam thực hiện. Như vậy, đến thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc xe quá hạn kiểm định hơn 1 năm.
Nếu xe hết NHSD ở các địa phương thường hoạt động tại địa bàn miền núi, dùng để chở nông sản cho các nhà máy chế biến và lưu hành vào đêm khuya thì trên các tuyến đường ở trung tâm TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, hằng ngày vẫn có những xe cũ kỹ, mục nát công khai chở đất, đá, vật liệu. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra khi các xe này mất phanh, mất lái lao vào người đi đường.
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng gần 1.000 ô tô hết NHSD, trong đó có hơn 300 xe khách. Một cán bộ thanh tra giao thông cho biết: “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, xử lý rất kiên quyết với những xe hết NHSD nhưng việc phát hiện không đơn giản bởi họ thường xuyên trốn tránh”.
Nghiên cứu phương án tịch thu
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết dù đơn vị này đã cung cấp số liệu cho phòng CSGT, sở GTVT, thanh tra giao thông các địa phương, đồng thời chủ động phối hợp với các lực lượng tuần tra thực hiện kiểm tra liên ngành để kiểm soát trên đường, xử lý nghiêm, tuy nhiên vẫn không ít chủ xe cố tình dùng ô tô hết NHSD để chở hàng, chở người ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi lực lượng chức năng kiểm soát còn mỏng.
Theo trung tá Trịnh Cao Cường, Đội trưởng Đội Đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ - Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này có 3.055 ô tô đã hết NHSD hoặc sẽ hết NHSD vào ngày 31-12-2015. Hiện Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa đã gửi thông báo tới công an các huyện, thị, thành phố trên địa bàn để rà soát, yêu cầu chủ ô tô đã hết NHSD đến cơ quan công an làm thủ tục xóa sổ phương tiện.
“Qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT đã phát hiện và bắt giữ 181 ô tô hết NHSD. Ngoài phạt tiền theo quy định, chúng tôi đã yêu cầu chủ phương tiện phá hủy, cắt bỏ xe ngay tại chỗ” - trung tá Cường khẳng định.
Trả lời về việc làm sao để xử lý triệt để ô tô hết NHSD mà vẫn lưu thông, ông Nguyễn Hữu Trí cho biết Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ có thể kiểm tra, phát hiện và kiến nghị địa phương, cơ quan công an để xử lý chứ không có quyền chặn bắt xe. Hiện cơ quan này đang nghiên cứu đề nghị của chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về việc giao Cục CSGT tổ chức lực lượng kiểm tra liên ngành toàn quốc nhằm tuyên truyền và tịch thu ô tô hết NHSD nhưng vẫn tham gia giao thông. Ông Trí cũng cho rằng ngoài các lực lượng chức năng xử lý trên đường, cần có cơ chế gắn trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã, công an khu vực trong quản lý xe hết NHSD tại địa bàn.
“Để thu hồi được số lượng ô tô hết NHSD tại các địa phương, lãnh đạo tỉnh phải giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo cơ quan chức năng các quận, huyện và nên giao cho lực lượng công an xã, công an khu vực giám sát việc chủ xe hết NHSD nộp lại giấy tờ đăng ký, biển số, đăng kiểm...” - ông Trí nói.
Niên hạn sử dụng tính từ năm sản xuất
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, các tổ chức hoặc cá nhân sử dụng ô tô tham gia giao thông có trách nhiệm thực hiện NHSD xe quy định tại Nghị định 95/NĐ-CP ngày 30-10-2009 của Chính phủ quy định NHSD đối với ô tô chở hàng và ô tô chở người. Theo đó, NHSD của ô tô được tính từ năm sản xuất xe, trừ một số trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép; còn lại, NHSD đối với ô tô chở hàng là không quá 25 năm, ô tô chở người không quá 20 năm, ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành ô tô chở người trước ngày 1-1-2002 không quá 17 năm.
Hiểm họa khó lường
Tại TP HCM, tình trạng ô tô cũ nát chạy bạt mạng trên các tuyến đường không khó để gặp và rất phổ biến ở các khu vực cửa ngõ. Nhiều trường hợp xảy ra tai nạn giao thông thì cơ quan chức năng mới phát hiện ô tô hết NHSD và hết hạn kiểm định. Chiều 9-12, trên đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9) có hàng chục xe ben, xe tải cũ nát lưu thông trên cả 2 chiều đoạn qua giao lộ với đường Tam Đa. Một số xe không còn rõ biển kiểm soát, thùng hoen gỉ nhưng vẫn nghênh ngang chở đất, đá. Nhiều xe nhả khói mù mịt vào mặt người đi đường.
Xe ben cũ kỹ chở cát trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9, TP HCM
“Có những xe rất cũ nhưng vẫn chở hàng cao ngất. Nhiều xe chạy ẩu, khi đến những khúc cua là chao đảo như muốn đổ ập xuống. Các xe này còn đi vào đường nhỏ trong khu dân cư gây hư hỏng mặt đường khiến nhiều tuyến trông chẳng khác gì đường nông thôn” - bà Nguyễn Bích Ngọc (ngụ cạnh đường Nguyễn Duy Trinh) phản ánh.
Chung cảnh ngộ, đường Tạ Quang Bửu (đoạn nối dài từ giao lộ Phạm Hùng đến cầu Tạ Quang Bửu, thuộc phường 5, quận 8), xe hết NHSD cũng chạy rầm rập mỗi ngày. Những xe này chủ yếu ra vào hai bãi tập kết đá, cát dọc rạch Hiệp Ân (gần cầu Tạ Quang Bửu) để chở nguyên vật liệu. Theo phản ánh của người dân, nhiều xe chở đất đá chỉ phủ bạt sơ sài nên khi rơi vãi trên mặt đường gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.
Trên đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh (quận 7); xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1 (qua quận Thủ Đức)…, ô tô cũ nát cũng chạy rầm rập, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông do đây là các tuyến đường có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. “Chất lượng xe không bảo đảm cộng với tài xế chạy ẩu thì hiểm họa tai nạn giao thông là khó lường. Khi đi đường, thấy những loại xe này là tôi phải tránh xa hoặc nhường cho nó chạy trước” - anh Nguyễn Văn Bình (ngụ quận Thủ Đức) nói.
Nhiều người “thót tim” với cảnh những chiếc xe “già” chở khách trên nhiều tuyến đường của TP như Đinh Bộ Lĩnh, Quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh); Kinh Dương Vương (quận Bình Tân)... Qua ghi nhận, nhiều chiếc rất “nát” nhưng vẫn chở khách đi các chặng đường dài từ TP HCM về các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Nhìn bên ngoài, nhiều xe không còn rõ logo đơn vị kinh doanh vận tải, thành xe đóng bụi dày đặc, trần bong tróc, chắp vá…, thậm chí thay đổi kết cấu, tháo bớt ghế ngồi để tăng khả năng vận chuyển, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết.
Theo Thanh tra Sở GTVT TP HCM, trên địa bàn không hiếm xe hết NHSD. Tuy nhiên, nhiều chủ xe không chủ động đến cơ quan chức năng kiểm định và vẫn giữ để hoạt động “chui” hoặc chuyển qua địa phương khác sử dụng, gây khó cho việc quản lý.
Theo NLĐ