|
Tổng thống Trump đề xuất Kế hoạch phòng thủ tên lửa Golden Dome nhiều tham vọng nhưng gặp phải nhiều thách thức. Ảnh: Xinhua. |
Lá chắn bảo vệ trước các cuộc tấn công, kể cả hạt nhân
Hôm 13/5, Cục Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) đã công khai cảnh báo rằng Trung Quốc và Nga đang phát triển tên lửa hạt nhân không gian và vũ khí siêu thanh mới. Tổng thống Trump và Quốc hội Mỹ đang thúc đẩy kế hoạch mạng lưới phòng thủ tên lửa "Golden Dome" (Vòm Vàng) để đối phó với các mối đe dọa tên lửa ngày càng phức tạp và lan rộng nhanh chóng.
Theo bản tóm tắt đồ họa do DIA công bố, trong 10 năm tới Trung Quốc có thể triển khai tới 60 tên lửa "Hệ thống oanh tạc quỹ đạo phân đoạn" (FOBS). Đây là hệ thống tên lửa đi vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp, quay trở lại bầu khí quyển trước khi hoàn thành quỹ đạo để tấn công. Nó không chỉ rút ngắn đáng kể thời gian bay mà còn có thể bỏ qua Nam Cực để tránh hệ thống cảnh báo sớm và phòng thủ của Mỹ, làm tăng độ khó phát hiện và đánh chặn.
DIA ước tính rằng, ngoài Trung Quốc, đến năm 2035, Nga cũng có thể có tối đa 12 tên lửa FOBS.
Theo dự đoán của DIA, đến năm 2035, tổng số tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) (bao gồm cả FOBS) của Trung Quốc có thể tăng từ 400 lên 700, số lượng tên lửa hành trình tấn công mặt đất sẽ tăng từ 1.000 lên 5.000 và số lượng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) cũng có thể tăng lên ít nhất 132. Kho vũ khí ba loại này của Nga cũng đang gia tăng, cho thấy Trung Quốc và Nga đang mở rộng khả năng tấn công của họ theo mọi phía.
Ảnh: Getty.
Ngoài ra, DIA cũng ước tính rằng Trung Quốc sẽ triển khai tới 4.000 vũ khí siêu thanh vào năm 2035, chủ yếu là phương tiện lướt siêu thanh (HGV), và cũng bao gồm các trang bị mới như tên lửa đạn đạo khí động học, nhiều hơn đáng kể hiện nay. Những vũ khí siêu thanh này bay với tốc độ vượt quá Mach 5, có khả năng cơ động và đột phá cao, một số phiên bản có thể mang đầu đạn hạt nhân.
DIA cảnh báo rằng Trung Quốc và Nga đang phát triển nhiều "nền tảng phóng mới" có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hiện có của Mỹ, gồm tên lửa hành trình phóng từ trên không, tên lửa siêu thanh phóng từ tàu ngầm và phương tiện tấn công không gian, quy mô và mức độ phức tạp của mối đe dọa tên lửa đang tăng nhanh chóng.
Ý tưởng và chi phí thực hiện
Ông Trump đã nhiều lần nói Mỹ cần một hệ thống phòng thủ tên lửa tương tự như Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel, nhưng quy mô lớn hơn nhiều. Hệ thống Iron Dome chỉ bảo vệ được các mối đe dọa tấn công tầm ngắn đối với quốc gia chỉ có diện tích bằng bang New Jersey; còn Golden Dome là hệ thống phòng thủ không gian được thiết kế để bảo vệ toàn bộ nước Mỹ khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh tiên tiến.
Theo Spacenews, hệ thống này sẽ dựa trên ý tưởng cốt lõi là phòng thủ nhiều lớp, bao gồm khả năng đánh chặn các mối đe dọa tên lửa phóng từ mặt đất, trên không và thậm chí là quỹ đạo vũ trụ. Phần phát triển ưu tiên bao gồm các mạng lưới cảm biến và đánh chặn được triển khai trong không gian, với mục tiêu đánh chặn tên lửa của đối phương trong "boost phase” (giai đoạn tăng tốc).
Theo phân tích của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), riêng hệ thống đánh chặn không gian sẽ cần khoản đầu tư 161 tỷ USD, dựa trên ước tính thấp nhất, trong khi chi phí dài hạn của toàn bộ hệ thống có thể lên tới 542 tỷ USD, thậm chí cao hơn.
Khái niệm về hệ thống "Golden Dome" gợi nhớ đến kế hoạch phòng thủ không gian "Star Wars" còn dang dở của Tổng thống Reagan trong Chiến tranh Lạnh, nhưng vẫn còn những thách thức rất lớn về công nghệ và tài chính. Mặc dù vậy, ý tưởng này vẫn được ông Trump coi là một trong những khoản đầu tư quốc phòng lớn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Việc xây dựng hệ thống khổng lồ này đòi hỏi sự hợp tác giữa chính phủ và các doanh nghiệp. Công ty SpaceX của Elon Musk đã tích cực tìm kiếm sự tham gia và đã thông báo cho nhóm của ông Trump về khả năng họ hợp tác với Công ty quốc phòng Anduril và Palantir Technologies chuyên về nền tảng phần mềm phân tích dữ liệu lớn. Cả ba công ty đều đã gửi đề xuất tới Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, người đã bày tỏ sự quan tâm lớn đến công nghệ của họ.
Kế hoạch này đã gặp phải một số trở ngại. Bộ trưởng Pete Hegseth đã đệ trình kế hoạch lên Nhà Trắng muộn hơn gần một tháng so với thời hạn 28/3 của Tổng thống Trump. Sự chậm trễ này, cùng với các vấn đề trong hoạt động của nhóm, đã gây ra sự bất bình ở Nhà Trắng.
Những thách thức về công nghệ, tài chính và địa chính trị
Theo lệnh hành pháp do Trump ký hôm 27/1, hệ thống Golden Dome phải nộp bản thiết kế kiến trúc trong vòng 60 ngày. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã lỡ hẹn và tầm nhìn lớn này đang gặp phải nhiều trở ngại khi triển khai.
Tranh cãi về tính khả thi về mặt công nghệ. Mặc dù Mỹ đã triển khai hệ thống THAAD và Patriot ở Guam và đã thử nghiệm đánh chặn thành công, nhưng độ khó trong việc phòng thủ toàn diện đất nước đã tăng theo cấp số nhân.
Lấy "Vòm sắt" của Israel làm ví dụ, một hệ thống chỉ có thể bao phủ khoảng 390 km vuông. Nếu phủ sóng toàn bộ lục địa Mỹ (trừ Alaska và Hawaii), cần triển khai hơn 24.000 hệ thống, với chi phí lên tới 2,5 nghìn tỷ USD. Các tên lửa siêu thanh mà Golden Dome cần xử lý (như Avangard của Nga, DF-17 của Trung Quốc) có khả năng thay đổi quỹ đạo và công nghệ đánh chặn hiện tại rất khó để theo dõi hiệu quả.
Ngoài ra, việc nghiên cứu và phát triển các tên lửa đánh chặn trên không gian vẫn đang ở giai đoạn khái niệm và công nghệ sát thương động năng (như súng điện từ hoặc vũ khí laser) vẫn chưa hoàn thiện.
Có sự mất cân bằng giữa những hạn chế về công nghệ và chi phí tấn công và phòng thủ. Hệ thống phòng thủ luôn phải đối mặt với tình thế "giáo tốt hơn khiên". Lấy tên lửa siêu thanh làm ví dụ, chi phí đột phá của chúng thấp hơn nhiều so với chi phí xây dựng hệ thống đánh chặn.
Một cuộc mô phỏng của Tập đoàn RAND cho thấy nếu đối phương triển khai một cuộc tấn công bão hòa (phóng hơn 50 tên lửa cùng lúc), cho dù tỷ lệ đánh chặn thành công tới 90% thì 5 tên lửa vẫn có thể xuyên thủng, đủ để gây ra một đòn thảm khốc. Ngoài ra, sự phổ biến của đạn mồi bẫy và đầu đạn cơ động càng làm giảm khả năng đánh chặn.
Thắt cổ chai về tài chính và sản xuất. Năng lực sản xuất không đủ của ngành công nghiệp quân sự Mỹ đã trở thành một điểm yếu nghiêm trọng. Lấy tên lửa Patriot làm ví dụ, chu kỳ sản xuất có thể kéo dài tới vài năm, trong khi chương trình Golden Dome đòi hỏi phải triển khai nhanh chóng hàng chục nghìn hệ thống.
Mặc dù Cục Phòng thủ tên lửa (MDA) đã đề xuất "phương pháp mua sắm sáng tạo", nhưng phản hồi từ các công ty vũ khí cho thấy tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao khó có thể giải quyết trong ngắn hạn. Đồng thời, chính sách tài chính của ông Trump đã làm trầm trọng thêm các rủi ro tài chính: thâm hụt đã lên tới gần 2 nghìn tỷ USD và xếp hạng tín dụng của trái phiếu chính phủ Mỹ đã bị hạ cấp. Nếu các nhà đầu tư lo ngại về rủi ro vỡ nợ của Mỹ, lãi suất tăng sẽ trực tiếp gây sức ép lên ngân sách quốc phòng.
Đối mặt sự phản công địa chính trị. Nga đã lên án chương trình Golden Dome, cho rằng chương trình này "phá vỡ sự cân bằng hạt nhân" và "thúc đẩy quân sự hóa không gian". Nếu Mỹ vẫn khăng khăng triển khai vũ khí trên không gian, điều này có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới: Trung Quốc và Nga có thể đẩy nhanh quá trình phát triển vũ khí chống vệ tinh và tên lửa siêu thanh, làm suy yếu thêm hiệu quả phòng thủ của "Golden Dome".
Ngoài ra, các đồng minh châu Âu ngày càng bất mãn với áp lực phải chia sẻ chi phí quốc phòng, cũng có thể ảnh hưởng đến sự hiệp đồng của mạng lưới phòng thủ tên lửa toàn cầu.
Hệ thống "Vòm Vàng" bao trùm nước Mỹ của ông Trump: Có khả thi về mặt chiến lược và kinh tế?
Theo Xinhua, LTN